Thêm thắm đượm tình hữu nghị Việt - Lào

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/11/2015 | 9:43:12 AM

YênBái - YBĐT - Nhiều năm qua, Yên Bái đã giúp đào tạo cán bộ cho 2 tỉnh Viêng Chăn và Xay - nha - bu - ly của nước bạn Lào. Mối quan hệ Việt - Lào ngày càng được bồi đắp thêm bằng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh kết nghĩa của hai đất nước, trong đó có chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. Những thế hệ cán bộ, sinh viên được đào tạo tại Việt Nam nói chung, tại Yên Bái nói riêng đã và đang tô thắm thêm mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào và những thầy cô giáo, các sinh viên người Việt cũng đang hun đúc cho mối tình sâu đậm ấy...

Các du học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.
Các du học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Tôi gặp Phút - Thạ - Khon du học sinh người Lào tại Lễ khai giảng năm học 2015 - 2016 của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Sự ngơ ngác, lúng túng khi không hiểu tôi đang hỏi gì đã cho tôi biết ngay em là tân sinh viên. Với sự trợ giúp của  Anouh - du học sinh năm thứ 3 khoa Toán, tôi mới biết Phút - Thạ - Khon mới sang Việt Nam được 20 ngày.

Em đang học tiếng Việt để năm sau có thể chuyển sang học tại Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái. Những từ tiếng Việt đầu tiên em học được là “ăn cơm”, “uống nước”, “Việt - Lào anh em”... Qua Anouh phiên dịch, Phút - Thạ - Khon bảo: “Em thấy may mắn khi được chọn sang Yên Bái học. Em sẽ cố gắng phấn đấu học tập tốt, tích lũy nhiều kiến thức để về phục vụ quê hương”.

Em cũng cho biết, được sang Việt Nam học tập là niềm mơ ước của rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Lào. Với những ưu ái về học bổng, chỗ ăn, chỗ ở và đặc biệt là chất lượng giáo dục của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh, thì được chọn sang Yên Bái học, các em đã phải nỗ lực phấn đấu để có kết quả học tập loại khá, giỏi.

Có những em đang là sinh viên các trường đại học lớn ở Lào, nhưng để đoạt được học bổng du học tại Việt Nam cũng phải nỗ lực rất nhiều như Anouh ở tỉnh Viêng Chăn. Bằng vốn tiếng Việt phong phú, Anouh chia sẻ: “Em đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Quốc gia Lào, Khoa Tin học. Qua nhiều vòng thi tuyển, em được chọn đi học tại Yên Bái. Về chương trình học của 2 nước có nhiều tương đồng, nhưng sang đây em thấy được nâng cao kiến thức hơn”.

Chỉ còn 1 năm nữa Anouh sẽ hoàn thành chương trình học tập tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Em mong muốn sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam, quay trở lại Yên Bái để học lên đại học. Nghĩ về những kỷ niệm của ngày mới sang, Anouh bồi hồi: “Em được các anh chị và các bạn sinh viên người Việt Nam giúp đỡ rất nhiều. Trong đó, có chị Hoa ở Khoa Giáo dục Tiểu học. Chị ấy dạy em tiếng Việt và điều gì không hiểu em có thể hỏi chị ấy bất cứ lúc nào như chị gái của em”.

Còn cảm nhận đầu tiên của Phút - Thạ - Khon sau gần 1 tháng học tiếng Việt là thầy cô giáo rất hiền. Em chia sẻ: “Cô giáo hiền lắm, lại dễ gần. Các bạn Việt Nam thân thiện”. Trong cuộc trò chuyện với các em du học sinh Lào, tôi luôn cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà các em dành cho các bạn, thầy cô nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, như một thứ tình cảm anh em mà mỗi người Lào, Việt trân trọng dành cho nhau.

Từ năm 2006 đến nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đã đào tạo 263 học sinh Lào học tiếng Việt, trong đó có 78 sinh viên tiếp tục theo học các chuyên ngành tại trường. Số còn lại, theo học các chuyên ngành tại Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch, một số học sinh ở các trường thuộc tỉnh Nghệ An. Nhiều em sau khi học xong tại Yên Bái, đã trở về công tác tại các sở, ban, ngành của tỉnh Viêng Chăn và Xay - nha - bu - ly.

Thăm khu ký túc xá của các em sinh viên Lào, anh Hà Dụng Hiền - Cán bộ Phòng Công tác học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái cho biết: “Các em du học sinh Lào được trường sắp xếp ở tại nhà C - khu ký túc xá mới nhất của Trường. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, mỗi phòng có 6 em, nhưng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị tối thiểu như: tivi, giường, chăn màn, bàn học, khu vệ sinh khép kín tiện lợi cho các em sinh hoạt”. Anh Hiền cũng cho biết thêm, những em học sinh mới như Phút - Thạ - Khon sẽ được giao cho các em du học sinh năm 2 năm 3 của nhà trường kèm cặp, vừa để học thêm được tiếng Việt, vừa giúp đỡ các em trong cuộc sống hằng ngày, dần thích nghi với điều kiện sống tại địa phương.

Khi nói về các em du học sinh người Lào, các thầy cô tại trường cũng dành cho các em một tình cảm đặc biệt. Cô giáo Phạm Mỹ Hòa chia sẻ: “Các du học sinh Lào hiền lắm, lại có một tinh thần cầu thị rất cao. Đặc biệt, các em rất nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhà trường. Nhiều em là hạt nhân văn nghệ, thể thao của các khoa. Tất cả các hoạt động ngoại khóa của nhà trường các em đều tham gia với những nét văn hóa đặc trưng của Lào”.

Hợp tác giáo dục là một trong nhiều hoạt động của chương trình hợp tác giữa Yên Bái với 2 tỉnh Viêng Chăn và Xay - nha - bu - ly. Chương trình không chỉ mang tới những khóa đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực cho nước bạn mà còn là cầu nối giao lưu văn hóa tình hữu nghị thủy chung, sắt son giữa hai nước. Cô gái nhỏ nhắn dễ thương Thíp - Pạ - Kon đến từ tỉnh Xay - nha - bu - ly, đang học lớp Toán - Lý 13 nhớ lại kỷ niệm năm đầu tiên đến Yên Bái học và được đón tết cổ truyền Việt Nam: “Năm học đầu tiên, em còn chưa hiểu nhiều tiếng Việt, nhưng ở lại trường đón tết cổ truyền Việt Nam em thấy nhiều bất ngờ và thú vị.

Các thầy cô tổ chức tết cho chúng em với những món ăn Việt Nam ngon lắm ạ! Các thầy cô còn đón chúng em về ăn tết cùng. Chúng em hiểu được văn hóa Việt Nam nhiều hơn qua hoạt động ấy và cũng có rất nhiều sự tương đồng trong văn hóa tết của hai nước”. Còn các em du học sinh Lào thì lại mang tới không khí của tết Bun - pi - may của Lào. Vào tháng 4 hàng năm, nhà trường phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh, Hội Hữu nghị Việt - Lào tổ chức tết cổ truyền Bun - pi - may cho các em du học sinh Lào. Qua đó, sinh viên Việt Nam hiểu được thêm văn hóa Lào. Từ đó, góp phần xây dựng mối quan hệ Việt - Lào ngày càng bền vững. Trong khi các bạn Việt Nam cảm thấy thú vị với những phong tục của bạn, thì các sinh viên Lào lại càng ấm lòng hơn khi nhớ về quê nhà.

Với chương trình hợp tác giáo dục, Yên Bái không chỉ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho Lào mà còn bồi đắp thêm cho mối  tình hữu nghị Việt - Lào, mà chính các em du học sinh Lào mang theo sứ mệnh lịch sử đang tiếp tục tô thắm thêm mối thân tình ấy.

Minh Tư

Các tin khác
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son

Như tin đã đưa, chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Nội dung được quan tâm nhiều nhất tại dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là các quy định về tổ chức báo chí, cơ quan chủ quản báo chí.

Trình Quốc hội phương án tăng lương vào kỳ họp thứ 11

Do khó khăn trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 nên chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương. Chính phủ xin báo cáo Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức tại kỳ họp thứ 11…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Ngày 4-11, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 3 đã diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng của các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác gồm: Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Nga.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 4/2015

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 5-6/11/2015. Dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam sáng ngày 6/11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục