Đề nghị giữ Lịch sử là môn học bắt buộc

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2022 | 10:30:25 AM

Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề xuất giữ Lịch sử là môn học bắt buộc do lo ngại học sinh THPT không lựa chọn khi môn này được đưa vào chương trình tự chọn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa.

Sáng 22/5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thảo luận chương trình dạy Lịch sử bậc THPT. Phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân, quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ cần thiết kế khối lượng kiến thức lịch sử phần bắt buộc và phần lựa chọn cho phù hợp.

Giải thích về đề nghị trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho biết đa số thành viên Ủy ban không đồng tình việc đưa Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn. Ủy ban đánh giá, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng với thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử.

Môn học này còn bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội.

Học sinh THPT (15-17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội, các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển toàn diện, khêu gợi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

"Nếu không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp THPT (tỷ lệ có thể lên tới 50%), các em sẽ không được tiếp cận với kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này", bà Hoa nói, thêm rằng ở nhiều nước, môn Lịch sử bậc THPT luôn bắt buộc.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình Lịch sử phải là môn học bắt buộc vì thực tế học sinh THPT không mặn mà với môn học này, điểm số tại nhiều kỳ thi rất kém. Nguyên nhân không hẳn do Lịch sử không hấp dẫn mà chương trình nặng về "hàn lâm, ôm đồm và cách trình bày khá tẻ nhạt". Bà đề nghị thay đổi theo hướng khuyến khích các em nhìn nhận, đánh giá chứ không chỉ thụ động tiếp thu.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua từ năm 2018. Sau bốn năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10, chương trình vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi về việc để Lịch sử là môn lựa chọn. Nhiều người cho rằng như vậy là không thỏa đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của môn học, thậm chí lo ngại Lịch sử nếu không được giảng dạy đầy đủ trong nhà trường sẽ khiến các thế hệ sau lãng quên quá khứ.

Giữa tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc bố trí môn Lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (năm năm tiểu học và bốn năm THCS) nhằm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (ba năm THPT) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.

Ở cấp THCS của giai đoạn cơ bản, Lịch sử được dạy từ lớp 6 đến 9, trang bị cho học sinh kiến thức cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. "Ở giai đoạn này, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện", Bộ nhấn mạnh.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử là những nội dung chuyên sâu. Học sinh không học thiên về khoa học xã hội vẫn có thể lựa chọn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ nghề nghiệp mà các em lựa chọn.

Chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Điểm số đang trở thành gánh nặng đối với con trẻ. (Ảnh: internet)

Những ngày này, rất nhiều phụ huynh bắt đầu chia sẻ bảng điểm của con mình lên Facebook. Mục đích của họ là khoe kết quả học tập của con mình.

Cô và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành luôn duy trì thói quen đọc sách.

Nếu phương pháp đọc sách, báo giấy giúp người đọc có thời gian nghiền ngẫm, thư thái và tĩnh tâm trong không gian riêng thì đọc sách online mang đến sự tiện lợi, gọn nhẹ. Tùy điều kiện thời gian, công việc mà mỗi người sẽ lựa chọn cách thức đọc sách cho phù hợp với cá nhân.

Sẽ có nhiều thay đổi về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông có một số điểm mới đáng chú ý.

Tối 20/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục