Yên Bái: Sơ kết 1 năm thực hiện các đề án phát triển giáo dục và đào tạo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/5/2022 | 3:39:26 PM

YênBái - Sáng 20/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện các đề án phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái. Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh phát biểu tại Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh và đại diện lãnh đạo một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái thông qua các đề án phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025 gồm có: Đề án Phát triển giáo dục Mầm non; Đề án Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Đề án Phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. 

Qua 1 năm thực hiện, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành GD&ĐT có những đổi mới, chuyển biến tốt. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được triển khai thực hiện có hiệu quả; các địa phương đã chỉ đạo triển khai được một số mô hình, cách làm hiệu quả trong thực hiện các đề án, như: công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh ảnh hưởng bởi tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ra lớp chuyên cần, hạn chế học sinh bỏ học của huyện Văn Yên; thành lập các nhóm, lớp trẻ tư thục độc lập của huyện Trấn Yên, Văn Chấn. 

Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp với từng địa phương, phát triển ổn định. Tỷ lệ trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ nét, chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì, nâng cao. 

Các hoạt động giáo dục chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất người học theo hướng thiết thực, hiệu quả. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm; phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc” được triển khai trong toàn ngành. 

Trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Yên Bái là một trong những tỉnh được Bộ GD&ĐT tạo đánh giá cao về công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và việc sớm hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, cũng như công tác lựa chọn sách giáo khoa. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng.  

Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa; nhiều trường vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp, hoạt động giáo dục sôi nổi, chất lượng. Thiết bị dạy học và đồ dùng, đồ chơi tiếp tục được đầu tư theo hướng hiệu quả, hiện đại. 

Trong 2 năm 2021, 2022, đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục 666.605 triệu đồng (Đề án Phát triển giáo dục mầm non: 217.291 triệu đồng; Đề án Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: 328.152 triệu đồng; Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành: 9.500 triệu đồng và cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú: 111.662 triệu đồng). 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh đã đánh giá cao kết quả đã đạt được trong thực hiện các đề án phát triển GD&ĐT thời gian qua. Đồng chí cũng yêu cầu, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT trước hết, cần tập trung quán triệt và lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trong toàn ngành về Kết luận số 431 của Thường trực Tỉnh ủy; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các đề án; nâng cao chất lượng công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành GD&ĐT.

Ngành cần xây dựng kế hoạch giáo dục mầm non linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch COVID-19; đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non sửa đổi, bổ sung; tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; Rà soát đội ngũ, dự kiến bố trí giáo viên năm học 2022-2023, quan tâm xây dựng phương án bố trí giáo viên các môn mới, môn tích hợp và môn thiếu giáo viên. 

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản trị nhà trường; Chỉ đạo 100% các trường mầm non, phổ thông xác định và đăng ký các chỉ báo, tiêu chí nâng cao chất lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề án phát triển GD&ĐT; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các kỳ thi tuyển sinh năm học 2022-2023.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, đồng chí yêu cầu cần phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, điều động, luân chuyển, biệt phái, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm khắc phục tình trạng thiếu và mất cân đối giữa các cơ sở giáo dục và giữa các địa phương trong tỉnh; xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên hằng năm, tập trung vào các môn thiếu (Tin học, Tiếng Anh), đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học, môn tích hợp...

Rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng giáo dục; đề xuất phương án sắp xếp hợp lý các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục huy động các nguồn lực từ xã hội hóa; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo đúng lộ trình; phân công bố trí sắp xếp đội ngũ theo hướng liên trường, liên cấp, liên môn để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, nhất là với các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học)...

Thanh Ba

Tags Yên Bái giáo dục đào tạo Nghị quyết số 71/NQ-HĐND Hội đồng nhân dân Vũ Thị Hiền Hạnh

Các tin khác
Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng CDNN giáo viên.

Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ sửa đổi nhiều quy định quan trọng liên quan tới giáo viên như: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng cũng như không xếp hạng về đạo đức nghề nghiệp... nhằm lấy ý kiến đóng góp của thầy cô giáo và dư luận xã hội.

Đến nay, tỷ lệ học sinh Yên Bái tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 44,5%, vượt 0,5% chỉ tiêu giao. Trong ảnh: Học sinh Yên Bái tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp.

Được xác định là một trong những "cánh cửa” giúp học sinh vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Yên Bái đã thực hiện tốt việc giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 19/5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về giáo dục dân tộc, giáo dục thể chất, giáo dục mầm non và công tác triển khai Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT ngày 11/1/2021 của Bộ GD&ĐT về kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025.

Từ ngày 19/5, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng/người lên 4 triệu đồng/tháng/người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục