Sửa luật để ký kết điều ước quốc tế linh hoạt hơn
- Cập nhật: Thứ năm, 29/10/2015 | 2:01:19 PM
Đây là tinh thần chung trong tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày trước Quốc hội sáng 29/10 về việc sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế.
Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 (Luật ĐƯQT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, thay thế Pháp lệnh Ký kết và Thực hiện điều ước quốc tế năm 1998. Việc ban hành Luật này có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phục vụ tích cực, kịp thời cho yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Luật ĐƯQT đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành chủ động đề xuất ký kết điều ước quốc tế theo một quy trình thống nhất, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế một cách đầy đủ, nhịp nhàng, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật ĐƯQT đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi điều ước quốc tế thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao, chưa bảo đảm yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế để thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Chẳng hạn, ĐƯQT hiện nay rất đa dạng về lĩnh vực, đối tác, mức độ phức tạp. Trong khi đó, Luật ĐƯQT năm 2005 chỉ quy định một quy trình ký kết ĐƯQT duy nhất, áp dụng cho cả ĐƯQT phức tạp, thời gian nghiên cứu, đàm phán kéo dài, cũng như ĐƯQT đơn giản hoặc theo mẫu ta đã ký kết với cùng đối tác hoặc với các đối tác khác nhau, hoặc có yêu cầu gấp về thời gian. Việc thực hiện quy trình nhiều khi mang tính hình thức, chồng chéo, gây tốn thời gian, công sức mà chưa đề cao được trách nhiệm của mỗi cơ quan.
“Nhu cầu thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đòi hỏi một quy trình ký kết ĐƯQT nhanh chóng, linh hoạt khi cần tranh thủ cơ hội, phục vụ lợi ích của đất nước, đồng thời chặt chẽ về thẩm quyền, có sự kiểm tra, phân công, giám sát nhằm tránh sơ hở, rủi ro”, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Theo Luật hiện hành, đàm phán và ký ĐƯQT được quy định gộp trong cùng một mục, với quy định về thẩm quyền, các bước thủ tục và hồ sơ như nhau. Tuy nhiên trên thực tế, một số ĐƯQT có thể xin phép đàm phán và ký cùng một thời điểm, nhưng cũng có nhiều trường hợp cần phải tiến hành thủ tục xin phép đàm phán và thủ tục xin phép ký riêng biệt. Như vậy, một số yêu cầu về các bước thích hợp đối với thủ tục ký ĐƯQT là không thích hợp trong khâu đàm phán và ngược lại.
Nhằm khắc phục vướng mắc này, dự thảo bổ sung một mục (Mục 1 Chương II) về đàm phán ĐƯQT gồm 6 điều, tách riêng với Mục đề xuất ký ĐƯQT. Trong trường hợp trước khi đàm phán, cơ quan đề xuất đã tập hợp được đầy đủ tài liệu cần thiết trong hồ sơ đề xuất ký điều ước quốc tế thì có thể đồng thời đề xuất đàm phán và ký điều ước quốc tế (Điều 13).
Quy trình đàm phán ĐƯQT theo mục này là một quy trình chuẩn, gồm các bước từ chuẩn bị đàm phán (Điều 9) đến tổ chức đàm phán (Điều 12). Dự thảo quy định trách nhiệm của cơ quan đề xuất ngay từ giai đoạn chuẩn bị đàm phán ĐƯQT đã phải đánh giá tác động sơ bộ về kinh tế, chính trị và các tác động khác; rà soát sơ bộ tính tương thích của ĐƯQT dự kiến đàm phán với quy định pháp luật trong nước và các ĐƯQT trong cùng một lĩnh vực.
Trong quá trình tổ chức đàm phán, cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng và kiến nghị phương án đàm phán và dự thảo ĐƯQT của phía Việt Nam; tham vấn đại diện đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của ĐƯQT trong quá trình đàm phán ĐƯQT. Hồ sơ về việc đàm phán có những tài liệu cần thiết tùy theo kiến nghị về việc đàm phán, đặc biệt trong trường hợp kiến nghị về việc kết thúc đàm phán thì cần có dự thảo ĐƯQT thể hiện phương án kết thúc đàm phán (Điều 11).
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày cũng tán thành những phân tích và đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết cũng như những nội dung sửa đổi căn bản của Luật ĐƯQT.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu thực tế việc vừa qua Việt Nam và 11 nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tuyên bố kết thúc quá trình đàm phán, nhưng còn chờ ký chính thức và Quốc hội các nước phê chuẩn.
Cùng với đó, từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực đến nay, đã có hàng chục ĐƯQT được ký và cũng đang chờ phê chuẩn. Từ thực tế này, Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Luật này có hiệu lực ngay từ ngày 1/6/2016 để đẩy nhanh việc phê chuẩn các ĐƯQT, đặc biệt là việc phê chuẩn Hiệp định TPP.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Ngày 28/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
YBĐT - Tiếp tục kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII/ Yên Bái thả bổ sung trên 15 tấn cá giống vào hai hồ Thác Bà và Từ Hiếu/ Công bố quy hoạch chung xây dựng thị trấn Trạm Tấu/ Kẻ giết 4 người Đặng Văn Hùng nhận án tử hình/Tân Sơn Nhất lọt top 10 sân bay có tiến bộ nhất thế giới/ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đánh giá tích cực cuộc bầu cử địa phương tại Ukraine/ Động đất tại Nam Á: hơn 2.000 người thương vong... là những tin tức đáng chú ý.
Báo cáo trước Quốc hội về công tác thi hành án năm 2015 sáng 28/10, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết cả nước hiện có 684 trường hợp kết án tử hình chưa thi hành án.
Ngày 27/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc (24/10/1945 - 24/10/2015). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Lễ kỷ niệm và phát biểu chào mừng.