Triển khai thực hiện Đề án số 11 của Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, huyện Yên Bình đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc rà soát, tuyển chọn cán bộ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia các bước xét tuyển để tham gia Đề án.
Bằng cách làm thận trọng, bài bản, chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Yên Bình đã tạo được không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi, làm lan tỏa tinh thần quyết tâm, cố gắng, nỗ lực từ những cán bộ được lựa chọn sơ tuyển cho tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.
Qua quá trình lựa chọn, huyện Yên Bình đã có 6/19 cán bộ, công chức bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, điều kiện tham gia Đề án của tỉnh với đầy đủ cơ cấu: cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Sau khi phê duyệt danh sách chính thức cán bộ tham gia Đề án 11, cùng với việc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp quản lý, được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn do tỉnh tổ chức và được trực tiếp tham dự các kỳ họp HĐND tỉnh theo Quy định số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 6/6 cán bộ Đề án số 11 của huyện đã được Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, được quy hoạch và bố trí vào các chức danh công tác phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi đồng chí.
Đồng thời, Huyện ủy còn trực tiếp phân công, giao nhiều nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhất là những nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức để thử sức và rèn luyện cán bộ.
Đó thực sự là những nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt gắn với các yêu cầu cao về thời gian hoàn thành thông qua các sản phẩm công việc cụ thể. Đặc biệt, có một số trường hợp đã được cùng Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy họp bàn, thống nhất những chủ trương, định hướng lớn của huyện.
Những việc làm cụ thể đó đã góp phần tạo điều kiện cho cán bộ tham gia Đề án 11 có thêm kinh nghiệm tự rèn luyện, thử thách trong nhiều môi trường công việc khác nhau.
Qua đó, giúp cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số được tiếp thu, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng công tác, kinh nghiệm thực tế, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho sự phát triển đi lên của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Các cán bộ tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy được trao giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thực tế việc thực hiện Đề án số 11 của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện Yên Bình cho thấy, cái cốt lõi của Đề án số 11 không chỉ đến từ việc lựa chọn được một đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng công tác cán bộ trước mắt và lâu dài mà với cách làm rất bài bản, chặt chẽ, đồng bộ, công tâm, khách quan, minh bạch, "có vào, có ra” đã tạo nên một khí thế thi đua cố gắng, nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm rèn luyện trong cán bộ công chức. Bởi bất kỳ ai, ở vị trí công tác nào, chỉ cần có sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm rèn luyện thì đều có cơ hội trở thành thành viên và được thụ hưởng những cơ chế, chính sách đặc biệt của Đề án số 11.
Do đó, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 11 trên địa bàn huyện Yên Bình đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ không chỉ của cán bộ công chức, viên chức mà trong toàn thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần quyết định vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đó còn là sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quan điểm trong thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ từ cơ sở.
Theo đó, cán bộ tham gia Đề án số 11 được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; được luân chuyển, tăng cường, biệt phái, tập sự lãnh đạo để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và xem xét, đề bạt, bổ nhiệm vượt cấp vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Đó cũng chính là cơ hội, điều kiện để cấp ủy có thể tìm kiếm, lựa chọn, tạo nguồn và thực hiện ngay việc trẻ hóa, bổ sung cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số có chất lượng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, phát huy cao phẩm chất, năng lực, trình độ, tâm huyết cùng tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Được biết, hiện nay các đồng chí trong Đề án 11 của huyện Yên Bình đều có những bước trưởng thành tiến bộ. Trong đó, 1 đồng chí được điều động, bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Hành chính Văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội; 1 đồng chí được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Yên Bái; 1 đồng chí được điều động công tác tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; 1 đồng chí đang thực hiện quy trình điều động về Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; 1 đồng chí được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh và 1 đồng chí được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND huyện Yên Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đây là những kết quả đáng ghi nhận trong công tác triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 11 của Huyện ủy Yên Bình 3 năm qua. Kết quả đó sẽ góp phần bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng đội ngũ cán bộ vừa "hồng” vừa "chuyên”, xứng đáng là những "hạt giống đỏ” trong công tác cán bộ của huyện Yên Bình nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án số 11 của Tỉnh ủy trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình đã đề ra nhiều giải pháp tích cực nhằm tiếp tục quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án số 11 của Tỉnh ủy đã đề ra.
Đồng thời, thực hiện tốt các quy định về việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tham gia Đề án số 11 theo đúng Quy định số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, đẩy mạnh việc luân chuyển, tăng cường, biệt phái cán bộ của Đề án theo các quy định hiện hành và Quy định số 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nghiên cứu, xây dựng và thực hiện quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ chế tập sự lãnh đạo cho cán bộ để đưa về các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo phù hợp với chuyên môn đào tạo và năng lực, sở trường của mỗi cán bộ; mạnh dạn giao cho cán bộ Đề án những việc mới, việc khó để thử thách, rèn luyện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có điều kiện phấn đấu, tiếp tục được cống hiến, vươn lên, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện.
Thanh Hương