60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam Tổ quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/10/2021 | 2:45:55 PM

“Đoàn tàu không số”, với đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một “huyền thoại”.

Cán bộ, chiến sĩ tàu 251, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân luyện bắn đối không.
Cán bộ, chiến sĩ tàu 251, Hải đội 512, Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân luyện bắn đối không.

Đây là một trong những giá trị cao quý, ý chí kiên cường, gan dạ, mưu trí, dũng cảm của người lính "Bộ đội Cụ Hồ”, niềm tự hào của lực lượng Hải quân Việt Nam nói riêng, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung trong suốt 60 năm qua. 

Một "huyền thoại" có thật

Lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam ghi rõ, ngày 23/10/1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 thuộc Vùng 2 Hải quân ngày nay), với tên gọi "Đoàn tàu không số” để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, phương tiện và cán bộ, chiến sĩ vào chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.

Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1, do thuyền trưởng Lê Văn Một, chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã rời Bến K15 tại Đồ Sơn, Hải Phòng vận chuyển theo 30 tấn vũ khí và sau 6 ngày lênh đênh trên biển, vượt muôn trùng sóng gió, hiểm nguy, tàu đã cập Bến Vàm Lũng, Cà Mau an toàn. Kể từ đây, trên vùng biển của đất nước hình cong chữ S, mở ra con đường huyết mạch "đường Hồ Chí Minh trên biển” mà kẻ thù không sao cắt đứt được.

Trên tuyến đường biển này, hơn 2.000 chuyến tàu âm thầm cùng các thủy thủ kiên trung, bất khuất, vượt phong ba, bão tố, khéo léo xuyên qua các lớp bao vây, phong tỏa gắt gao của địch đã vận chuyển gần 160.000 tấn vũ khí, trang thiết bị quân dụng và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhiều nhà nghiên cứu, khoa học lịch sử quân sự Việt Nam, các lãnh đạo, tướng lĩnh Quân đội nhân Việt Nam nhấn mạnh: "Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một "Con đường không dấu, tàu không số, trí, hiếu, trung, dũng, anh hùng”, con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách của một dân tộc anh hùng, một "huyền thoại" có thật, một "kỳ tích” của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là biểu tượng của trí tuệ và nghệ thuật quân sự tài tình của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam Tổ quốc

Thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, Vùng 5 Hải quân đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang luôn phát huy truyền thống anh hùng của "Đoàn tàu không số”, "đường Hồ Chí Minh trên biển” bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tây Nam Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 5 Hải quân chia sẻ: Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng "Đoàn tàu không số”, "đường Hồ Chí Minh trên biển”, trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy Vùng đã lãnh đạo đơn vị, tập trung xây dựng Vùng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, trinh sát, nắm chắc tình hình, xử lý chính xác, kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Vùng tổ chức huấn luyện theo phương châm "cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát phương án, sát đối tượng tác chiến, sát chiến trường, sát tổ chức, biên chế, sát vũ khí trang bị, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc làm mục tiêu huấn luyện. Vùng đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, quản lý bộ đội và bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động. Vùng tiến hành đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, chú trọng công tác đối ngoại quốc phòng.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, quá trình thực hiện nhiệm vụ đã tổ chức thành công hơn 100 chuyến tuần tra chung với Hải quân Hoàng gia Campuchia và Hải quân Hoàng gia Thái Lan, vừa góp phần thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết giữa lực lượng quân đội các nước vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc. Những tháng đầu năm 2021, Vùng đã hỗ trợ vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 cho Hải quân Hoàng Gia Campuchia trị giá 83 triệu đồng.

"Trong thực hiện nhiệm vụ, giữa muôn trùng sóng gió và dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, có lúc phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chắc tay súng, vững tay lái, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, Chuẩn Đô đốc Vùng 5 Hải quân Nguyễn Đăng Tiến khẳng định.

Ban Tuyên huấn Vùng 5 Hải quân cho biết, những tháng đầu năm 2021 đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo; tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực và thực hiện Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Cụ thể là tuyên truyền biển đảo với hơn 6.300 lượt người tham gia, cấp phát 3.500 tờ rơi các loại; tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực với hơn 4.100 lượt người tham gia, cấp phát 2.200 tờ rơi.

Thực hiện Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, Vùng đã tổ chức tuyên truyền pháp luật tới hơn 350 chủ phương tiện tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản và trên 1.800 lượt người tham gia, cấp phát 4.500 tờ rơi các loại. Vùng tặng 200 áo phao, phao tròn, 1.500 lá cờ Tổ quốc, hàng trăm khẩu trang, chai nước sát khuẩn để phòng, chống dịch COVID-19 cho ngư dân.

Những tháng đầu năm nay, các đơn vị Vùng 5 Hải quân kịp thời huy động lực lượng cứu kéo 4 phương tiện, 14 ngư dân gặp nạn trên biển; chữa cháy 2 nhà dân và 3 tàu thuyền; đưa một người dân đau ruột thừa từ xã đảo Thổ Châu (thành phố Phú Quốc) về tỉnh Cà Mau cấp cứu; tăng cường phương tiện, thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập cảnh, vượt biên trái phép từ đường biển, đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Vùng 5 Hải quân thực hiện Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, quan tâm chăm lo chính sách hậu phương quân đội, hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, Vùng tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân xây đắp nên truyền thống vẻ vang: "Chiến đấu anh dũng; Giúp bạn tận tình; Đoàn kết, hiệp đồng; Làm chủ vùng biển”. Vùng 5 Hải quân vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Tiểu đoàn 563 và Tàu 232 đơn vị thuộc Vùng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liên tục từ năm 1999 đến nay, Vùng được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Cờ thi đua, đặc biệt trong năm 2020, Vùng 5 được Chính phủ tặng Cờ thi đua. Vùng 5 Hải quân được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Hữu nghị và Huân chương Ăngko (Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Campuchia).

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến khẳng định, phát huy truyền thống 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021) và 46 năm Ngày thành lập Vùng 5 Hải quân (26/10/1975 - 26/10/2021), cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 tiếp tục kế thừa, phát huy, đoàn kết, đồng lòng, lập nên những chiến công mới; luôn nỗ lực phấn đấu, trau dồi bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí quyết tâm, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và niềm tin yêu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân dành tặng.

(Theo Tin tức)

Các tin khác
Bến K15 - nơi xuất phát của đoàn tàu huyền thoại Không số, khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển

Đoàn 759 là dấu mốc quan trọng đầu tiên của lực lượng vận tải trên biển, đồng thời là dấu mốc mở con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Những con tàu không số trên đường vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển là nhân tố quan trọng huy động được sức mạnh cả nước vào sự nghiệp kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tàu vận tải cao tốc 235, Đoàn 125 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đang trên đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, tháng 2/1968. Ảnh: Tư liệu của Mỹ

Theo thống kê của giới sử học quốc tế, nhân loại đã xảy ra hơn 14.500 cuộc chiến tranh nhưng hiếm có cuộc chiến tranh nào lại kéo dài suốt 30 năm như cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Cũng chưa có tuyến chi viện nào từ hậu phương ra tiền tuyến mà lại có quy mô lớn, thời gian hoạt động dài, vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng lại có hiệu quả cao như hai tuyến chi viện chiến lược của Việt Nam. Đó là tuyến Đường Hồ Chí Minh trên bộ và tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sự tồn tại của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến vượt biển thành công của đoàn tàu không số đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục