Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)

“Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2022 | 7:37:20 AM

YênBái - Thời gian qua, Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo Yên Bái vững mạnh, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



Xác định rõ tầm quan trọng của Cuộc vận động, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái luôn gắn liền với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, nhiệm vụ trọng tâm năm học; Phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt; Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng "Trường học hạnh phúc”… giúp đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và ý nghĩa về "tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của mỗi thầy, cô giáo trong hoạt động giáo dục - đào tạo. 

Theo bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, trước yêu cầu triển khai Cuộc vận động thành phong trào sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, lao động ở các trường học và cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn của nhà trường và đơn vị. 

Hàng năm, căn cứ vào chương trình, nhiệm vụ của năm học, điều kiện cụ thể của địa phương, nhà trường và đơn vị, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở mỗi trường học, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có nội dung trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện các nội dung của Cuộc vận động trong đội ngũ nhà giáo và người lao động. Trong đó, chú ý kế hoạch tổ chức các hoạt động ở những thời điểm quan trọng như: Tuần sinh hoạt chính trị đầu năm học, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày lễ lớn của dân tộc, ngày truyền thống của địa phương, đơn vị... 

"Sau nhiều năm thực hiện, Cuộc vận động đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành, rèn luyện ý thức tự giác của mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cũng như trong sinh hoạt hàng ngày…” - Bà Ánh cho biết thêm.

Qua thực hiện Cuộc vận động, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ý thức và trách nhiệm trong các hoạt động dạy và học, trong coi thi, chấm thi, trong đấu tranh với các tiêu cực học đường và thực hiện nghĩa vụ công dân. 

Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu nghề, yêu ngành, thương yêu học sinh, sinh viên và người học; ý thức khắc phục khó khăn đi học và tự học để chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc của đội ngũ nhà giáo tiếp tục được khơi dậy. 
Nổi bật là trong triển khai đổi mới phương pháp dạy học. Các cơ sở giáo dục đã đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành bám sát các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 

Đã có 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch bài dạy, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh phù hợp với đối tượng học sinh. 

Tăng cường dự giờ thăm lớp, khảo sát chất lượng học sinh; 100% cơ sở giáo dục đã tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn tập trung vào các nội dung như: triển khai, thực hiện Chương trình GDPT 2018; tập huấn về Chương trình GDPT 2018 theo các mô-đun trên LMS; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh; giáo dục STEM… 



Các phòng GD&ĐT của 9 huyện, thị xã, thành phố chia thành 32 cụm, tổ chức 65 chuyên đề sinh hoạt theo cụm trường trong năm học 2021 - 2022 với các nội dung như: nghiên cứu bài học tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các nguồn học liệu. Riêng trong 2 năm 2021 - 2022, lĩnh vực GD&ĐT được UBND tỉnh công nhận 6 sáng kiến cấp tỉnh. 

Tiêu biểu như các sáng kiến: Đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng kế hoạch tháng và thực hiện báo cáo định kỳ của Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái của đồng tác giả Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT và Nguyễn Cảnh Lâm - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT; Một số giải pháp góp phần đánh giá năng lực học sinh THPT qua bộ môn Hóa học của tác giả Nguyễn Minh Ngọc - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; "Học tiếng Anh không khó” đối với học sinh THPT qua việc khai thác các công cụ trực tuyến như: Mentimeter, Padlet, Quizizz của tác giả Trần Thị Hường - Trường THPT Nguyễn Huệ; 21 giờ học cấu trúc dữ liệu và giải thuật của tác giả Đặng Tuấn Thành - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành… 

Cuộc vận động là sự vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần để dân chủ trong trường học được phát huy; nền nếp, kỷ cương nhà trường và đơn vị giữ vững; phương pháp quản lý và giảng dạy tiếp tục đổi mới, các yếu kém trong hoạt động giáo dục được khắc phục và huy động các nguồn lực, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và người lao động trong ngành, động viên đội ngũ nhà giáo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, tạo sự đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.



Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, thời gian qua, ngành GD&ĐT thành phố Yên Bái luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống… để "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và là tấm gương cho học sinh noi theo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành.
Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã đưa học sinh về học tập trung tại một điểm trường có cơ sở vật chất hiện đại, khang trang với quy mô 25 lớp học. Nhà trường chú trọng tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên về Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, từ đó nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nghề nghiệp, ý thức tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn trường. Trường hiện có 41 cán bộ với trên 92% có trình độ đạt chuẩn trở lên. 

Nhiều năm liền, tập thể nhà trường đều đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc”. Số lượng giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng và tích cực tham gia các phong trào thi đua trong toàn ngành. 

Ngày càng có nhiều thầy, cô giáo tận tuỵ với nghề, miệt mài sáng tạo để có nhiều sáng kiến, nhiều biện pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Cô giáo Vũ Hoàng Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trở thành việc làm thường xuyên và gắn với các phong trào thi đua của từng năm học, mỗi cán bộ, giáo viên trong nhà trường luôn ý thức và xác định việc nêu gương là một yếu tố quan trọng để chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đạt kết quả cao nhất.... 

Thông qua Cuộc vận động đã tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên trau dồi đạo đức, nâng cao ý thức tự học và sáng tạo trong giảng dạy, lấy kết quả thực hiện Cuộc vận động làm tiêu chí để xếp loại thi đua cuối mỗi năm học, góp phần tích cực giúp nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

Để cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngành GD&ĐT thành phố đã cụ thể hoá thông qua Cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm tạo chuyển biến tích cực trong ý thức rèn luyện, tu dưỡng của các đơn vị. Phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt” được cán bộ, giáo viên hưởng ứng mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy. 
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Yên Bái, ngành luôn chú trọng tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về tư tưởng chính trị, đạo đức nhà giáo, quy định của ngành cũng như trách nhiệm cá nhân trong xây dựng và thực hiện nề nếp, kỷ cương trường học. Các nhà trường có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức.... 

"Nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nhà giáo là một trong những yêu cầu đối với giáo viên hiện nay cũng như chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Để làm tốt điều đó, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc nhỏ nhất” - ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết. 

Cùng với cuộc vận động dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và "Trường học hạnh phúc” được thực hiện sôi nổi, cụ thể hóa Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện đối với học sinh. 

Ngành GD&ĐT thành phố Yên Bái tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả Phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt”, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua trọng tâm của ngành để Cuộc vận động thực sự trở thành động lực giúp cán bộ, giáo viên, học sinh nỗ lực vượt khó, nâng cao năng lực, rèn luyện nhân cách, phẩm chất, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.



Thực hiện Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học &THCS Suối Giàng, huyện Văn Chấn luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương cho học sinh noi theo. 

Là ngôi trường với hơn 97% học sinh người dân tộc Mông, mặc dù còn nhiều khó khăn, song những năm học qua, các thầy cô giáo Trường Tiểu học & THCS Suối Giàng luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học; tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp và các buổi học kỹ năng sống cho học sinh. 

Các thầy, cô giáo cũng luôn chú trọng giáo dục tư tưởng, thái độ học tập, lòng nhân ái, nếp sống văn hóa trong trường học cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.  

Cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa - Tổ trưởng chuyên môn Khối 1 là người có nhiều sáng kiến đổi mới trong công tác giảng dạy được đồng nghiệp, học sinh tin yêu và phụ huynh quý mến. Trong nhiều năm qua, cô giáo Hoa đã có những sáng kiến được UBND huyện công nhận như: "Nâng cao hiệu quả hoạt động luyện nói tiếng Việt cho học sinh lớp 1”, "Biện pháp tổ chức trò chơi học tập nhằm nâng cao chất lượng học tập cho học sinh lớp 1”. 

Đồng thời, cô cũng đoạt giải Ba trong Cuộc thi "Cuộc gặp gỡ giáo viên lớp 1 năm 2021” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức; nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng giấy khen của Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái trong thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2020. 

Cô Hoa chia sẻ: "Trong quá trình giảng dạy, bản thân tôi luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để giúp các em có được kỹ năng đọc, viết, nói và nghe thành thạo tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Từ đó, tôi đã tích cực nghiên cứu, học tập để xây dựng cho mình phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả”. 

Với 49 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn, nhiều năm liền tập thể nhà trường đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc”; giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng. 5 năm qua, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng cao: duy trì sĩ số hàng năm đạt 100%; học sinh khá, giỏi đạt 25,98%; tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt 99,1% trở lên. 

Nhà trường có 16 sáng kiến kinh nghiệm tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng cao như: "Quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các trường THCS theo chuẩn nghề nghiệp ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái”; "Một số biện pháp tổ chức trò chơi học tập nhằm nâng cao chất lượng học tập cho học sinh dân tộc thiểu số”; "Sử dụng phương pháp nhóm đôi đối với học sinh dân tộc thiểu số ở tiểu học”… 



Cùng với quan tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh, các thầy cô giáo Trường Tiểu học &THCS Suối Giàng luôn nỗ lực sáng tạo trong xây dựng môi trường học đường thân thiện, phong phú các hoạt động trải nghiệm để học sinh vừa tiếp thu tốt kiến thức, vừa trau dồi phẩm chất, phát triển kỹ năng sống. 

Cùng đó, học sinh nhà trường tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống, giúp các em biết gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nhà trường còn tổ chức các hoạt động phong phú mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng mềm cho các em bằng việc sáng tạo trong trang trí các góc học tập, góc thư viện xanh, vui chơi, tạo không gian học tập gần gũi, thân thiện cho học sinh. 

Thầy giáo Hà Việt Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học &THCS Suối Giàng khẳng định: "Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, giáo viên nhà trường về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp. Mỗi thầy, cô giáo luôn có tinh thần, trách nhiệm với công việc được giao, chủ động, sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học để tạo hiệu quả giáo dục tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh "trồng người”, các cán bộ, giáo viên của nhà trường không ngừng phấn đấu, rèn luyện, sáng tạo lan tỏa những giá trị nhân văn mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc”. 

Thành Trung - Minh Huyền - Thu Trang - Thanh Chi

Tags Yên Bái Chỉ thị 05 giáo dục - đào tạo đạo đức tự học sáng tạo

Các tin khác
Tiết mục biểu diễn văn nghệ chào mừng tại kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do UBND huyện Lục Yên tổ chức

Chiều 17/11, UBND huyện Lục Yên tổ chức gặp mặt, kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) và khen thưởng các tập thể, cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2021-2022.

Ngày dạy thể dục, tối đến thầy Sùng A Trừ đảm nhận việc dạy chữ cho các em nhỏ người Mông ở Chế Tạo. (Ảnh: TTO)

Tối qua (16/11) tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tuyên dương 68 giáo viên tiêu biểu toàn quốc trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Yên Bái vinh dự có hai đại biểu được xướng tên: Thầy giáo Sùng A Trừ - Trường Phổ thông Dan tộc bán trú TH&THCS Chế Tạo, xã Chế Tạo và cô Đỗ Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.

Tân sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có nhiều cơ hội tham gia trao đổi học tập tại trường khác.

Với quy chế đào tạo mới, sinh viên trường đại học này có thể học tập tại trường đại học khác. Quy chế mở cho phép người học có cơ hội trải nghiệm các môi trường khác nhau.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang xây dựng 4 bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên lồng ghép vào chương trình học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học. (Ảnh minh họa: MOET)

Nhiều trường học đã đưa quyền con người vào hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa kể từ năm 2022, tiến tới mục tiêu 100% hệ thống giáo dục quốc dân sẽ đưa nội dung quyền con người vào chương trình học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục