Hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020

Giàu nhờ tre măng Bát Độ

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2015 | 3:04:09 PM

YênBái - YBĐT - Cách đây hơn chục năm về trước, huyện Trấn Yên đã xây dựng Đề án phát triển cây tre măng Bát Độ làm hàng hoá với quy mô lớn. Khi ấy, không ít người đã hoài nghi về tính hiệu quả của Đề án.

Người dân xã Kiên Thành mỗi năm thu hàng tỷ đồng từ tre măng Bát Độ.
Người dân xã Kiên Thành mỗi năm thu hàng tỷ đồng từ tre măng Bát Độ.

Với sự quyết tâm cao, đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 2.000ha tre măng ở 10 xã, sản lượng măng tươi đạt trên 18.000 tấn, giá trị đạt gần 30 tỷ đồng. Sản phẩm măng tre Bát Độ được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Đời sống của hàng trăm hộ nông dân ở Trấn Yên đã khá, giàu lên nhờ tre măng Bát Độ…

Gia đình bà Mai Thị Liêu ở thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành bắt đầu trồng tre măng Bát Độ từ năm 2003. Ban đầu, gia đình bà chỉ trồng gần 1ha tre măng Bát Độ vì loại cây này còn rất xa lạ với gia đình bà và các hộ nông dân trong xã. Sau vụ thu hoạch măng đầu tiên, gia đình bà đã quyết định mở rộng diện tích lên 3,5ha, mỗi năm, đem lại thu nhập ổn định từ 70 - 80 triệu đồng. Nhờ trồng tre lấy măng mà cuộc sống gia đình bà có của ăn, của để, xây dựng được nhà cửa khang trang và mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt. Bà Mai Thị Liêu chia sẻ: “Trước đây, thu nhập chính của gia đình chúng tôi chủ yếu dựa vào trồng quế và một số loại cây như: keo, bồ đề. Những loại cây này lâu cho khai thác và giá cả lúc cao, lúc thấp nên đời sống cũng còn gặp khó khăn. Từ khi trồng tre măng Bát Độ, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên nên cuộc sống đã thay đổi rất nhiều”.

Không chỉ riêng gia đình bà Liêu, hiện nay, thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Kiên Thành là cây măng tre. Hộ trồng ít cũng có thu nhập vài chục triệu đồng, hộ nhiều thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Vài năm trước, Kiên Thành là một xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn và nghèo đói bậc nhất huyện nhưng hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, nhiều hộ đã trở nên khá, giàu. Toàn xã có 930 hộ dân thì có tới trên 500 hộ trồng tre măng Bát Độ, nhà ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều từ 5.000 - 6.000 gốc. Các ban, ngành, đoàn thể của địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích và ký kết hợp tác với Công ty TNHH Vạn Đạt trong việc cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, cho vay vốn không lãi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch. Nhờ đó, người dân năm đầu trồng vài chục héc-ta, năm sau nhân lên gấp đôi, gấp ba và cho đến nay, toàn xã đã có trên 1.000ha.

Hôm nay, cây măng Bát Độ đã bén rễ ở nhiều xã trên địa bàn huyện. Hồng Ca - một xã đặc biệt khó khăn đã trồng tre măng Bát Độ từ năm 2006, đến nay, mở rộng diện tích lên trên 400ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Nam Hồng, Liên Hiệp, Chi Vụ, Đồng Đình. Đặc biệt, loại cây trồng này mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào Mông ở các thôn Khuôn Bổ, Hồng Lâu, Khe Ron. Đồng chí Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Giai đoạn 2015 - 2020, xã có kế hoạch trồng mới từ 150 đến 200ha để nâng diện tích lên 600ha; trong đó, tập trung mở rộng diện tích ở các thôn, bản người Mông để tiếp tục xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng du canh, du cư và phá rừng làm nương rẫy”.

Nhờ thực hiện tốt liên kết “4 nhà”, Trấn Yên đã định hình được 3 vùng sản xuất tre măng Bát Độ tập trung với tổng diện tích trên 2.000ha: vùng phía Bắc gồm các xã Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông; vùng phía Tây Bắc gồm các xã Y Can, Kiên Thành; vùng phía Tây gồm các xã Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca. Qua hơn 10 năm, cây tre măng Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ 2,5 - 3 lần so với cây trồng khác trên đất đồi rừng, từ đó, khai thác được tiềm năng về đất đai, lao động ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc.

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tre măng Bát Độ, duy trì ổn định, bền vững vùng nguyên liệu, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, Trấn Yên tiếp tục triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tại các xã vùng trọng điểm. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện phát triển vùng tre Bát Độ với tổng diện tích 2.000ha; trồng mới và cải tạo 1.000ha; tập trung đầu tư thâm canh để đến năm 2020 sản lượng đạt trên 30.000 tấn măng vỏ tươi; nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác đạt trên 35 triệu đồng/ha/năm.

Thanh Tiến  (Đài TT - TH Trấn Yên)

Các tin khác

YBĐT – Trong các ngày 28 đến 30/7, Đảng bộ thành phố Yên Bái đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Lãnh đạo Đảng ủy Khối trao giấy chứng nhận tham gia lớp nhận thức về Đảng năm 2015 cho đảng viên mới.

YBĐT - Trong những năm qua, công tác kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp được Đảng bộ Khối Doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, qua đó tạo điều kiện cho những người lao động ở các doanh nghiệp có cơ hội được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

YBĐT - Công tác nhân sự ở các đại hội cơ sở đều bảo đảm tiêu chuẩn chung và định hướng của Đảng ủy Khối theo mô hình "3 trong 1" - bí thư Đảng ủy gắn với chức danh chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và giám đốc hoặc "2 trong 1" - bí thư Đảng ủy vừa là chủ tịch HĐQT hoặc giám đốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron.

Chiều 29/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Anh) David Cameron đang ở thăm chính thức Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục