Con đường bê tông vắt ngang núi về thôn Tà Ghênh, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu thơ mộng với lau trắng và cả trăm loài hoa rừng đua nhau nở trong thời tiết đầu thu làm cả cung đường rực rỡ sắc màu của núi rừng Tây Bắc. Con suối đầu nguồn chảy qua con đường lên núi này bao năm chứng kiến những đôi chân trần cõng trẻ đến trường của các thầy cô giáo trong những ngày mưa bão. Đồng bào Tà Ghênh đã coi thầy cô như người thân của gia đình mình. Họ tin tưởng thầy cô như tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của con em mình để có thêm động lực vượt khó cho con em được đến trường.
Tà Ghênh hôm nay không còn đói ăn, thiếu mặc, mái trường bán trú Sáng Pao - phân hiệu 2 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Xà Hồ đã được xây dựng kiên cố để học sinh của các thôn Tà Ghênh, Sáng Pao, Háng Thồ, Cu Vai thuộc xã Xà Hồ có thể yên tâm sinh sống và học tập, dù chưa rộng rãi khang trang nhưng các thầy cô giáo đã làm tất cả để các em có nơi ăn, ngủ đàng hoàng. Chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, thầy cô lại tất bật chuẩn bị cơ sở vật chất, giặt chăn, gối, vệ sinh lớp học để đón học sinh tựu trường.
Cô giáo Đào Thị Huyên - người đã có 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục của vùng cao Trạm Tấu chia sẻ: "Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc khi hôm nay có những đồng nghiệp trẻ, hay những cán bộ lãnh đạo địa phương đã từng là học sinh của mình trước đây. Đó chính là "quả ngọt” mà cả thanh xuân của chúng tôi vun trồng ở vùng cao này. Giờ đây, nhận thức của người dân đã được nâng cao, chúng tôi không còn phải vất vả trèo đèo lội suối để đi gọi học sinh những năm trước đây nữa”.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Xà Hồ có 55 cán bộ quản lý, giáo viên và trên 800 học sinh, trong đó có hơn 700 học sinh ở bán trú; tỷ lệ chuyên cần hàng năm luôn đạt 95% trở lên. Nhiều lứa học sinh của Xà Hồ đã trưởng thành và những thầy cô giáo cũng đã bền bỉ cả đời gắn bó với mái trường này từ thuở sơ khai đến ngôi trường khang trang, hạnh phúc như hôm nay như cô Mão, thầy Minh, cô Vân, cô Thủy, cô Nguyên.
Mỗi người một câu chuyện đời, một câu chuyện nghề nhưng tựu chung lại, các thầy, cô đều cảm thấy hạnh phúc khi bao khó khăn, vất vả của những tháng ngày "cắm bản” giữa rừng xanh núi đỏ đã lùi xa. Giờ đây, tất cả các thầy cô đã có nơi ăn chốn ở đàng hoàng hơn để yên tâm công tác.
Cô giáo Nguyễn Thị Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Xà Hồ chia sẻ: "Xã Xà Hồ có dân số đông, số lượng học sinh ở bán trú thường trên 700 học sinh, trong điều kiện bán trú còn chật hẹp, các thầy cô giáo cố gắng hết sức sắp xếp gọn gàng cho học sinh có nơi ở tươm tất. Niềm vui lớn nhất của nhà trường năm nay là phân hiệu 2 Tà Ghênh được xây dựng mới với 6 phòng học; được Ngân hàng Thương mại cổ phần Viễn Thương Việt Nam hỗ trợ toàn bộ thiết bị mới với tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Thầy cô nhà trường và các trò phấn khởi yên tâm rèn chữ, luyện người trong năm học mới”.
Chia sẻ với chúng tôi về nghề giáo vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Bắc xúc động: "Tôi chưa quên tuổi trẻ trèo núi trầy chân sứt thịt, đêm dậy sợ thú hoang, sợ ma..., ôm nhau khóc; chưa quên những ngày mưa lũ vật lộn với đường đất trơn trượt đi "gọi” học sinh đến trường. Nay đã sắp về nghỉ chế độ, lúc trẻ bao nhiêu lần nản lòng thì bây giờ lại có thêm bao nhiêu phần lưu luyến và niềm vui lớn là luôn được đồng bào yêu mến, tin tưởng. 35 năm gắn bó là 35 năm chở những chuyến đò cập bến thành công và mái trường đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của cả cô và trò chúng tôi”.
Câu chuyện đời, chuyện nghề của các thầy cô giáo vùng cao với tôi không bao giờ vơi cạn. Đó không chỉ là những người thầy chân trần cõng trò qua suối mà những cô giáo tuổi đời còn trẻ nước mắt ngắn dài đưa học sinh bị ốm vào bệnh viện, vì có gọi điện bố mẹ chúng thì phải nửa ngày mới đến được...
Những thầy cô bỏ lại gia đình phía sau để ra bám trường, bám lớp quản học sinh cách ly vì Covid-19, như chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Xà Hồ: "Một đàn con hơn 700 đứa từ tiểu học đến THCS ăn ngủ tại trường 6 ngày/ tuần, bé thì nhớ nhà khóc mếu, nay ốm mai đau; lớn thì sợ chúng nó yêu sớm..., nên thầy cô lúc nào cũng "hết pin” với chúng, trực trường 24/24 giờ vừa dậy chữ vừa làm cha, làm mẹ, làm luôn cả bác sĩ. Vừa rồi, dịch Covid-19 lan đến trường, thầy cô dạy học rồi kiêm luôn Shipper chạy cơm từ trường mang ra viện cho học sinh (phụ huynh thấy con dương tính gửi luôn nhà trường chăm sóc vì sợ về lây cả nhà). Nhiều lúc mệt mỏi nhưng nhìn thấy học sinh quấn quýt trưởng thành lại mừng rơi nước mắt...”
Giờ thì các thầy cô giáo dạy tiểu học và THCS ở các xã vùng cao của huyện Trạm Tấu không còn những gian truân khi cắm bản, nhưng để xây dựng ngôi trường hạnh phúc thì những sự hy sinh khoảng trời riêng vẫn không thể kể bằng lời. Dạy học, dạy người, dạy kỹ năng sống, các thầy các cô tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, vui vẻ, bổ ích để phụ huynh yên tâm gửi con, học sinh thích đến trường, coi mái trường như gia đình, thầy cô như cha mẹ, bạn bè là người thân chính là hạnh phúc giản dị mà không phải ai cũng làm được.
Già làng Mùa A Ly, xã Xà Hồ cho biết: "Chứng kiến nhiều thế hệ thầy cô giáo dạy học từ thời phải cắm bản đến lúc về bán trú gần phố huyện tôi vẫn thấy họ không hề thay đổi, lúc nào cũng rất nhiệt tình, vận động học sinh ra lớp, chăm nom dạy dỗ. Tôi đã có 4 đứa con trưởng thành từ nền giáo dục của xã nhà, đứa là bộ đội, đứa là cán bộ huyện, là cán bộ xã và lớp lớp các cháu của tôi cũng đang được các thầy cô chăm sóc dạy dỗ ở mái trường này. Tôi và dân bản biết ơn các thầy cô lắm.”
Chia tay mái trường Xà Hồ, tôi về điểm trường Sán Trá, xã Bản Công, con đường trở thành nỗi ám ảnh của những người quen dạo bằng xe máy như chúng tôi. Trời mưa xe bê bết đất, giận một nỗi không thể quẳng cái xe vào vệ đường mà đi bộ, cứ người đủn người đẩy đi qua những vũng bùn lầy, đôi ủng cũng chẳng hợp tác khi đất dính nặng trịch.
Cô giáo Lương Thị Sinh vóc người nhỏ nhắn đã quá quen với con đường này. Cô cho xe đi lại con đường vết xe của những người đi trước, ngã lại đứng lên cả người bê bết đất vẫn nở nụ cười tươi, trò chuyện với cô Sinh, tôi thấy cổ họng mình nghẹn đắng. Chồng cô giáo Sinh công tác ở xã vùng cao Tà Xi Láng, cách huyện Trạm Tấu đến 50km đường rừng. Cô con gái và cậu con trai nhỏ một năm không biết phải gửi bao nhiêu người đưa đón đi học nhưng cô Sinh vẫn vượt qua hoàn cảnh kiên trì bám bản vì học sinh thân yêu.
Cô Sinh chia sẻ: "Giờ em chỉ mong nhất có đường bê tông về bản, để con đường về nhà gần hơn, mưa gió đỡ khổ chứ nhiều hôm mưa, em khóc dọc đường. Nghĩ về nhiệm vụ thì không thể nghỉ được, lại lỡ buổi học của các con, 1 năm em chỉ đưa con em đi học được vài buổi (đấy là những ngày được về cơ sở chính tăng cường). Những ngày như thế với em thật quý giá, nhìn con được mẹ đưa đi học hớn hở mà chảy nước mắt”.
Cô giáo Lương Thị Sinh - giáo viên điểm trường Sán Trá, Trường Mầm non Sơn Ca, xã Bản Công hướng dẫn các bé cách rửa tay với xà phòng trong phòng, chống Covid-19.
Điểm trường mầm non Sán Trá cheo veo trên đỉnh núi, trường vẫn làm bằng gỗ, hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, cô Sinh và cô giáo đồng nghiệp cùng ở lại đây với 22 học trò. Lúc học sinh ngủ, 2 cô tranh thủ trồng hoa, làm đồ dùng dạy học.
Cô Sinh bộc bạch: "Ở trên bản, học trò đã thiệt thòi nên chúng em làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ; có đồ dùng dạy học, đồ chơi, tranh thủ xin tài trợ các đoàn từ thiện để các em được tiếp cận tất cả”.
Mái trường đơn sơ ở Sán Trá ấm áp hơn bởi tiếng trẻ nhỏ ríu rít như bầy chim non. Chị Hảng Thị Dua tâm sự: "Có các cô giáo, con mình được đi học, có người chăm sóc, trông coi không phải theo bố mẹ đi nương, mình yên tâm đi làm, cảm ơn các cô giáo nhiều lắm...”.
Hiện nay, ngành giáo dục có 764 cán bộ quản lý, giáo viên với 27 đơn vị trường học, tổng số 394 nhóm, lớp, đạt 99,5% kế hoạch giao và 11.700 học sinh, đạt 99,3% so với kế hoạch giao. So với cùng kỳ năm học trước tăng 8 lớp, tất cả 394 phòng học (trong đó phòng học kiên cố 254, bán kiên cố 86, phòng tạm 54).
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm" đã được đầu tư khang trang hơn nhưng xã nào cũng vẫn có một vài điểm lẻ mầm non chưa có đường bê tông, khiến các cô giáo mầm non phải chật vật, nhất là những ngày mưa bão. Vượt lên những khó khăn ấy là tình yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo vẫn tận tình thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - Khang A Chua chia sẻ: "Để động viên các thầy cô giáo vùng cao, huyện Trạm Tấu đã có nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, có những đãi ngộ nhất định để luân chuyển hợp lý các giáo viên về gần với gia đình để các thầy, cô yên tâm công tác. Tuy nhiên, đặc thù giao thông vùng cao còn nhiều khó khăn, huyện Trạm Tấu rất mong tiếp tục được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân để xây dựng đường và các điểm trường lẻ trên các thôn, bản ngày một khang trang hơn”.
Chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023, các thầy, cô giáo vùng cao Trạm Tấu lại tất bật với những công việc cho một mùa tựu trường mới. Ông Phạm Mạnh Tưởng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: "Nghề giáo vùng cao có muôn vàn gian khó nhưng các thầy, các cô đã vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng tin, dân quý. Dù còn những khó khăn đặc thù về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên... nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm học 2022 - 2023, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện sẵn sàng cho một năm học mới”.
Tôi không biết những yêu cầu xa xôi, hào nhoáng nào cho một ngôi trường hạnh phúc, nhưng tôi biết những mái trường vùng cao nơi tôi đã đi qua, con trẻ được học tập, được chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ. Và với những đám trò nhỏ vùng cao Trạm Tấu thì mái trường, thầy cô như gia đình. Chúng cảm thấy tin yêu, thân thuộc để thỏa sức nuôi dưỡng ước mơ. Học trò của các thầy cô nay có người trở thành đồng nghiệp, người đã là lãnh đạo địa phương..., những điều đó đã tiếp thêm nhiệt huyết để thầy cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "trồng người”, sẵn sàng hy sinh cho những điều tốt đẹp và có lẽ đó chính là hạnh phúc. Học trò thành công đó chính là những "mùa quả ngọt” mà các cô dùng cả thanh xuân gieo trồng.
Phương Thùy (Trung tâm TT - VH huyện Trạm Tấu)