Nghĩa Lộ là một trong những vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nơi đây luôn gắn với các ký ức dân gian về một vùng đất "gạo trắng, nước trong", những điệu xòe dập dìu, uyển chuyển, say đắm lòng người, là vùng đất cội nguồn của dân tộc Thái đen trong truyền thuyết. Nơi đây cũng là mảnh đất có truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước với Chiến thắng Nghĩa Lộ 18/10/1952 vang dội, mở tuyến đường huyết mạch cho bộ đội ta tiến lên giải phóng Điện Biên, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ được thành lập theo Quyết nghị số 185-QN/TU ngày 10/12/1971 của Tỉnh ủy Nghĩa Lộ để đáp ứng với yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tỉnh trong những năm cách mạng của nước ta tiến tới ngày giành độc lập dân tộc. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng thị xã Nghĩa Lộ nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi đó, về mặt hành chính, thị xã bao gồm 6 tiểu khu, trong đó có 3 tiểu khu ở khu vực nội thị và 3 tiểu khu khu vực ngoại thị là các xã: Nghĩa An, Nghĩa Phúc và Nghĩa Lợi. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, Thị ủy Nghĩa Lộ lâm thời đã chủ động đề ra những biện pháp kịp thời nhằm duy trì sản xuất, giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân, chi viện kịp thời cho tiền tuyến kháng chiến chống Mỹ.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, lịch sử bước sang một trang mới, cả nước tiến hành thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn này, 3 tỉnh Nghĩa Lộ, Lào Cai, Yên Bái hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, thị xã Nghĩa Lộ hợp nhất vào huyện Văn Chấn.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn (từ năm 1991 là tỉnh Yên Bái), Đảng bộ, chính quyền thị trấn Nghĩa Lộ khi đó trực thuộc Đảng bộ huyện Văn Chấn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc thị trấn thực hiện công cuộc khôi phục và xây dựng kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chăm lo đời sống cho nhân dân.
Nhiều năm liền, thị trấn Nghĩa Lộ luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của huyện Văn Chấn. Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái lập gồm 4 phường: Trung Tâm, Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An. Đến ngày 24/12/2003, Chính phủ ra Nghị quyết số 167/2003/NQ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính của thị xã Nghĩa Lộ, sáp nhập thêm 3 xã: Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi thuộc huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ quản lý.
Ngày 22/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Yên Bái, theo đó thị xã được sáp nhập thêm 7 xã thuộc huyện Văn Chấn. Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ có 14 xã, phường (4 phường và 10 xã), dân số trên 70 nghìn người với 21 dân tộc anh em cùng chung sống.
Các đồng chí lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND, các phòng chuyên môn thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất và thăm mô hình trồng dưa hấu tại xã Thanh Lương.
Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, nhất là sau 25 năm tái lập thị xã, vượt qua những khó khăn và thử thách ban đầu với nhiều lần địa giới hành chính được chia tách, sáp nhập, đổi tên, 14 kỳ đại hội, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về cả quy mô và tổ chức; đã lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế và nhân dân 21 dân tộc anh em xây dựng thị xã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước đưa Nghĩa Lộ vươn lên trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái.
Kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát huy hiệu quả lợi thế của vùng cánh đồng Mường Lò màu mỡ và giàu truyền thống văn hóa. Thị xã đã hình thành và phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa lúa, rau màu, cây ăn quả tập trung; xác định được một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao gắn với sản xuất hàng hóa để đầu tư phát triển và nhân rộng mô hình qua các năm như bưởi da xanh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ... Thị xã hiện có 8 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, tập trung vào các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế, thân thiện với môi trường như: may mặc, lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, cơ khí xây dựng, cơ khí nông cụ, dân dụng; khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chăn, đệm bông lau, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan...
Thương mại, dịch vụ có bước phát triển nhanh, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác cùng phát triển, khai thác hiệu quả lợi thế là trung tâm đầu mối khu vực phía Tây của tỉnh. Các loại hình dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách, văn hóa giải trí, y tế, giáo dục, bưu chính viễn thông, tín dụng ngân hàng... ngày càng tăng về quy mô và giá trị đóng góp vào quy mô kinh tế của thị xã. Cơ cấu kinh tế thị xã chuyển dịch nhanh, đúng hướng, kết thúc năm 2020, tỷ trọng ngành thương mại và dịch vụ chiếm tới 76,6% cơ cấu kinh tế của thị xã; công nghiệp - xây dựng chiếm 13,7%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 9,7%.
Hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống lưới điện, cấp nước sạch, viễn thông, công trình phúc lợi công cộng, hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa ngày càng cao. Đến nay, 100% tuyến đường nội thị và đường trục xã đã được rải nhựa và bê tông hóa, 76% tuyến đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2020 đạt 96,8%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 100%; 100% rác thải sinh hoạt khu vực nội thị được thu gom và xử lý...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được Đảng bộ, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm chăm lo, có bước phát triển mạnh, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chăm lo. 14 kỳ đại hội là những nấc thang đi lên của một quá trình kế thừa, tiếp nối, phát huy truyền thống, phấn đấu không ngừng, quyết tâm chính trị cao, trưởng thành vượt bậc để ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng của Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ.
Từ 6 chi bộ với gần 300 đảng viên khi mới thành lập, đến nay, Đảng bộ thị xã đã có 42 chi đảng bộ cơ sở, 218 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 4.485 đảng viên. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường; tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện; niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng được củng cố.
Với truyền thống yêu nước vẻ vang của quê hương Nghĩa Lộ anh hùng, những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 50 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và tỉnh Yên Bái tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Cờ thi đua đơn vị xuất sắc của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đặc biệt, với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân thị xã, ngày 24/11/2021, thị xã Nghĩa Lộ đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020, trở thành địa phương thứ ba của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tự hào với những thành tựu đã đạt được qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, trong những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc để khơi dậy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế; nắm bắt các thời cơ, khắc phục mọi khó khăn để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện tốt hơn công tác tập hợp, vận động quần chúng nhân dân để từ đó thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả các chủ trương, đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới trên quê hương Nghĩa Lộ.
Trước mắt, Đảng bộ xác định tiếp tục nỗ lực, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đảng bộ thị xã tăng cường xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đưa thị xã phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển; mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, kinh doanh; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết tâm phấn đấu xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa, du lịch và cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III vào năm 2025.
Lê Trí Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Nghĩa Lộ