Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2015 | 8:41:16 PM

Chiều 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều đại biểu cho rằng công tác xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để giải quyết đầy đủ những vấn đề căn bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Đại biểu Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) phát biểu ý kiến.
Đại biểu Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật chuẩn bị chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Trong đó, nên tập trung điều chỉnh về tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng tôn giáo; quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đáng chú ý, phần tín ngưỡng chưa thể hiện rõ, đề nghị thiết kế lại 10 chương.
Đại biểu Võ Thị Dung cũng đề nghị xem xét lại đối tượng áp dụng của Luật vì nếu quy định chỉ người nước ngoài cư trú tại Việt Nam là không thỏa đáng, vì doanh nhân, người nước ngoài du lịch tại Việt hay đối tác của Việt Nam cũng cần được tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo.

Dự thảo Luật chưa bám sát và cụ thể đầy đủ quan điểm của Đảng về chính sách với tôn giáo. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) nêu rõ, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Nếu xem là nhu cầu thì phải thiết kế hợp lý phần quản lý của Nhà nước để tự chủ, tự quản, tránh can thiệp quá sâu như dự thảo đề ra.

“Thực tế, như Lễ Giáng sinh của đồng bào công giáo thường vào cuối năm, trường học thường tổ chức thi học kỳ 1 của năm học, nên nhiều chức sắc tôn giáo đề nghị tạo điều kiện. Ở thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây cũng thống nhất tạo điều kiện để ngày 25/12 không tổ chức thi cử, tạo điều kiện để bà con công giáo hành lễ được trang nghiêm” – Đại biểu Võ Thị Dung nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) cũng cho rằng, phần tín ngưỡng trong dự thảo Luật còn mờ nhạt. “Tôi cảm thấy, chuẩn bị cho Luật này đứng dưới góc độ tín ngưỡng là chưa được chu đáo, toàn diện. Cảm giác như một chiếc áo vừa chật hẹp, vừa chắp vá. Tín ngưỡng có tác dụng rất lớn trong đời sống xã hội là thờ cúng tổ tiên. Tôi thấy không rõ. Một số học giả có uy tín trong xã hội muốn nâng tầm thờ cúng tổ tiên lên, đây là yếu tố tạo nên sức đề kháng nội tâm của dân tộc để chống xâm lăng văn hóa” – đại biểu chia sẻ.

Do đó, đại biểu Lê Văn Lai cho rằng nên dừng luật này lại, để sang khóa Quốc hội sau xem xét cho chu đáo, đầy đủ, thậm chí cần có luật riêng về tín ngưỡng.

Đề cập đến việc công nhận tổ chức tôn giáo và pháp nhân tôn giáo, nhiều ý kiến không nhất trí với quy định một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đã hoạt động ổn định trong 10 năm, vì cho rằng quy định như vậy là không có cơ sở khoa học, chưa coi tổ chức tôn giáo bình đẳng với các tổ chức xã hội khác, hạn chế quyền tự do tôn giáo của con người.

Do vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định về điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo, đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo trong dự thảo Luật một cách rõ ràng, tạo thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức trong việc đăng ký sinh hoạt và hoạt động tôn giáo, đồng thời thuận tiện trong việc thẩm định, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo là hai giai đoạn cần thiết nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm duy trì sự ổn định trong đời sống sinh hoạt tôn giáo. Đồng thời, cần rút ngắn thời gian từ đăng ký hoạt động đến công nhận tổ chức để bảo đảm các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đại biểu Lê Đắc Lâm (tỉnh Bình Thuận) cho rằng, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Cần làm rõ hành vi nào nghiêm cấm đối với tổ chức; hành vi nào nghiêm cấm đối với cá nhân, vì nếu không sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tuỳ tiện và khó xác định chế tài xử lý. Đồng thời cũng cần bổ sung hành vi nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vì mục đích chính trị hoặc hành nghề mê tín dị đoan.

Thảo luận đến việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Lạng Sơn) và một số đại biểu khác đều cho rằng nhiều điểm chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần.

Do đó, nhiều đại biểu đề nghị giao chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng cần có sự phối hợp.

* Chính thức cấm doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ kế toán

 Luật Kế toán (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua, theo đó, cấm doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính nhằm ngăn chặn doanh nghiệp dùng số liệu ảo để làm hồ sơ vay vốn các tổ chức tín dụng, đấu thầu, thực hiện các giao dịch trên thị trường tài chính...

Cũng trong chiều 20/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật Kế toán (sửa đổi). Theo đó, có 391 đại biểu tán thành trên tổng số 392 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỉ lệ 79,15% tổng số đại biểu).

Như vậy, có gần 108 đại biểu đã vắng mặt trong phiên bỏ phiếu biểu quyết chiều nay về dự án Luật này.

Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy, có ý kiến đề nghị xem xét quy định cấm doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính vì yêu cầu cập nhật để phục vụ quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, UBTVQH khẳng định, dự thảo Luật cần có quy định cấm hành vi này. Mục đích nhằm ngăn chặn tình trạng ngoài hệ thống sổ kế toán tài chính theo quy định, đơn vị kế toán còn lập sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khác phản ánh không đúng tình hình tài chính của đơn vị để đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước, sử dụng để làm hồ sơ vay vốn các tổ chức tín dụng, đấu thầu, thực hiện các giao dịch trên thị trường tài chính...

Tuy vậy, dự thảo Luật chỉ quy định cấm đơn vị kế toán lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên, nhưng không cấm đối với kế toán quản trị.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã bỏ quy định “không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm” để bảo đảm kiểm tra, kiểm soát lại khi kết quả kiểm tra trước đó có sai sót.

Có ý kiến đề nghị cần rút ngắn thời gian kiểm tra kế toán xuống còn 5 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì tổng thời gian tối đa không quá 10 ngày làm việc.

Đồng thời lại có đại biểu cho rằng, giới hạn không quá 15 ngày đối với mỗi cuộc kiểm tra kế toán của một bộ, ngành, tập đoàn có thể không phù hợp.

Theo đánh giá của UBTVQH, Dự thảo luật quy định về thời gian kiểm tra đối với mỗi cuộc kiểm tra kế toán tối đa là 15 ngày đã bảo đảm phù hợp với thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với nâng cao trình độ, năng lực cán bộ quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm tra, hạn chế phiền hà cho đơn vị kế toán.

Trường hợp quy định theo ngày làm việc sẽ dễ dẫn đến hiểu sai và vận dụng tùy tiện (có thể kiểm tra mỗi tuần chỉ một vài ngày để kéo dài cuộc kiểm tra). Tuy nhiên, để bảo đảm minh bạch, Ủy ban cũng đã bổ sung cụm từ “không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của Bộ luật lao động” vào nội dung này.

(Theo Dangcongsan.vn - Dân Trí)

Các tin khác

YBĐT - Ngày 20/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 11/2015 để thông tin về tình hình thời sự thế giới, trong nước và định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn - Phó trưởng Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì Hội nghị (ảnh).

YBĐT - Chiều 20/11, đoàn công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm trưởng đoàn đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Sáng 20/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở  GIáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm nền giáo dục cách mạng Việt Nam (1945-2015), 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11(1982-2015).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Najib Tun Abdul Razak, ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục