Các tổ chức tiền thân lực lượng công an nhân dân góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám
- Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2015 | 1:52:24 PM
Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã được hình thành và từng bước trưởng thành, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát tự vệ Bắc Bộ bảo vệ lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 02/9/1945. (Ảnh tư liệu)
|
Từ những đội viên Xích vệ đội của công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng, Xích vệ, Tự vệ đỏ của phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, lực lượng tự vệ trong đấu tranh chống khủng bố trắng, lực lượng vũ trang tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc, các đội Danh dự trừ gian..., lực lượng CAND đã có các tổ chức tiền thân với lịch sử vẻ vang.
Sự hình thành các tổ chức tiền thân lực lượng CAND đã đáp ứng đòi hỏi tất yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng và hỗ trợ cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám.
Ngay từ khi ra đời, Đảng đã khẳng định con đường kiên quyết dùng bạo lực cách mạng, coi trọng việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang để chống địch khủng bố, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và phong trào cách mạng, chuẩn bị giành chính quyền khi thời cơ đến.
Mở đầu phong trào cách mạng của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc bãi công của 5.000 công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc tỉnh Bình Phước) nổ ra ngày 3/2/1930. Trong cuộc bãi công này, lần đầu tiên hình thành Xích vệ đội là tổ chức vũ trang của Đảng có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cuộc đấu tranh của công nhân.
Khi phong trào cách mạng ở Nghệ-Tĩnh phát triển đến đỉnh cao với các cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt, ngày 31/3/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, nhân dân các làng, xã thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng biểu tình. Những người hăng hái, dũng cảm nhất trong lực lượng tự vệ xung phong vào các đội Tự vệ cảm tử, Tự vệ oanh liệt còn gọi là Xích vệ, Tự vệ đỏ.
Ở một số nơi, như huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã tổ chức các đội Xích vệ; Đội nữ Xích vệ làng Yên Phúc, huyện Anh Sơn với 30 đội viên do chị Nguyễn Thị Nhuyễn (tức Lài) chỉ huy, đã trừng trị 11 tên cường hào, gian ác ở địa phương và tham gia tiêu diệt tên Perie, đồn trưởng đồn Dừa (Anh Sơn) góp phần bảo vệ cơ sở của Đảng và quần chúng cách mạng.
Trong số 631 làng thuộc 7 huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn, Can Lộc, Thạch Hà thuộc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã có 9.050 đội viên Tự vệ đỏ, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử ở huyện Can Lộc và hàng trăm đội viên tự vệ nữ. Số lượng tự vệ tăng lên rất nhanh chóng. Nhiệm vụ của các Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền Xô viết và phong trào cách mạng.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Macau, Trung Quốc từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, đã có riêng một Nghị quyết về Đội tự vệ, trong đó chỉ rõ: “Đối đầu với khủng bố trắng thì vấn đề hộ vệ quần chúng hằng ngày và trong các cuộc tranh đấu là vấn đề cần thiết quan trọng cho cách mạng tiến hành. Đảng Cộng sản đã có chủ trương và thực hành tổ chức tự vệ đội của công nông. Hiện nay làn sóng cách mạng mới đã tràn khắp Đông Dương, thì vấn đề tự vệ đội là vấn đề hiện tại cần phải giải quyết ngay, hướng theo ánh sáng của kinh nghiệm cách mạng vận động trong xứ và toàn thế giới”.
Nghị quyết này đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Đảng trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng ở cơ sở, những vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng Đội tự vệ được đề cập một cách cơ bản và có hệ thống.
Đội trinh sát - Sở Công an Bắc Bộ điều tra khám phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội ngày 12/7/1946. Ảnh tư liệu
Trong bối cảnh phong trào cách mạng vừa qua đợt khủng bố trắng của kẻ thù, hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng mới được khôi phục, những nghị quyết mà Đại hội lần thứ nhất của Đảng thông qua, trong đó có Nghị quyết về Đội tự vệ chứng tỏ Đảng ta luôn kiên định lập trường giai cấp, thấm nhuần quan điểm quần chúng và quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa Marx-Lenin, sớm nhận thức vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng lực lượng bảo vệ cách mạng.
Sau cuộc khủng bố trắng của thực dân, phong kiến, cách mạng Việt Nam chuyển sang cao trào vận động dân tộc, dân chủ rộng lớn, công tác bảo vệ cách mạng, chống địch khủng bố tiếp tục được tăng cường.
Ngày 30/6/1936, Xứ ủy Nam Kỳ ra Nghị quyết về Đội dân quân tự vệ, trong đó nêu rõ: “Đảng ta phải khẩn cấp nghĩ đến việc lập ra các đội dân quân tự vệ ở những vùng đã có các tổ chức quần chúng”.
Cũng trong thời gian này, tại Thông cáo bí mật cho các cấp đảng bộ, Trung ương Đảng đã chỉ thị: “Tổ chức trước những đội tự vệ phòng lúc có ai bị lính bắt mà cướp lại mà nhất là để giữ gìn mít tinh, để đối phó cùng địch nhân khi bị phá hoại cuộc hội hiệp của quần chúng, làm cho quần chúng vững tinh thần tham gia mít tinh”.
Thời kỳ này, các cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công ở thành phố, nhà máy, hầm mỏ; các cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng, các cuộc rải truyền đơn, dán khẩu hiệu… đều có đội tự vệ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ. Đó là hoạt động chuẩn bị lực lượng quan trọng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong thời kỳ 1939-1945, khí thế cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dâng cao trong toàn quốc, Đảng chủ trương xây dựng các đội tự vệ với nhiều hình thức, phương thức hoạt động phong phú, đa dạng, như Đội hộ lương, diệt ác ở Cao Bằng và một số tỉnh Việt Bắc, Đội trừ gian ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, Ban công tác đội bảo vệ An toàn khu, Đội danh dự Việt Minh ở Hà Nội, Đội tự vệ ở Trung Kỳ; ở một số địa phương, lực lượng tự vệ được tổ chức dưới các tên gọi Vũ trang dân chúng đội, Xung phong đội, Tiền quân phục quốc đội, Thanh niên xích vệ đội... Hoạt động của các tổ chức này tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ quần chúng nhân dân.
Năm 1940, các đội tự vệ, du kích đã phát triển ngay trong các nhà máy, cơ sở công nghiệp giữa lòng Sài Gòn, làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, cơ sở cách mạng, chuẩn bị các hoạt động biểu tình, đấu tranh vũ trang.
Tháng 11/1941, Tỉnh ủy Cao Bằng thành lập Đội tự vệ cứu quốc với nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ căn cứ địa, giữ vững đường giao thông liên lạc, làm công tác tuyên truyền và huấn luyện cho lực lượng tự vệ cứu quốc địa phương.
Năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị phân tán Đội tự vệ cứu quốc, đưa cán bộ, đội viên về các nơi xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, tích cực và chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những cuộc khủng bố của địch.
Cuối năm 1942, ở cả 9 châu của tỉnh Cao Bằng đều tổ chức các Hội cứu quốc. Công tác tuần tra, canh gác bảo vệ làng bản, bảo vệ các cuộc mít tinh, hội họp, bảo vệ và đưa đón cán bộ hoạt động, chống sự thâm nhập của bọn mật thám, lính dõng đều do các đội tự vệ cứu quốc đảm nhiệm.
Tháng 4/1944, Trung ương Đảng quyết định xây dựng ATK II, nối liền với ATK I, tạo thành một an toàn khu rộng lớn, nối liền Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Cao Bằng. Đội công tác đặc biệt bảo vệ ATK II do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang, trực tiếp phụ trách; phối hợp với lực lượng tự vệ địa phương tuyên truyền cho quần chúng về tinh thần cảnh giác cách mạng, thực hiện khẩu hiệu “ba không” và cách thức truyền tin, báo động khi có địch lùng sục...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ CAND tháng 2/1961. Ảnh tư liệu
Với địa thế hiểm yếu, Tuyên Quang trở thành trung tâm đầu não và căn cứ địa của cách mạng Việt Nam, là nơi ở, làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng.
Ngay từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ; cơ sở Việt Minh được xây dựng tại các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Nà Hang.
Sau khi được huấn luyện về kinh nghiệm tự vệ, tổ chức quần chúng, công tác binh vận, các đội tự vệ địa phương cùng lực lượng vũ trang đã hỗ trợ cho quần chúng vùng lên giành chính quyền ngay tại khu căn cứ địa. Mặt trận Việt Minh, các địa phương ra sức xây dựng lực lượng cách mạng, đặc biệt là lực lượng tự vệ, du kích.
Trong Chỉ thị về Sửa soạn khởi nghĩa, ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh nêu rõ: “Đội tự vệ cứu quốc là một thứ tổ chức gồm những người hăng hái, tinh nhanh, khỏe mạnh, họp lại thành từng đội nhỏ để canh gác, dò xét quân địch; thông tin cho đoàn thể; lúc quần chúng tranh đấu thì mang khí giới ủng hộ cho quần chúng, lúc các chiến sĩ khai hội hay đi lại thì tự vệ cho các chiến sĩ. Đây là công việc ngày thường của đội tự vệ. Còn trong khi khởi nghĩa, thì bổn phận của nó là giúp đỡ các đội du kích về mọi mặt (như phá phách, quấy rối phía sau quân địch, do thám, thông tin, vận tải lương thực cho quân du kích)”.
Đêm 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, chiếm Đông Dương. Nắm bắt thời cơ thuận lợi về mâu thuẫn giữa phát xít Nhật và thực dân Pháp đã lên đến cực điểm, ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Quán triệt Chỉ thị của Trung ương Đảng, các đội trinh sát, đội trừ gian, tự vệ cứu quốc vừa làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, vừa trừng trị những tên Việt gian tay sai của Pháp, Nhật.
Tại Cao Bằng, Đội hộ lương, diệt ác của Việt Minh đã trừng trị tên Chánh án ngay tại nhà riêng của y, diệt tên Tổng đoàn Hoàng Phài khi tên này đang chỉ huy lính dõng lùng bắt cán bộ cách mạng; diệt tên Chánh Hinh tự phong là “Tư lệnh Cao-Bắc-Lạng”.
Ở Bắc Kạn, Đội tự vệ xử bắn Tri châu Đồng Phúc Quân và một số tay sai của phát xít Nhật. Tại Hà Giang, Đội tự vệ Nà Sài đã theo dõi và bắt hai tên gián điệp Nhật giao cho cán bộ Việt Minh xử lý; Đội tự vệ Yên Định (Bắc Mê) bắt 6 tên mật thám Nhật đang lén lút xâm nhập khu căn cứ. Ở Tuyên Quang, Đội trinh sát vũ trang trừ gian đã trừng trị 3 tên Việt gian thân Nhật có nhiều tội ác với nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Tổng bộ Việt Minh, nhiều địa phương thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ thành lập các đội trừ gian, đội trinh sát làm nhiệm vụ nắm tình hình và trừ diệt mật thám tay sai Nhật, đồng thời cảnh cáo, thuyết phục những phần tử lừng chừng, lôi kéo họ đứng về phía cách mạng.
Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Đội danh dự trừ gian, sau đổi là Đội danh dự Việt Minh, biên chế thành nhiều nhóm, hoạt động ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội để nắm tình hình, tổ chức trừ diệt mật thám tay sai Nhật, Pháp. Tính riêng 13 tỉnh thành miền Bắc, các đội trinh sát, đội trừ gian, đội tự vệ... đã tiêu diệt 97 tên mật thám Pháp, Nhật, cường hào gian ác.
Hoạt động diệt ác, trừ gian, trấn áp lưu manh, côn đồ của các đội hộ lương, diệt ác, trinh sát, trừ gian..., ở cả vùng nông thôn cũng như ở thành thị đã có tiếng vang lớn, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng, phát huy khí thế của quần chúng, thúc đẩy nhanh sự tan rã của địch, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong toàn quốc.
Cách mạng Việt Nam đang ở thời kỳ cao trào thì Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Chớp lấy thời cơ “nghìn năm có một”, từ ngày 18/8 đến ngày 26/8/1945, các tỉnh Bắc Bộ lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Tham gia Tổng khởi nghĩa có lực lượng Tự vệ cứu quốc, các Đội danh dự Việt Minh, Đội Trinh sát, Đội Trừ gian..., làm nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, phối hợp với các lực lượng khác và hỗ trợ đắc lực thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của ngụy quyền, cảnh sát, mật thám, các trại giam của địch.
Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã đập tan bộ máy thống trị của phát xít Nhật, thực dân Pháp, các tổ chức đầu tiên của CAND, như Liêm phóng, Cảnh sát ở Bắc Bộ; Trinh sát ở Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ được thành lập. Các cấp bộ Đảng đã cử cán bộ, đảng viên trung kiên trực tiếp phụ trách các tổ chức chuyên chính này. Những quần chúng tốt, những thanh niên hăng hái của các đoàn thể cứu quốc được lựa chọn vào các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an.
Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, cũng là Ngày Truyền thống của lực lượng CAND.
Ngay từ khi ra đời, lực lượng CAND đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện thành lực lượng chuyên chính sắc bén, vững vàng về chính trị, tư tưởng, ngày càng chặt chẽ về tổ chức, phát triển mạnh mẽ, chính quy, từng bước hiện đại; tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân; trở thành lực lượng trụ cột, nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Phát huy truyền thống Anh hùng, vẻ vang 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân.
Đại tướng Trần Đại Quang -Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Dự kiến, sẽ có khoảng 3 vạn người đại diện cho lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân, công nhân, nông dân… tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2/9.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, chiều 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.
YBĐT – Như tin đã đưa, từ ngày 9-11/8, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.