Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017)

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/6/2017 | 8:05:47 AM

YênBái - YBĐT - Cách đây tròn 92 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - Cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra số đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo hoạt động, đánh dấu sự ra đời, mở đầu truyền thống lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Các phóng viên tác nghiệp tại vùng Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Các phóng viên tác nghiệp tại vùng Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Trước đó, từ những năm 60 của thế kỷ XIX đã có “Gia Định Báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Đến những năm đầu thế kỷ XX, nhiều tờ báo chữ Quốc ngữ của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp một số nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ với các khuynh hướng chính trị khác nhau nên không thể tập hợp chung vào một tổ chức thống nhất.

Chỉ đến khi có báo Thanh Niên, báo chí Việt Nam mới thực sự giương cao ngọn cờ cách mạng và mở đường cho sự xuất hiện của nhiều báo chí cách mạng, như: “Cờ đỏ”, “Tranh đấu”, “Tiến lên”, “Dân chúng”, “Tin tức”, “Lao động”, “Giải phóng”, “Việt Nam độc lập”, “Cứu quốc”... các tờ báo này đều hừng hực khí thế cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập, chỉ đạo và cũng chính là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam, như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Văn Lĩnh...

Trước sự phát triển lớn mạnh của báo chí cách mạng, ngày 2/5/1950, Chính phủ chính thức quyết định thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận “Hội những người làm báo Việt Nam” là thành viên chính thức của Tổ chức.

Theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ của báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với báo chí.

Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, rộng khắp các ngành, địa phương, bồi đắp nên truyền thống lịch sử vẻ vang; luôn đồng hành cùng cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; trở thành người tổ chức tập thể, cổ động tập thể toàn Đảng, toàn dân nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, kháng chiến kiến quốc thành công, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc đưa công cuộc đổi mới phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hòa nhịp cùng truyền thống lịch sử vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, tại tỉnh Yên Bái, báo chí cách mạng cũng được tuyên truyền và xuất bản khá sớm làm nên bề dày truyền thống rất đáng tự hào. Tháng 3/1931, tại thị xã Yên Bái xuất hiện nhóm đọc sách báo yêu nước tiến bộ “Học sinh đoàn” bao gồm 18 thanh niên, học sinh Trường Tiểu học Pháp - Việt và một số lính khố xanh do Đỗ Văn Đức đứng đầu. Ngoài tuyên truyền trong hội kín các tài liệu, sách báo yêu nước, tổ chức rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm...

Ngày 1/3/1931, nhóm “Học sinh đoàn” ra tập san “Học sinh báo” in thạch do Phạm Lợi phụ trách. Mặc dù nhóm “Học sinh đoàn” nhanh chóng bị thực dân Pháp khủng bố, bắt bớ, giam cầm, tập san “Học sinh báo” mới chỉ kịp ra được 3 số song đã gây tiếng vang lớn thức tỉnh lòng yêu nước, truyền bá tư tưởng cộng sản sơ giản, cổ vũ lớp trẻ thị xã dấn thân theo con đường cách mạng. “Học sinh báo” chính là hình thức báo chí sơ khai có tính chất tiền thân của báo chí tỉnh Yên Bái.

Những năm 1936 - 1939, xuất hiện phong trào đọc sách báo công khai của Đảng tại thị xã Yên Bái và một số địa phương lân cận. Thông qua các giáo viên lên dạy học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt và những công nhân xe lửa ở Đề-Pô Yên Bái đã mang lên Yên Bái các tờ báo công khai như “Tiếng dân”, “Phụ nữ Tân Văn”, “Đuốc nhà Nam”, “Tin tức”, “Dân chúng”, “Đời mới”... thông qua tuyên truyền báo chí cách mạng đã giác ngộ quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng ở thị xã và các vùng lân cận có bước phát triển mới, chuẩn bị cho sự ra đời của Chi bộ cộng sản đầu tiên ở thị xã Yên Bái vào ngày 7/5/1945.

Đầu năm 1945, thực dân pháp di chuyển gần 100 tù chính trị từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) sang Căng Nghĩa Lộ. Ở trong tù, nhạc sĩ Đinh Nhu đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Cùng nhau đi hồng binh”; Chi bộ nhà tù đã ra tờ báo “Đường Nghĩa” để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng đoàn kết, đấu tranh phá Căng, vượt ngục, kịp thời bổ sung cán bộ cho chiến khu Vần - Hiền Lương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lỵ Yên Bái nhanh chóng, ít đổ máu.

Ngay sau khi giành được chính quyền và chia tách Ban cán sự Đảng liên tỉnh, thành lập Tỉnh ủy Yên Bái, Tỉnh ủy chính thức phân công đồng chí Nguyễn Phúc - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời kiêm Trưởng phòng Thông tin cổ động của tỉnh.

Nhiệm vụ của Phòng Thông tin cổ động là tiếp nhận các tài liệu từ Xứ ủy và Tổng bộ Việt Minh chuyển lên biên tập thành các tài liệu và khẩu hiệu tuyên truyền ngắn gọn; đồng thời, biên tập, xuất bản tờ “Tin Yên Bái” là kênh thông tin chính thức của tỉnh để tuyên truyền các nhiệm vụ cách mạng, kháng chiến, kiến quốc ở địa phương.

Sau chiến thắng của chiến dịch Đồng Bằng năm 1947, Tỉnh ủy chỉ đạo biên tập xuất bản thêm tờ tin “Đồng Bằng” và “Tiến lên” phát hành đến các đơn vị bộ đội và dân quân góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu, hy sinh, giành được nhiều thắng lợi. Trước yêu cầu tập trung lãnh đạo cuộc kháng chiến phát triển lên một bước mới, từ ngày 10 - 15/1/1949, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ hai chính thức bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa I. Để tuyên truyền kết quả và phổ biến Nghị quyết Hội nghị, Tỉnh ủy chỉ đạo xuất bản tờ báo “Mới”, là tờ báo đặc biệt tuyên truyền trực tiếp Hội nghị Tỉnh ủy.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 5/11/1962, số “Báo Yên Bái” đầu tiên mang tên Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Yên Bái chính thức xuất bản. Cùng trong năm 1962, tỉnh Nghĩa Lộ được thành lập, đầu năm 1963, xuất bản tờ “Tin Nghĩa Lộ”, đến năm 1964 chuyển thành “Báo Nghĩa Lộ”.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về bỏ khu, lập tỉnh, ngày 3/1/1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai. Ngay sau đó, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết thành lập Báo Hoàng Liên Sơn - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Để tạo thuận lợi trong quản lý, phát huy tiềm năng thế mạnh mỗi địa phương, tại kỳ họp ngày 12/8/1991, Quốc hội đã ra Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ngày 1/10/1991, tỉnh Yên Bái chính thức đi vào hoạt động, theo đó Báo Yên Bái cũng được tái lập.

Những tờ báo "Mới" hiện còn lưu giữ. (Ảnh: A Hồng)

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt từ sau khi tái lập tỉnh, báo chí Yên Bái phát triển khá nhanh về số lượng, chất lượng, loại hình theo hướng truyền thông số hóa đa phương tiện, hình thành các ngành báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử...

Riêng Báo Yên Bái từ buổi sơ khai với các tờ tin in thạch, xuất bản hàng tháng, hàng tuần, số lượng hạn chế, đến nay đã phát triển thành 3 loại hình báo chí với 4 ấn phẩm là báo in thời sự hàng ngày 12 trang với nhiều chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn phát hành đến hầu hết cơ quan, tổ chức, chi bộ, thôn, bản, tổ dân phố, các già làng, trưởng dòng họ; Báo Yên Bái điện tử và truyền hình Internet lượng truy cập hàng ngàn lượt/ngày; Báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông “ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo” phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Đội ngũ làm báo của Báo Yên Bái từ chỗ chỉ vài người đến nay đã có 61 người, hầu hết có trình độ cử nhân chuyên ngành báo chí hoặc xã hội và nhân văn cùng đội ngũ cộng tác viên rải đều khắp địa phương, đơn vị bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ tác nghiệp của Báo Yên Bái được tỉnh quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Bám sát tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo Đảng địa phương, những năm qua, Báo Yên Bái đã phát huy tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, là diễn đàn của nhân dân, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh.

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh bền vững, xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.

Trong bối cảnh truyền thông số hóa, đa phương tiện, kết nối toàn cầu vừa là cơ hội vừa là thách thức áp lực rất lớn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Báo Yên Bái nhận thức sâu sắc, tiếp tục phấn đấu vươn lên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, lý luận vững chắc, thành thục các kỹ năng, nghiệp vụ, làm chủ công nghệ, mới có thể đáp ứng nhu cầu xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiếp nối xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Nông Thụy Sỹ - Tổng Biên tập Báo Yên Bái

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đọc Báo Yên Bái thời sự số đặc biệt chào mừng Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020. (Ảnh: Thu Chung)

YBĐT - Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 3 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động; 6 cơ quan báo chí Trung ương có Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh, 1 Cổng thông tin điện tử tỉnh với 38 trang thành viên.

YBĐT - Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí tỉnh Yên Bái năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Yên Bái trân trọng gửi tới bạn đọc bài phát biểu của đồng chí Đỗ Đức Duy. 

YBĐT - Chiều 20/6, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017) và trao giải Báo chí Yên Bái năm 2017.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy tặng hoa chúc mừng cán bộ, biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), sáng 20/6, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm và chúc mừng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên Cổng Thông tin điện tử và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục