Nhân rộng các điển hình tiên tiến “Dân vận khéo”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2014 | 9:12:54 AM

YBĐT - Sau 5 năm tổ chức thực hiện sâu rộng, phong trào thi đua "Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo” ở tỉnh Yên Bái đã trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia.

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái ký kết chương trình phối hợp công tác năm 2014.
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái ký kết chương trình phối hợp công tác năm 2014.

Thực hiện Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26/02/2009 của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 22/5/2009 về việc tổ chức hoạt động “Năm dân vận chính quyền” và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh.

Qua đó đã động viên và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Đức Quế - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy  về nội dung này.

PV: Xin đồng chí cho biết, kết quả nổi bật của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh 5 năm qua?

Đồng chí Hoàng Đức Quế: Sau 5 năm tổ chức thực hiện sâu rộng, phong trào thi đua "Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo” ở tỉnh Yên Bái đã trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên tham gia. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được nâng lên rõ rệt; sự phối hợp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào thi đua "Dân vận khéo" được tăng cường.

"Dân vận khéo" đã giúp nắm bắt được tình hình nhân dân và phản ánh kịp thời cho cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương những tâm tư, nguyện vọng, vấn đề nổi cộm, bức xúc trong quần chúng nhân dân; kịp thời phổ biến, tuyên truyền để người dân nắm rõ hơn, hiểu chắc hơn những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi trình độ dân trí còn nhiều hạn chế và vùng đông đồng bào theo đạo. Việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" được gắn liền với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của toàn hệ thống chính trị đối với công tác dân vận nói chung và đối với phong trào thi đua "Dân vận khéo" nói riêng.

Trong quá trình thực hiện, từ 1.000 mô hình đăng ký xây dựng ban đầu (năm 2009) đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 3.067 mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả ở các địa phương, đơn vị. Trong đó, có 1.944 mô hình về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; 726 mô hình về quốc phòng - an ninh; 396 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã có tác động và hiệu quả to lớn, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực, rõ nét.

 

Thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, cán bộ xã Bản Công (Trạm Tấu) thường xuyên xuống cơ sở phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.

- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Xác định xây dựng NTM là một cuộc vận động lớn, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở bám sát các đề án, chương trình xây dựng NTM cụ thể của các địa phương, đơn vị để đăng ký, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng NTM” và vận động nhân dân tham gia. Đến nay, qua thực hiện các mô hình "Dân vận khéo" gắn với xây dựng NTM, nhân dân đã tham gia hiến hàng ngàn mét vuông đất; tự động tháo dỡ, giải tỏa các công trình, vật cản để mở đường giao thông nông thôn; chặt hàng ngàn cây các loại và đóng góp công, sức, tiền của.

Đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong xây dựng NTM như: thành phố Yên Bái với các mô hình "Vận động nhân dân tham gia xây dựng  NTM" của xã Tuy Lộc, "Chung sức xây dựng NTM" của xã Âu Lâu, "Toàn xã tham gia xây dựng NTM" của xã Minh Bảo; thị xã Nghĩa Lộ với phong trào “Nghĩa Lộ chung sức xây dựng NTM”; “Vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng  NTM” tại xã Liễu Đô, Mai Sơn của huyện Lục Yên; “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM” tại xã Mông Sơn, huyện Yên Bình; "Vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng NTM" tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên và các xã Đại Phác, Yên Hưng, Yên Phú, Yên hợp, An Bình của huyện Văn Yên...

- Đồng chí có thể cho biết, những kinh nghiệm trong chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua trên địa bàn tỉnh?

Qua thực tế triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" và từ thành công trong xây dựng các mô hình, điển hình của phong trào thi đua cho thấy những bài học kinh nghiệm cần rút ra như sau:

Một là: Phong trào phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", các phong trào thi đua yêu nước của Trung ương, của tỉnh và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định phong trào thi đua "Dân vận khéo”, xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo” là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

Hai là: Các địa phương, đơn vị phải chủ động, sáng tạo trong cách làm và triển khai, nhân rộng phong trào thi đua "Dân vận khéo"; việc lựa chọn và xây dựng các mô hình phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị, cơ sở; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động, các mô hình "Dân vận khéo" phải phù hợp với lòng dân, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, giải quyết được các vấn đề bức xúc, cấp thiết tại địa phương, cơ sở.

Ba là: Việc lựa chọn, tổ chức xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" mới phải được xác định cụ thể về quy mô, phạm vi, loại hình, số lượng, thời gian thực hiện và dự kiến kết quả, đặc biệt phải xác định cụ thể đối tượng trong mô hình "Dân vận khéo" và các đối tượng phối hợp để thực hiện mô hình có kết quả cụ thể, chính xác.

Bốn là: Tập trung củng cố hệ thống công tác dân vận; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận với phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, hết lòng, hết sức với phong trào để mỗi cán bộ làm công tác dân vận thực sự là một điển hình “Dân vận khéo”.

Năm là: Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục đưa phong trào đi vào chiều sâu đồng thời chỉ đạo và đăng ký thực hiện mô hình mới thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Sáu là: Đẩy mạnh, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện, sơ kết, tổng kết các mô hình kịp thời để bảo đảm hiệu quả đề ra của từng loại hình mô hình.

Bảy là: Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí cho những mô hình đặc thù; khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua "Dân vận khéo", tạo ra những động lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào tại các địa phương, đơn vị và cơ sở.

- Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nào để phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian tới đạt kết quả sâu rộng và bền vững hơn, thưa đồng chí?

Để phong trào thi đua "Dân vận khéo" tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa và bền vững, trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền; hướng về cơ sở, kịp thời tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo, những mô hình điển hình trong việc thực hiện xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.

Hai là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo duy trì và phát triển bền vững các mô hình đã có đồng thời tập trung xây dựng các mô hình  mới. Chú trọng nhân rộng các mô hình điển hình.

Ba là: Hướng mạnh công tác dân vận về cơ sở. Đổi mới nội dung, phương pháp công tác nắm tình hình nhân dân, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phát hiện những vấn đề mới, những bức xúc, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân; sâu sát thực tế, phát hiện những cách làm hay, sáng tạo để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”. Quan tâm chăm lo xây dựng những nhân tố tích cực để trở thành những mô hình “Dân vận khéo” có tính đặc thù, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức.

Bốn là: Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát;     định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” để kịp thời bổ khuyết chỉ đạo. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”. Định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với việc triển khai công tác dân vận, xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” đồng thời chú trọng nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt; nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso tại buổi họp báo.

Chiều 14/10 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời thủ đô Brussels, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (từ 12-14/10), lên đường đi thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức.

YBĐT - Đảng bộ huyện Yên Bình vừa tổ chức Hội nghị BCH lần thứ XIX (mở rộng) để triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm 2014; quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

YBĐT - Ngày 14/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVII tổ chức Hội nghị lần thứ 23 (mở rộng). Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. (ảnh) 

YBĐT - Ngày 14/10, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Yên Baí đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị 36 CT/TW ngày 30/5 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục