Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Dương Văn Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Yên Bái đã báo cáo tóm tắt công tác triển khai xây dựng dự thảo Đề án xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II.
Về kết quả đạt được, theo Nghị quyết 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, tính đến năm 2016, thành phố Yên Bái đã đạt 50/59 chỉ tiêu, còn 9 chỉ tiêu chưa đạt là: dân số toàn đô thị; dân số khu vực nội thành, nội thị; mật độ dân số toàn đô thị; cân đối thu chi ngân sách; thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; nhà tang lễ; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; tỷ lệ tuyến phố văn minh trên tổng số trục phố chính và chợ nông thôn.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Thành phố Yên Bái đã đề ra 8 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế về công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị, về phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị, các giải pháp về đô thị, về lĩnh vực văn hóa xã hội, về vốn đầu tư, về phát triển nguồn nhân lực và các giải pháp thực hiện để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.
Theo Đề án, sẽ xây dựng thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh; là đô thị sinh thái đặc trưng, thành phố xanh, văn minh, hiện đại; phát triển thương mại, dịch vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020.
Thành phố Yên Bái cũng là đầu mối giao thông quan trọng và là trung tâm kinh tế của khu vực Tây Bắc; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa có chọn lọc và phù hợp với phong tục, tập quán của nhân dân địa phương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện an sinh xã hội; củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thành phố đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II đã đạt, nhất là các tiêu chí còn đạt thấp; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, đảm bảo đủ điều kiện để đề nghị công nhận thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II theo Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị trước năm 2020.
Về Đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại III, thị xã sẽ phát triển theo hướng mở rộng không gian đô thị và nâng cấp đô thị.
Theo đánh giá đối với đô thị hiện hữu, thị xã Nghĩa Lộ đạt 46/59 chỉ tiêu theo tiêu chí đô thị loại III, còn lại 13 chỉ tiêu chưa đạt. Để thực hiện Đề án nâng cấp thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại III, thị xã dự kiến quy hoạch mở rộng thêm 7 đơn vị hành chính của huyện Văn Chấn bao gồm các xã, phường của thị xã và 6 xã: Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Sơn A và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đề nghị thành phố Yên Bái cần xác định rõ bố cục Đề án; đánh giá rõ những tiêu chí chưa đạt như: vấn đề thu ngân sách, tiêu chí về dân số...; cần đánh giá mức độ khó khăn của từng tiêu chí, tốc độ tăng trưởng của từng chỉ tiêu, phân tích theo từng giai đoạn; cần nêu rõ hơn các yếu tố tác động tích cực hoặc tiêu cực đến việc thực hiện các tiêu chí, để có dự báo sát hơn về tình hình phát triển trong giai đoạn tới và có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, các ngành đề nghị, khi xây dựng dự thảo Đề án, thành phố Yên Bái cần rà soát vấn đề xử lý rác thải, chất thải nguy hại và có giải pháp cụ thể đảm bảo môi trường đồng thời nêu rõ, để nâng cấp thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II, khó khăn nhất là vấn đề dân số và tiêu chí chợ nông thôn.
Do vậy, các đại biểu cũng đề xuất thành phố cần có các giải pháp chỉ đạo, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, nhất là sự hỗ trợ của Trung ương để tập trung chỉ đạo thực hiện nhanh các tiêu chí chưa đạt.
Đối với Đề án nâng cấp thị xã Nghĩa Lộ, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục định hướng phát triển chung. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị thị xã cần đánh giá rõ hơn hiện trạng, đánh giá chính xác hơn các chỉ tiêu; cần xác định rõ nguồn lực đầu tư; thị xã cần có tính toán cụ thể để đảm bảo các nguồn lực thực hiện Đề án.
Để xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa - du lịch cần phải xác định được điểm nhấn về du lịch; cần xem xét, tính toán đến việc mở các tuyến đường không để ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực cánh đồng Mường Lò.
Thị xã cần cân đối ngân sách, mời gọi các nhà đầu tư, xây dựng các khu thương mại thu hút khách du lịch; nghiên cứu tính toán đất đai đề nghị tỉnh tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại III.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đánh giá cao thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các ý kiến của các ngành trong xây dựng dự thảo 2 đề án.
Định hướng xây dựng 2 đề án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trước hết cần xác định cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị, thực tiễn xác định định hướng nâng cấp 2 đô thị; việc phân loại đô thị và phân loại hành chính.
Qua nghiên cứu dự thảo Đề án của thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí đánh giá còn nhiều nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung; còn thiếu một số mục quan trọng như mục tiêu đạt được cuối cùng sau khi thực hiện Đề án; dự báo phát triển đô thị đến năm 2020 so sánh với chỉ tiêu quốc gia của hai địa phương; so sánh tiêu chí hiện hữu và đến năm 2020.
Để làm được, đồng chí yêu cầu cần xây dựng kịch bản phát triển 3 năm tới, dự báo có những biến động, đặc biệt khi mở rộng địa giới hành chính sẽ có nhiều biến động. Khi xây dựng đô thị cần quan tâm tới quy mô, mức độ phát triển, chất lượng đô thị, tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, đồng chí nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bổ sung làm rõ các nội dung: xác định trên cơ sở mục tiêu đến năm 2020, xác định rõ lộ trình thực hiện xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II và thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại III; trong đó, xác định rõ lộ trình hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu, duy trì tiêu chí đã đạt, hoàn thiện tiêu chí chưa đạt. Danh mục dự án đầu tư và kế hoạch dự án đầu tư cũng phải làm rõ, chi tiết; tính toán huy động tối đa các nguồn lực để đến năm 2020 xem đạt được bao nhiêu tiêu chí.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, đây là 2 đề án lớn, đề nghị thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án; Sở Xây dựng tiến hành thẩm định hướng dẫn thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ hoàn thiện Đề án; trong đó, các sở, ngành cùng hai địa phương thống nhất lộ trình hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu.
Minh Huyền – Đức Toàn