Chuyện về những người thầy “gieo mầm” hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/2/2022 | 9:10:23 AM

YênBái - Họ là những thầy giáo, cô giáo công tác tại các vùng khó khăn của tỉnh, điều kiện kinh tế tuy còn thiếu thốn, song trước những hoàn cảnh đặc biệt của học sinh, các thầy cô đã nhận đỡ đầu, chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho các em tới trường, thậm chí là đón các em về ở cùng. Xin được gọi họ là người “gieo mầm” hạnh phúc.

Vợ chồng thầy giáo Hoàng Anh Vượng nhận Triệu Thị Trang làm con và đón về nuôi dạy, chăm sóc.
Vợ chồng thầy giáo Hoàng Anh Vượng nhận Triệu Thị Trang làm con và đón về nuôi dạy, chăm sóc.

Những ngày cuối năm, tôi có dịp ghé thăm gia đình thầy giáo Hoàng Anh Vượng - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Cát Thịnh và cô Hà Thị Huyền - Trường THCS Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Câu chuyện thầy, cô nhận đỡ đầu học sinh rồi đưa về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều năm nay đã vượt lên trên cả tình thầy - trò và trở thành tình thân. 

Trong ngôi nhà giản dị ở thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, thầy cô cùng 3 đứa nhỏ đang rôm rả nói cười, vừa chuyện trò vừa dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết. Triệu Thị Trang ra dáng chị cả trong nhà quán xuyến công việc, hướng dẫn các em đỡ đần bố mẹ. 

Trong khung cảnh ấy, chẳng ai nhận ra Trang chính là học sinh được thầy cô nhận nuôi. Ngoan ngoãn, lễ phép và kỷ luật là điều mà chúng tôi cảm nhận được từ cả 3 đứa con của thầy Vượng. Chúng lễ phép chào khách, giúp bố mẹ pha trà, rồi tự bảo nhau thực hiện các phần việc trong gia đình. 

Bắt đầu câu chuyện nhận nuôi Trang, thầy Vượng bảo: "Tôi tin rằng không phải tôi mà là người khác cũng làm như vậy thôi, vì Trang thực sự hoàn cảnh”. Năm 2014, khi cô Huyền vợ của thầy Vượng công tác tại Trường PTDTBT TH&THCS An Lương dạy lớp em Triệu Thị Trang. 

Hoàn cảnh của em rất đáng thương: không có bố, mẹ không được minh mẫn đi lang thang. Sau nhiều lần cô để mắt và nhận ra, cứ đến cuối tuần là em lại đi hỏi dò các bạn trong lớp xem nhà bạn nào có em bé hay có trâu cần chăn để theo về làm kiếm bữa cơm cho 2 ngày cuối tuần không bán trú. 

Ban đầu, cô Huyền thường bảo em xuống ăn cơm cùng cô những ngày cô trực trường không về nhà. Thầy Vượng nhớ lại: "Khi vợ kể với tôi câu chuyện của Trang thì suy nghĩ của tôi ngay lúc đó là cứ như vậy không ổn, tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách của con bé và đặc biệt là như vậy hết sức nguy hiểm. Lúc đó tôi mới từ Mù Cang Chải chuyển về Cát Thịnh, nhưng tôi quyết tâm lên trường của vợ, gặp gỡ Trang, Ban Giám hiệu nhà trường và người thân của em để nhận và chuyển em về Cát Thịnh học và chăm sóc. Tôi động viên vợ là nhà mình mỗi người cố lên một chút thì chắc chắn nuôi được con”. 

Sau đó, cô Huyền cũng được chuyển về Trường THCS Cát Thịnh công tác, thầy Vượng cũng đỡ hơn trong việc chăm sóc cả 3 con. Cuộc sống của Trang đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi em được về nhà với thầy cô. Em không chỉ được ăn đủ bữa cho ngày cuối tuần không bán trú mà em đã có một gia đình thực sự, có bố mẹ, có các em, được sống trong tình yêu thương trọn vẹn của gia đình. 

Nhà cách trường hơn cây số, Trang được bố mẹ nuôi sắm cho xe đạp, những ngày mưa gió thì được bố mẹ lại đưa tới trường. Từ một cô bé không nhà, học tập kém, đến nay em có nhà, có bố mẹ cũng là thầy cô kèm cặp bù đắp vững kiến thức để vươn lên trong học tập. 

Thầy Vượng chia sẻ: "Trong gia đình, tôi luôn đối xử công bằng với các con. Tôi luôn tâm niệm và cũng luôn bảo với vợ rằng, nếu mua cho các con cái gì từ quần áo, đồ ăn, đồ chơi đến cái dây buộc tóc đều phải mua đủ cho cả 3 đứa. Tôi không phân biệt con nuôi hay con đẻ. Chị Trang lớn nhất có nhiệm vụ bảo ban các em; các em thì phải nghe lời chị”. 

Bởi suy nghĩ ấy của thầy Vượng mà gia đình thầy luôn tràn ngập tiếng cười. Bà con hàng xóm, đồng nghiệp ai cũng ngưỡng mộ cách dạy các con của vợ chồng thầy. Đặc biệt, thầy luôn dạy Trang phải nhớ về cội nguồn của mình, đưa con về thăm họ hàng. Để lo được cho cả 3 con, ngoài giờ lên lớp, thầy Vượng còn làm thêm nhiều công việc. 

Trong câu chuyện chia sẻ, thầy Vượng cô Huyền khẳng định: Dù có nghèo, có khó khăn thì cũng sẽ nuôi Trang khôn lớn, học hết cấp 3, định hướng theo sở trường sở thích của con để giúp con lựa chọn nghề nghiệp. 

"Con học được đại học thì tôi sẽ nuôi tiếp. Mong muốn sau cùng của vợ chồng tôi là tất cả các con trở thành người lương thiện, có công việc lương thiện kiếm tiền chân chính nuôi bản thân” -  thầy Vượng tâm sự. 

Sự lương thiện mà thầy luôn dạy các con và mong muốn các con có được bắt nguồn từ chính tình thương yêu và đồng cảm trong con người thầy. Hạt mầm lương thiện thầy mang tới đã làm thay đổi cuộc đời của cô học trò lang thang không nhà.

Cũng giống như thầy Vượng, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thư - giáo viên Trường TH&THCS An Bình, huyện Văn Yên đã công tác hơn 20 năm ở vùng khó. Mỗi lứa học trò đều có những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà các thầy cô đều nhận đỡ đầu, giúp đỡ, chia sẻ với các em cả về vật chất và tinh thần. 

Năm học 2021 - 2022, cô Thư - Chủ nhiệm lớp 1C. Ngay từ trước khi năm học bắt đầu, cô Thư cũng giống như bao thầy cô giáo vùng cao khác đều phải đi đến tận bản, gõ cửa từng nhà học sinh, vận động các em ra lớp.

Trong số hơn 30 học trò cô chủ nhiệm có hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Thanh Thanh, nhà thôn Khe Măng khiến cô bận lòng nhất. Sau vài lần đến nhà vận động, gia đình cũng đồng ý cho Thanh đến lớp nhưng hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi làm ăn xa, bố nghiện đi tù, nhà chỉ có bà ngoại và 3 anh chị em chăm nhau. 

Cô Thư chia sẻ: "Thanh ít nói, gần như không giao tiếp với ai cả. Tôi lo nếu kéo dài tình trạng, sợ con bị trầm cảm. Vận động cho con ra lớp thì gia đình mãi không đồng ý. Phải đến lần thứ 3 tôi vào nhà đề nghị gia đình cứ cho con đi học, chỉ cần chuẩn bị cơm cặp lồng cho con từ sớm, còn tới lớp sẽ không phải đóng tiền trông trưa thì bà ngoại cháu đồng ý”. 

Ngày đầu đến lớp, Thanh chỉ có 1 cái túi đựng vài quyển sách nhàu nhĩ. Cô Thư lại phải đi xin, đi mua sách vở, bút, đồ dùng học tập cho Thanh. Thấy Thanh nhận thức chậm hơn các bạn cùng lớp, lại không giao tiếp nên cô Thư đề nghị sau mỗi buổi học chính, cô ở lại kèm thêm cho Thanh. 

Cô Thư cứ kiên nhẫn vừa dạy vừa động viên, tâm sự, Thanh dần mở lòng, cởi mở hơn, đã giao tiếp với những người xung quanh. Cô Thư chia sẻ: "Thanh thay đổi từng ngày, giờ con chăm chỉ phát biểu, tiến bộ hơn nhiều, đọc tốt, viết tốt. Đặc biệt, tôi đã thấy được con cười và vui đùa với các bạn”. 

Bỏ công sức và cả tiền của ra chỉ để mong thấy được học trò tiến bộ, cùng học sinh mở cánh cửa tương lai tươi sáng là chuyện không hiếm ở các trường vùng cao của Yên Bái. Còn rất nhiều các thầy, cô giáo lặng thầm gieo mầm hạnh phúc như thầy Vượng, cô Huyền, cô Thư...

Thanh Ba

Tags thầy cô gieo mầm hạnh phúc vật chất tinh thần học tập

Các tin khác
Ảnh minh họa

Ngay sau Tết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi.

Tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa.

Nghiên cứu, lao động sáng tạo hăng say, họ đã khẳng định trí tuệ của mình đồng thời làm đẹp thêm hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn năm học 2022 - 2023.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022.

Đây là thông tin do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, chiều tối 28/1.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục