Từ khi có Đảng lãnh đạo, nền giáo dục cách mạng và người thầy luôn được quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển. Ngay sau khi thành lập nước năm 1945, với bao bộn bề khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, đó là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Ngay sau đó, các lớp bình dân học vụ được mở ra để mọi người học chữ quốc ngữ, học làm tính; người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết ít dạy người biết nhiều đã thành phong trào học tập sôi nổi.
Năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập tại Pháp, lấy tên là Liên hiệp Quốc tế các công đoàn giáo dục. Năm 1957, Hội nghị Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” nhằm cổ vũ phong trào đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ.
Được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tham gia Liên hiệp Quốc tế các công đoàn giáo dục từ năm 1953 và tổ chức ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Khi đất nước thống nhất, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em… Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định 167/HĐBT, ngày 28/9/1982 lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".
Từ đó, ngày 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình trưởng thành và điều này phù hợp với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo từ ngàn đời của dân tộc ta.
Ngày nay, GD&ĐT luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là quốc sách hàng đầu. Định hướng phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2030 được Đại hội XIII xác định là: "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài” để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Để hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về GD&ĐT, ngoài sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đây còn là trọng trách lớn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho người thầy - những chiến sĩ cách mạng tiên phong trên lĩnh vực "trồng người”.
Tại thời điểm 1982, Yên Bái nằm trong địa bàn hành chính của tỉnh Hoàng Liên Sơn mới thành lập năm 1976. Tỉnh có địa bàn rộng lớn, bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đời sống nhân dân còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, văn hóa còn có những yếu tố lạc hậu…
Đặc biệt, chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 đã phá hủy nặng nề cơ sở kinh tế, văn hóa cũng như đời sống của nhân dân ta và sự nghiệp giáo dục cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: năm học bị gián đoạn, nhiều trường học bị tàn phá phải tạm thời đóng cửa, hơn 1.300 lớp học bị phá hủy, hơn 30.000 học sinh không có chỗ học.
Ngày 1/10/1991, tỉnh Yên Bái được tái lập. Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, trình độ dân trí thấp, đời sống của nhân dân các dân tộc còn khó khăn. Lúc này, toàn tỉnh có 62 xã trắng về giáo dục mầm non; hầu hết các trường vùng cao mới chỉ có đến lớp 2, lớp 3; toàn tỉnh có hơn 60% là số phòng học tạm; tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp: trẻ nhà trẻ đạt 9,2%, trẻ mẫu giáo đạt 22,9%; số trẻ 6 tuổi ra lớp chỉ đạt 68%; tỷ lệ chuyên cần rất thấp, số học sinh bỏ học nhiều: cấp tiểu học là 12%, riêng lớp 1 là 13,6%; cấp trung học là 22,6%; cấp trung học phổ thông là 14,2%.
Học sinh Trường TH&THCS Đông Cuông, Văn Yên trong giờ Tin học. (Ảnh: Thành Trung)
Đến nay, sau 40 năm nỗ lực, quyết tâm; đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, sự nghiệp GD&ĐT Yên Bái từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức; tạo những chuyển biến căn bản và toàn diện trên các mặt, đó là: quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 463 cơ sở giáo dục; có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 9 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập và 443 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô trên 6.800 lớp, trên 222.000 học sinh.
Cơ sở vật chất trường lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 6.500 phòng học, trên 1.000 phòng học tương tác, phòng học thông minh; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên; hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ gần đạt 30%, trẻ mẫu giáo đạt 97%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; bậc tiểu học không còn học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp tiểu học đạt 97% trở lên; hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt trên 95%, hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt trên tốt; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Công tác giáo dục mũi nhọn được nâng cao về số lượng, chất lượng và duy trì ở vị trí nửa đầu trong 15 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, năm 2015, Yên Bái có 1 học sinh đạt Bằng khen trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á; năm 2019, có 1 học sinh đoạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ. Quy mô, số lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được mở rộng. Toàn tỉnh hiện có gần 40% học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách nội trú, bán trú; 7,3% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Hiện nay, 7,3% học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. (Ảnh: Thành Trung)
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao theo hướng bền vững. Năm 1997, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2007 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2009 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; năm 2021 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Công tác phân luồng học sinh luôn được chú trọng, triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 63%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được triển khai sâu rộng, tạo một diện mạo mới cho các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm 1999, Yên Bái có 1 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 293 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 66,0%. Yên Bái là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí tạm thời về trường học hạnh phúc; phát động phong trào thi đua trong toàn ngành "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc". Hiện, tất cả các trường học trong tỉnh đều tham gia xây dựng trường học hạnh phúc.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các bậc học được bổ sung kịp thời đảm bảo về số lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống được quan tâm; các chế độ, chính sách về lương, các khoản phụ cấp được thực hiện đầy đủ, minh bạch, kịp thời. Đến nay, toàn ngành có trên 13.000 lao động, trên 82% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; trong đó, trên 20% trên chuẩn, trên 400 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển giáo dục địa phương, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã được Chính phủ tặng Cờ thi đua các năm 2011, 2016, 2020; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2003; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2012.
Để có được những kết quả trên, trước hết là có sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc chăm lo cho giáo dục của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái; trong đó, không thể thiếu đó là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động trong toàn ngành GD&ĐT.
Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta cùng tri ân những tấm gương nhà giáo đã góp phần vào công cuộc xây dựng nền giáo dục Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng. Trước hết là 54 thầy cô từ mọi miền đất nước, theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ, của Bác Hồ lên Yên Bái từ những năm 1959 - 1960. Tiếp đó, phải kể đến 78 nhà giáo ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và bao cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã và đang ngày đêm bám trường, bám lớp, tất cả vì học sinh thân yêu; sự hy sinh, công lao, sự đóng góp của các thầy cô mà trong một bản diễn văn không thể nào nói hết.
Thay mặt lãnh đạo Sở GD&ĐT, xin được ghi nhận công lao và trân trọng cảm ơn các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh trong những năm qua!
Bên cạnh những thành tựu phát triển vượt bậc, giáo dục Yên Bái vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: có sự cách biệt về chất lượng giáo dục giữa vùng thấp với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp còn thấp; công tác phân luồng chưa bền vững; cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, yêu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh.
Học sinh Trường TH&THCS Chế Cu Nha, Mù Cang Chải với các hoạt động ngoại khóa tại trường. (Ảnh: Thành Trung)
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế ấy, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 như mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra, ngành GD&ĐT Yên Bái sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai sâu rộng đến toàn ngành các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Kết luận số 51/KL-TW; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh về "Trường học hạnh phúc”; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện.
Hai là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết với nghề. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành. Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để tham mưu với tỉnh và các địa phương thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, bố trí; đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ, có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là, tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo nhu cầu học tập của con em nhân dân. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ; từng bước đầu tư các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại; xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh. Chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi đắp "đức, trí, thể, mỹ” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.
Năm là, tập trung xây dựng trường học hạnh phúc góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Trên cơ sở thực hiện hiệu quả Phong trào "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc", các nhà trường tạo dựng chất lượng một cách thực chất, lấy chỉ số hạnh phúc và chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục.
Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục gắn với Đề án đô thị thông minh của tỉnh Yên Bái; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và dạy học; đẩy mạnh triển khai lớp học kết nối, lớp học chia sẻ; ưu tiên kết nối giữa các lớp, các trường trên địa bàn tỉnh.
Đối với tỉnh Yên Bái là việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển GD&ĐT tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX; Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là nhiệm vụ mà các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành sẽ tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Sở GD&ĐT, xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục nỗ lực phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT tỉnh Yên Bái trong thời gian qua.
Thời gian tới, ngành GD&ĐT Yên Bái rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội.
Xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các Nhà giáo Ưu tú và các thế hệ cô giáo, thầy giáo đã và đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà. Kính chúc quý thầy cô các thế hệ nhà giáo cùng gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Vương Văn Bằng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
*Đầu đề do Tòa soạn đặt.