Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Mở hướng mới xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2012 | 9:21:05 AM
YBĐT - Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được các cấp, các ngành quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái.
Đào tạo nghề cho các học viên trẻ góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn.
|
Thông qua nhiều hình thức đào tạo nghề đã giúp nhiều LĐNT có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống. Đặc biệt, Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đã mang lại cơ hội cho nhiều người dân, mở ra hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo.
Những năm trước, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT tại Yên Bái không được mở trên cơ sở nhu cầu của người lao động mà chủ yếu dựa trên kế hoạch mà các cơ sở đào tạo nghề đặt ra từ trước. Chính điều này đã khiến không ít LĐNT học xong nghề nhưng không tìm được việc làm hoặc phải tự tạo việc làm cho mình. Từ khi thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT với các lớp đào tạo nghề ngay tại thôn, bản dựa trên nhu cầu của người LĐNT đã mở ra cho Yên Bái hướng đi mới, hiệu quả hơn trong công tác đào tạo nghề, giúp nhiều LĐNT được học nghề, tạo việc làm và có nguồn thu nhập ổn định.
Đối với các khu vực mang tính đặc thù cao (các huyện vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc), Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, mở các lớp đào tạo nghề ngay tại các thôn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên người dân tộc thiểu số tham gia học tập.
Với danh mục 23 nghề cần đào tạo (9 nghề thuộc nhóm nông nghiệp và 14 nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp), đảm bảo các yêu cầu về chương trình, tài liệu giảng dạy giúp người LĐNT có thêm nhiều cơ hội hơn để chọn nghề và học nghề phù hợp với nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nhu cầu sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương. Các lớp học nghề đã trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về các nghề như: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, chế biến thực phẩm… giúp người dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo tiền đề cho sản xuất tập trung theo qui mô hàng hóa.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Yên Bái triển khai tốt Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị theo đúng lộ trình và phù hợp với từng giai đoạn. Cấp ủy các cấp đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, từ đó, giúp chính quyền từ huyện đến xã chủ động xây dựng đề án đào tạo nghề theo đúng định hướng. Bên cạnh đó, việc huy động đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ sư chuyên ngành, thợ có tay nghề cao tham gia công tác đào tạo nghề, quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xã hội hóa đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do đặc thù của một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, trình độ nhận thức không đồng đều, địa bàn rộng nên việc triển khai Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều hạn chế. Chương trình đào tạo nghề của một số đơn vị mang nặng tính lý thuyết, thời gian “cầm tay, chỉ việc” cho người lao động ít, đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, chưa đạt chuẩn về chất lượng. Trình độ nhận thức, lứa tuổi của học viên không đồng đều, học viên chưa thực sự cầu tiến trong học nghề đã ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.
Đối với các huyện vùng cao, công tác đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn hơn vì trình độ văn hóa thấp là rào cản lớn trong việc học nghề, ảnh hưởng đến tỷ lệ cũng như chất lượng lao động sau đào tạo, phương pháp "cầm tay chỉ việc" cho đồng bào dân tộc thiểu số đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chăn nuôi - thú y được người học nghề quan tâm.
Trong khi đó, những nghề phi nông nghiệp lại rất khó ít người đăng ký học, thậm chí các trung tâm dạy nghề còn phải vận động học viên theo học. Thêm vào đó, các cơ sở dạy nghề chưa được trang bị đầy đủ thiết bị thực hành, gây khó khăn trong việc dạy và học, các doanh nghiệp sử dụng lao động chưa phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dạy nghề, cơ cấu đào tạo các ngành, nghề chưa cân đối.
Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng trên 60% dân số trong độ tuổi lao động, trong đó lao động khu vực nông thôn chiếm 83%. Số lượng lao động đã qua đào tạo còn thấp, trong khi đó nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020 là rất lớn, bình quân mỗi năm là 18.000 người. Để đảm bảo năng lực trong đào tạo nghề, tạo việc làm, phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương, đảm bảo về chất lượng, sát với từng giai đoạn của Đề án, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp, các ngành và các địa phương để đề án này mang lại hiệu quả với xã hội.
M.C
Các tin khác
YBĐT - Một trong những tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới là lao động nông nghiệp chỉ còn dưới 45% dân số. Để làm được điều đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được huyện Lục Yên quan tâm và thực hiện thường xuyên gắn đào tạo nghề cho LĐNT với việc xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Thời gian qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, để Yên Bái trở thành trung tâm đào tạo nghề khu vực Tây Bắc thì nhân lực đang là vấn đề bức thiết.
Từ ngày 5-3 đến 9-3, Bộ LĐTB-XH sẽ tổ chức một kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt cho những người từng đi xuất khẩu lao động (LĐ) tại Hàn Quốc về nước đúng hạn có nguyện vọng quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
YBĐT - Thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, Yên Bái đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Sau hai năm thực hiện, đã có hàng vạn LĐNT trên địa bàn được đào tạo nghề và có việc làm, thu nhập ổn định.