Tiếp nối truyền thống "Trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình" xây dựng ngành bưu điện vững mạnh
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2015 | 9:41:59 AM
YênBái - YBĐT - Cách đây 70 năm, trong Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương (diễn ra trong 2 ngày 14, 15/8/1945) tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đã thông qua nghị quyết về công tác giao thông liên lạc: “...Lập Ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ...”. Đây là sự kiện quan trọng, khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam.
Với sự kiện đó, ngày 15/8/1945 đã được Nhà nước cho phép lấy làm Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ngành bưu điện đã trải qua những chặng đường đầy gian lao nhưng rất vinh quang với các tên gọi khác nhau, nhưng ngành vẫn thống nhất về chức năng, nhiệm vụ là bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.
Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng đất nước, thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh và chính nó quyết định thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC) ngành bưu điện vừa anh dũng giữ vững thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng phát triển ngành, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ đất nước.
Trong hoàn cảnh gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngành bưu điện vẫn giữ vững thông tin liên lạc giữa trung ương và các địa phương phục vụ các chiến dịch, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ thu được những thắng lợi to lớn. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành bưu điện đã kiên cường giữ vững thông tin thông suốt giữa hai miền, chi viện người, thiết bị cho chiến trường miền Nam.
Trong 2 cuộc kháng chiến, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngành bưu điện là ngành có số cán bộ, công nhân hy sinh nhiều nhất. Toàn ngành có gần 10.000 liệt sỹ và hàng nghìn người bị thương tật do bom đạn, do địch tù đày, tra tấn. Qua hai cuộc kháng chiến, đã có 50 đơn vị của ngành vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và có trên 30.000 nguời được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Đất nước hòa bình, ngành bưu điện tiếp tục ghi thêm những trang vàng chói lọi.
Sự nghiệp đổi mới đất nước bắt đầu từ năm 1986, ngành đã làm nên những thành tựu quan trọng. Quyết tâm “tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm” và dám nghĩ dám làm “đi thẳng vào hiện đại” thực hiện thành công hai giai đoạn của chiến lược tăng tốc 1993-1995 và 1996-2000. Ngành đã xây dựng và phát triển được cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại. Mạng lưới được số hóa cả về chuyển mạch và truyền dẫn, cung cấp các dịch vụ tiên tiến. Công tác quản lý Nhà nước về viễn thông tiếp tục được tăng cường, hướng tới phát triển thị trường viễn thông bền vững, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Sau chia tách bưu chính - viễn thông (BCVT), Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (Nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) vẫn duy trì ổn định mạng bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích phục vụ các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Mạng lưới bưu chính được hiện đại hóa nhanh chóng với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành, nhận gửi, khai thác, chuyển phát, nâng cao năng lực khai thác vận chuyển đường trục.
Hệ thống các bưu cục, các điểm giao dịch, bưu điện văn hóa xã ngày càng khang trang, hiện đại, mở rộng đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đáp ứng yêu cầu sử dụng của nhân dân. Các hoạt động kinh doanh có nhiều bước đột phá, được tập trung phát triển ngày càng hiệu quả trên 3 lĩnh vực trụ cột: bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông. Bưu điện Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn sau chia tách, tiến tới cân bằng thu chi và có lợi nhuận trong khi không còn hỗ trợ công ích của Nhà nước vào năm 2014. Trong lĩnh vực CNTT, tiếp tục chú trọng triển khai các đề án lớn, phát triển công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) và phát triển bền vững đất nước.
Từ chỗ nhỏ bé về tổ chức, thô sơ về công nghệ, lạc hậu về kỹ thuật, mạng lưới chắp vá lại bị chiến tranh tàn phá, ngày nay bộ mặt ngành bưu điện đã hoàn toàn đổi mới, hiện đại. Tỷ trọng đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng lớn, uy tín ngành trong xã hội và trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Đời sống CBCNVC trong ngành ổn định và không ngừng được cải thiện. Sự phát triển mạnh mẽ của bưu điện Việt Nam đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, phát triển văn hoá và dân trí trên đất nước ta, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, CNH - HĐH đất nước và cùng cả nước dần đẩy lùi nguy cơ tụt hậu kinh tế và công nghệ.
Cùng với toàn ngành, 70 năm qua, ngành bưu điện Yên Bái không ngừng phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương. Hệ thống các bưu cục, các điểm giao dịch, các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bưu chính ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu sử dụng của nhân dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, ngành bưu điện Yên Bái đã từng bước được phát triển đồng bộ, hợp lý tiến dần theo hướng hiện đại hoá mạng lưới thông tin bưu điện.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành bưu điện tỉnh Yên Bái có những mốc son đáng nhớ, đó là sự ra đời của Sở BCVT (tháng 12/2004)- cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực BCVT, CNTT. Đến tháng 8/2007, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Sở BCVT tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản.
Sự tham gia thị trường cung cấp dịch vụ BCVT - CNTT, đặc biệt là dịch vụ điện thoại di động và Internet, truyền hình của Viettel, Viễn thông điện lực, Sfone, FPT và các doanh nghiệp viễn thông khác đã tạo ra nhiều sự lựa chọn mang lại nhiều lợi ích cho người dân, thúc đẩy sự phát triển viễn thông trên địa bàn tỉnh. Tháng 1/2008 thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh mới của Tập đoàn BCVT Việt Nam, Bưu điện tỉnh Yên Bái được chia tách thành 2 đơn vị là Viễn thông Yên Bái (VNPT Yên Bái) và Bưu điện tỉnh Yên Bái. Tháng 8/2014, VNPT Yên Bái triển khai thực hiện tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Bưu điện tỉnh Yên Bái là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ: thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ bưu chính công, kinh doanh các dịch vụ bưu chính dành riêng, hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để cung cấp các dịch vụ viễn thông và CNTT, kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm thông tin liên lạc bưu chính phục vụ sự chỉ đạo của cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, ngành trong việc phát triển kinh tế, xã hội.
Về quá trình phát triển của Chi nhánh MobiFone Yên Bái, ngày 25/8/2000, thành lập Cửa hàng Giao dịch điện thoại di động, trực thuộc Trung tâm Thông tin di động (TTDĐ) KV1- Công ty TTDĐ. Chi nhánh TTDĐ Yên Bái chính thức được thành lập vào tháng 2/2011, trực thuộc Trung tâm TTDĐ khu vực 1 - Công ty TTDĐ (trước đây, ngày 20/10/2009, thành lập Chi nhánh TTDĐ Lào Cai - Yên Bái, trực thuộc Trung tâm TTDĐ khu vực 1. Trụ sở tại tỉnh Lào Cai). Ngày 16/3/2015, thành lập Mobifone tỉnh Yên Bái, trực thuộc Công ty dịch vụ Mobifone khu vực 4 - Tổng Công ty Viễn thông Mobifone…
Giai đoạn 2010 - 2014, doanh thu VNPT Yên Bái tăng bình quân 19%/năm, tổng nộp ngân sách đạt 41,53 tỷ đồng, năng suất lao động bình quân tăng 15,4%/năm, thu nhập bình quân tăng 8,8%/năm. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 127,05 tỷ đồng, bằng 101% so cùng kỳ 2014, nộp ngân sách 8,4 tỷ đồng, tăng 47 % so cùng kỳ năm 2014, thu nhập bình quân tăng gần 10% so cùng kỳ 2014. Tổng thuê bao hiện có đạt gần 203.000 thuê bao. Doanh thu trung bình 5 năm (2010 - 2015) của MobiFone Yên Bái đạt 15 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách địa phương 1,5 tỷ đồng/năm. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 7,8 tỷ đồng, tổng thuê bao hiện có trên mạng 25.000 thuê bao.
Năm 2015, doanh thu tính lương của Bưu điện tỉnh ước đạt 37,5 tỷ đồng, doanh thu phát sinh ước đạt 57 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25%, thu nhập bình quân tăng 8%/năm. Mạng lưới bưu chính toàn tỉnh được rà soát tổ chức sắp xếp lại nhằm tối ưu hóa, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, hệ thống phần mềm tin học được ứng dụng trong quản lý và toàn bộ các khâu của quá trình cung ứng dịch vụ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bưu điện tỉnh đã triển khai mạnh mẽ các dịch vụ hành chính công nhằm góp phần vào chương trình cải tiến thủ tục hành chính của Chính phủ và của tỉnh như dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của đối tượng tự đóng; cung cấp dịch vụ chuyển phát chứng minh thư nhân dân, tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe... Mạng lưới điểm bưu điện văn hóa xã được đổi mới, sửa chữa khang trang theo hệ thống nhận diện thương hiệu Bưu điện Việt Nam, duy trì tốt hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, các chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, chương trình xây dựng nông thôn mới... và tích cực mở rộng kinh doanh các dịch vụ tại vùng nông thôn.
Những kết quả toàn ngành đã đạt được những năm qua là rất đáng tự hào. Song, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những thách thức của nền kinh tế đất nước trong thời kỳ chuyển đổi, đặc biệt là những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho mỗi CBCNVC trong ngành tinh thần nỗ lực quyết tâm hơn bao giờ hết, cụ thể:
Một là: Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, CBCNVC cần ra sức thi đua lao động sản xuất, công tác trên tất cả các lĩnh vực với quyết tâm cao nhất, góp phần đưa sự nghiệp phát triển bưu chính, viễn thông và CNTT phát triển bền vững trong hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2015 - 2020.
Hai là: Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở vật chất, mạng lưới BCVT - CNTT theo hướng hiện đại, đồng bộ, rộng khắp, đa dạng hoá, hiện đại hoá các loại hình dịch vụ, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng thông tin, năng suất và hiệu quả kinh doanh, chăm sóc khách hàng để cạnh tranh, hội nhập quốc tế thắng lợi.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho CBVCLĐ. Trong đó, tập trung vào giáo dục truyền thống dân tộc, đất nước và con người Việt Nam, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống 10 chữ vàng của ngành bưu điện.
Bốn là: Gắn mọi hoạt động của tổ chức công đoàn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và quản lý bảo đảm thiết thực có hiệu quả, quan tâm đến việc làm, đời sống, thực hiện dân chủ và bảo đảm công bằng xã hội. Chăm lo xây dựng đội ngũ CBCNVC, không ngừng phát triển trên nền tảng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển vững mạnh, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 lần thứ hai, khóa X.
Năm là: Tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể vững mạnh và chuyên môn vững mạnh.
Tiếp nối truyền thống của ngành với 10 chữ vàng "Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình", thế hệ cán bộ ngành bưu điện hôm nay càng quyết tâm đem hết trí tuệ, tâm huyết xây dựng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, xây dựng ngành lớn mạnh toàn diện, xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, góp phần vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, lập thành tích thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Sa Hải Thoại - Giám đốc Viễn thông Yên Bái
Các tin khác
Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20. Ông là một trong những học trò xuất sắc, bạn chiến đấu gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiều 13/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, về Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Liên quan đến vụ án mạng làm chết 4 người trong một gia đình tại tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, truy bắt và sớm đưa đối tượng ra xét xử nghiêm minh đúng pháp luật, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
YBĐT - Chiều ngày 13/8, tại thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên - nơi xảy ra vụ án mạng làm 4 người chết, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức buổi họp báo để cung cấp thông tin chính thức về vụ việc.