Chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo trong xã hội hóa hậu cần quân đội
- Cập nhật: Thứ hai, 8/8/2016 | 2:57:17 PM
YBĐT - Xã hội hóa là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế và toàn xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Những năm gần đây, khái niệm “xã hội hóa” được đề cập trong nhiều lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học – công nghệ, đem lại hiệu quả rõ nét. Đối với quân đội, xã hội hóa công tác hậu cần là một đòi hỏi khách quan, trước yêu cầu xây dựng, phát triển lớn mạnh. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đại tá Phạm Hồng Chương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh về vấn đề này…
P.V: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của công tác xã hội hóa hậu cần quân đội?
Đại tá Phạm Hồng Chương: Xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các khâu, các mặt công tác hậu cần quân đội. Trên cơ sở thấu suốt chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và nắm vững đặc điểm, nhiệm vụ của quân đội, từ năm 2008, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo nghiên cứu thực hiện xã hội hóa công tác hậu cần; vấn đề này được chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, với lộ trình, bước đi thích hợp, trước hết là trong tạo nguồn bảo đảm hậu cần và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội.
Đối với tỉnh Yên Bái, thông qua thực hiện xã hội hóa, chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần quân đội đã được nâng lên, đời sống bộ đội được giữ vững và có phần cải thiện; các đơn vị giảm quân số biên chế, tận dụng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nguồn lực của xã hội, nâng cao chất lượng bảo đảm; đồng thời, giảm các chi phí: phục vụ, quản lý, bảo quản, dự trữ, vận chuyển hàng hóa…, tiết kiệm đáng kể ngân sách...
Kết quả đó khẳng định chủ trương, hướng đi đúng của quân đội ta về vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện xã hội hóa cần phải nghiên cứu một cách tổng thể, phù hợp, thận trọng, giải quyết tốt vấn đề nảy sinh, không để xảy ra bị động khi có tình huống bất ngờ...
P.V: Với tầm quan trọng như vậy, công tác xã hội hóa hậu cần quân đội ở Yên Bái cần thực hiện những công việc gì, thưa đồng chí?
Đại tá Phạm Hồng Chương: Trước hết, cần thống nhất nhận thức về xã hội hóa công tác hậu cần quân đội, tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Xét trên nhiều phương diện có thể thấy, thực hiện xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là một đòi hỏi tất yếu, khách quan trước yêu cầu xây dựng quân đội trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là những kết quả từ xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực thời gian qua, đã tạo ra những điều kiện, tiền đề cần thiết cho thực hiện vấn đề này. Vì vậy, cần phải quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy các cấp thống nhất nhận thức, rằng: xã hội hóa công tác hậu cần là chủ trương đúng, phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện của đất nước, quân đội.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng, công tác hậu cần là hoạt động kinh tế trong quân đội, liên quan chặt chẽ và chịu tác động to lớn từ nền kinh tế đất nước, quy luật thị trường, nhưng mục tiêu xã hội hóa công tác hậu cần không chỉ nhằm tới hiệu quả kinh tế đơn thuần, mà xã hội hoá một số mặt công tác bảo đảm hậu cần nhưng phải giữ vững quan điểm lấy yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quân đội và phục vụ bộ đội là mục tiêu hàng đầu.
Đây là vấn đề cốt lõi nhất, bao trùm, không được xa rời, bảo đảm cho xã hội hóa công tác hậu cần đạt mục đích đề ra. Đặc biệt, xã hội hóa công tác hậu cần quân đội phải tiến hành từng bước, có trọng tâm, phù hợp với thể chế kinh tế và yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Công tác hậu cần quân đội bao gồm nhiều mặt, nhiều nội dung, nhiều ngành chuyên môn và mỗi ngành có những yêu cầu riêng. Hoạt động công tác hậu cần liên quan đến nhiều cấp, nhiều đơn vị cả trong và ngoài quân đội, tiến hành trong môi trường, điều kiện hoạt động quân sự khó khăn, khắc nghiệt, yêu cầu rất khắt khe, không tuân theo những quy luật kinh tế - xã hội thông thường.
P.V: Vậy theo đồng chí, những nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang tỉnh với công tác xã hội hoá công tác hậu cần quân đội là gì?
Đại tá Phạm Hồng Chương: Phải khẳng định việc thực hiện xã hội hóa không được làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quân đội. Bởi vậy, cần nghiên cứu, lựa chọn nội dung công tác hậu cần xã hội hóa trong từng giai đoạn cho phù hợp. Trước hết, nên tập trung vào những nội dung, những khâu, công việc có điều kiện phát huy nguồn lực xã hội, nhất là những nội dung đã và đang có sự phối hợp thực hiện giữa hậu cần quân đội với các cơ quan nhà nước, hay sự tham gia của nhân dân, như: kết hợp quân - dân y trong chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân; công tác sản xuất, tạo nguồn vật chất hậu cần...
Tiếp đến, là xã hội hóa những khâu, công việc, những nội dung ít liên quan, ảnh hưởng đến yêu cầu đặc thù quân sự. Nhận thức đúng về xã hội hóa công tác hậu cần, chủ động lường trước những khó khăn, thách thức, nhất quán về mục tiêu, có quyết tâm cao, chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện là cơ sở để hiện thực hóa vấn đề này.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thiên Cầm (thực hiện)
Các tin khác

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật”, giành lại công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam (dioxin).

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2016) và kỷ niệm 21 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2016), sáng 8/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN 2016.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. Theo đó, Chính phủ quyết nghị một số nhiệm vụ cần triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ.

YBĐT - Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và chúc mừng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhân Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng/ Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái làm việc với Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng/ Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Yên Bái /Gần 1.300 ngôi nhà bị ảnh hưởng dông lốc... là những tin tức đáng chú ý.