Kỷ niệm 56 năm Ngày thành lập huyện Trạm Tấu (5/10/1964 - 5/10/2020)

Trạm Tấu: Một chặng đường đáng tự hào

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/10/2020 | 7:42:51 AM

YênBái - Từ chiến thắng Kế Khấu Ly huyền thoại đến cuộc "cách mạng tư tưởng” thay đổi tập quán sản xuất 1 vụ thành 2 vụ; vận động người dân xóa bỏ triệt để cây thuốc phiện, xóa bỏ lối sản xuất du canh, du cư; bảo vệ rừng - những kỳ tích trên núi được từng bước thiết lập như một huyền thoại.

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khu vực Trạm Tấu là một trong những địa bàn chiến lược quân sự quan trọng, là giao điểm của 3 cơ sở cách mạng vùng ngoài, vùng Văn Chấn và vùng Phù Yên. Chịu sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, đồng bào Trạm Tấu đã đoàn kết, anh dũng, sáng tạo làm nên một chiến thắng Kế Khấu Ly huyền thoại, góp phần cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc khỏi kiếp nô lệ lầm than.

Trong bộn bề khó khăn của những ngày đầu thành lập huyện, khi giặc đói, giặc dốt còn hoành hành, khi các hủ tục đeo bám khiến cuộc sống đói nghèo triền miên, Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để từng bước gỡ khó. Đầu tiên chính là cuộc "cách mạng tư tưởng” thay đổi tập quán sản xuất 1 vụ thành 2 vụ. 

Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang lên "cắm” bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Sự hy sinh cả tuổi thanh xuân để vùng cao đổi mới của hàng nghìn lượt cán bộ miền xuôi cuối cùng cũng đã được đền đáp. Sau nhiều thất bại, nhiều nước mắt, hoa thơm trái ngọt cũng nở trên mảnh đất vùng cao còn nhiều gian khó. Người dân xóa bỏ tập quán canh tác 1 vụ chuyển sang làm 2 vụ/năm, mang nhiều đổi thay cho cuộc sống.

Người vui nhất có lẽ là ông Giàng A Su – nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, trải qua các cương vị lãnh đạo, ông Su là người đã chứng kiến các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí không màng nguy hiểm tính mạng lên "cắm” bản, vận động người dân xóa bỏ triệt để cây thuốc phiện, xóa bỏ lối sản xuất du canh, du cư; bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, làm giàu ngay tại quê hương. 

Ông Su chia sẻ: "Mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đều đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Thành công lớn nhất chính là xóa bỏ tập tục không còn phù hợp với nếp sống mới, xây dựng nông thôn mới, nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tôi cảm thấy rất vui khi Trạm Tấu có nhiều thay đổi như hôm nay, cơ sở hạ tầng khang trang, dân trí tiến bộ, cuộc sống của người dân ấm no hơn”.

Trải qua 56 năm với 16 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện Trạm Tấu phát huy kết quả, kinh nghiệm của nhiều năm trước đã liên tục có những đổi mới mang tính chất đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành. Vẫn là cách làm "mưa dầm, thấm lâu” nhưng là bằng sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. 

Là "cầm tay, chỉ việc” để thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Bắt đầu từ mô hình ngô đồi đến sự khuyến khích những đảng viên dám nghĩ, dám làm mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biến những mảnh đất khô cằn thành cánh đồng ngô đồi màu mỡ, xanh tươi. Người dân chuyển đổi từ tự cung, tự cấp sang sản xuất chăn nuôi hàng hóa, thay đổi cuộc sống. Huyện nghèo giờ xuất hiện tỷ phú chăn nuôi, triệu phú ngô đồi làm thay đổi diện mạo quê hương.

Việc xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Học tập và làm theo lời Bác, có hàng chục nông dân ở Hát Lừu hiến đất làm đường. Họ - những nông dân bản Thái vì lợi ích của quê hương quên đi lợi ích của cá nhân, cùng nhau đoàn kết hàn gắn vết thương bão lũ. Người tự bỏ tiền làm đường, mua loa truyền thanh về thôn bản như ông Lò Văn Ché. 

Những thanh niên không khuất phục nghèo đói, mạnh dạn vay vốn chuyển đổi sản xuất thành những điển hình tiên tiến như: Lò Văn Păn, Hoàng Đình Văn. Những phụ nữ đảm đang, sáng tạo như chị Hoàng Thị Pọm, Lò Thị Mến... Vì vậy, Hát Lừu đã trở thành một trong những xã đầu tiên của các huyện nghèo trên cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Niềm vui lan tỏa, đồng bào Mông Trạm Tấu hôm nay cũng quyết tâm xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, thi đua phát triển kinh tế, chủ động thoát nghèo phấn đấu đưa huyện Trạm Tấu xóa khỏi danh sách huyện nghèo trong tương lai không xa.

56 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Trạm Tấu có cơ sở hạ tầng với điện, đường, trường, trạm khang trang. Những kỳ tích trên núi được từng bước thiết lập như một huyền thoại. Đó là những con đường ý Đảng, lòng dân vươn xa đến tận bản nghèo, biến giấc mơ người nghèo vùng cao thành hiện thực, nông sản làm ra thành hàng hóa. Xe máy, ô tô ngược rừng, ngược núi giao thương, khiến những bản làng tận nơi thâm sơn cùng cốc cũng tấp nập đông vui. Cuộc sống mới ấm no hạnh phúc hiện hữu trên từng gương mặt người dân vùng núi. 

Tuổi trẻ Trạm Tấu với lòng biết ơn vô hạn thế hệ đi trước, nỗ lực hết mình với nhiều công trình, phần việc tình nguyện thiết thực, xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế. Hàng trăm công trình tình nguyện khai hoang ruộng nước, khai hoang ruộng cạn mở rộng sản xuất cho người dân, trồng cây sơn tra, trồng rừng kinh tế, tạo niềm tin cho đồng bào vùng cao vào đường lối đúng đắn của Đảng. Tuổi trẻ huyện nhà cũng đã không ngừng học tập, vượt lên khó khăn, trở thành những chủ nhân có đức, có tài xây dựng quê hương. Nhiều người đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ huyện. 

Đồng chí Giàng A Tạng – Phó Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu chia sẻ: "Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, chúng tôi quyết tâm rèn luyện, học tập gắn lý luận với thực tiễn, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm xứng đáng là cánh tay phải của Đảng bộ huyện, góp phần xây dựng huyện Trạm Tấu phát triển toàn diện trong tương lai”.

Trạm Tấu hôm nay chuyển đổi cơ cấu 7.704 lượt ha lúa, ngô; khai hoang 126,5 ha ruộng bậc thang gắn với tạo cảnh quan phát triển du lịch; gieo trồng 200 ha lúa nếp 87 theo chuỗi giá trị; trồng mới được 400 ha chè Shan vùng cao; dự kiến đến hết năm 2020 trồng 2.400 ha cây sơn tra, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao. Toàn huyện gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2020 ước đạt 6.980 ha, tăng 440 ha so với năm 2015; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 23.806 tấn, tăng 2.852 tấn so với năm 2015, vượt 2,6% chỉ tiêu Nghị quyết. Chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi từ chăn nuôi thả rông sang bán chăn thả. Toàn huyện có 689 hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 5 - 9 con; 97 hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên; triển khai thực hiện 66 mô hình chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm.



Lãnh đạo và người dân xã Pá Hu tham gia làm đường giao thông nông thôn.  

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Toàn huyện có 28 trường và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (trong đó, có 6 trường đạt chuẩn quốc gia) với 11.692 học sinh, trong đó học tại các trường bán trú, nội trú là 6.869 học sinh. Chất lượng giáo dục đại trà ngày càng nâng lên, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi hàng năm đều đảm bảo kế hoạch. Huyện duy trì kết quả xóa mù chữ mức độ 1, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập tiểu học đạt chuẩn mức độ 3 và phổ cập trung học sơ sở đạt chuẩn mức độ 1. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần và hoàn thành cấp học được nâng lên

Đội ngũ cán bộ, đảng viên có chất lượng năm sau cao hơn năm trước; đặc biệt là đảng viên người dân tộc, đảng viên ở nông thôn. Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã mở 70 lớp bồi dưỡng cho trên 5.000 học viên; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 3 lớp trung cấp lý luận chính trị tại huyện cho 290 đồng chí; cử 8 đồng chí đi học thạc sĩ, 23 đồng chí đi học cử nhân chính trị (văn bằng 2), cử 14 cán, bộ công chức xã, thị trấn đi học đại học, 315 đồng chí đi học trung cấp lý luận chính trị, 27 đồng chí đi học cao cấp lý luận chính trị, 2.976 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng. Công tác giáo dục chính trị thường xuyên được đổi mới, nhờ vậy, sức mạnh của Đảng được khẳng định. 

Đồng chí Giàng A Thào – Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định: "Kết quả của 56 năm qua mãi là bài học kinh nghiệm quý giá để Đảng bộ huyện Trạm Tấu tiếp tục đổi mới, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đoàn kết, sáng tạo xây dựng huyện Trạm Tấu thoát nghèo bền vững”.

Năm 2020, huyện Trạm Tấu tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI. Đảng bộ huyện đã đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu. Ngay sau Đại hội, toàn Đảng bộ đã nỗ lực thực hiện 3 khâu đột phá, 4 chương trình trọng điểm và 8 nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, ngay trong 9 tháng của năm 2020, nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, có 14 chỉ tiêu đạt 100%, 11 chỉ tiêu đạt 75% kế hoạch trở lên, 5 chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên, 1 chỉ tiêu đang thực hiện.

Tuy phía trước còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng với kết quả đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, huyện Trạm Tấu sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo, phát triển toàn diện trong tương lai.

Phương Thùy

Tags Trạm Tấu kinh tế xã hội 56 năm thành lập gà đen ngô nếp 87

Các tin khác

Thành công của đại hội Đảng các cấp có sự đóng góp tích cực, không nhỏ của lực lượng báo chí cách mạng.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm việc tại Yên Bái/ Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương và giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ/ Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ/ Kỳ họp 18 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVIII/ Xổ số Vietlott chính thức có mặt tại Yên Bái/ Đêm hội trăng rằm... là những sự kiện nổi bật tỉnh Yên Bái tuần qua.

Với phương châm “Chủ động phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy hiệu quả”, nhiều biện pháp được lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy- cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Yên Bái triển khai đồng bộ để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, trao Huân chương Hồ Chí Minh cho đại diện Tổng cục KTTV Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai được tổ chức trang trọng vào chiều 3-10, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục