Chị Mai Thị Thùy Hương - một trong những thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh đã có rất nhiều giờ hướng dẫn cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh qua phần mềm dạy học trực tuyến Zoom trong những lần phối hợp với các trường học. Vốn xuất thân là giáo viên THPT, chị đã hoàn thành tốt vai trò dẫn dắt cho các em học sinh tìm hiểu về lịch sử địa phương.
Chị chia sẻ: "Tôi đã có rất nhiều tiết học phối hợp với các trường học trên khắp các huyện, thị trong tỉnh. Mỗi tiết dạy đều cho tôi cảm xúc đặc biệt như mình được trở lại bục giảng dù bục giảng ấy từ Bảo tàng tỉnh. Để chuẩn bị cho những tiết dạy đó tôi trao đổi trước với giáo viên các trường về nội dung, sau đó xây dựng kịch bản. Để các tiết học phong phú, không chỉ là cuộc dạo chơi trực tuyến tại bảo tàng, tôi đề xuất với lãnh đạo bảo tàng, mời các khách mời là các chuyên gia lịch sử, khảo cổ để tăng thêm hiệu quả giáo dục cho học sinh”.
Trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chị Hương đã có một tiết dạy trực tuyến từ Bảo tàng tỉnh với trên 4.000 học sinh các trường: Tiểu học Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Kim Đồng, Yên Thịnh của thành phố Yên Bái.
Thông qua tiết dạy, các em học sinh của 4 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái đã có được những kiến thức cơ bản về địa lý, địa giới hành chính, thổ nhưỡng, khí hậu tự nhiên của từng vùng trong tỉnh; về Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; các khoáng sản của từng vùng. Đặc biệt, chị đã mời ông Nông Thụy Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cùng trao đổi với học sinh về Chủ đề "Tết xưa và nay”.
Qua đó, giúp các em hiểu để có được cuộc sống tươi đẹp như hôm nay, ông bà cha mẹ đã vượt qua những thời kỳ khó khăn, vất vả để thêm yêu quê hương, đất nước. Em Nguyễn Bùi Khánh Vân, học sinh Lớp 5A, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Qua buổi học, chúng em hiểu thêm về lịch sử hào hùng của con người Yên Bái, thêm yêu và tự hào hơn về mảnh đất chúng em sinh ra và lớn lên. Chúng em được hiểu về những khó khăn khi đất nước trong thời kỳ bao cấp và cả những cái tết giản dị mà ấm áp của thời kỳ đó chỉ với món thịt lợn, bánh chưng, dưa hành đã là đủ đầy… Chúng em càng cảm thấy may mắn, hạnh phúc và trân trọng cuộc sống hiện đại hôm nay. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống đã dành tặng cho chúng em!”.
Bảo tàng tỉnh được xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ năm 2020 với không gian trưng bày được thiết kế hiện đại, độc đáo về kiến trúc; hấp dẫn và khoa học về nội dung, không gian trưng bày. Các hạng mục trưng bày nội thất, ngoại thất đều được đầu tư công phu, bài trí bài bản, tái hiện và truyền tải chân thực, sinh động những thông tin về lịch sử, tự nhiên, văn hóa, truyền thống về vùng đất và con người Yên Bái.
Khi chưa xuất hiện những ca Covid-19 trong cộng đồng tại Yên Bái, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm học tập tại Bảo tàng tỉnh. Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa tốt đẹp của quê hương và con người Yên Bái với các em học sinh. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, đồng thời cũng để học sinh các nhà trường tại các huyện, thị trong tỉnh cùng được trải nghiệm và nghiên cứu về giáo dục địa phương, nhiều trường học đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Bảo tàng tỉnh để dạy trực tuyến.
Chị Mai Thị Thùy Hương cho biết thêm: "Các em học sinh ở các trường vùng cao, vùng xa như ở huyện Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên rất hào hứng tham gia hoạt động này. Nhiều em chia sẻ mong muốn sẽ được về Bảo tàng tỉnh tham quan trực tiếp. Tôi rất vui và cảm thấy tự hào vì đã truyền tải được phần nào lịch sử địa phương cho các em học sinh trong toàn tỉnh thông qua các lớp học này”.
Bảo tàng tỉnh hiện đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh xây dựng 6 - 7 chuyên đề trưng bày bên cạnh những trưng bày cố định. Với việc phối hợp với các trường học trong các tiết học lịch sử địa phương, Bảo tàng tỉnh đã và đang làm tốt hơn vai trò của nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật lịch sử của địa phương.
Thanh Ba