Bảo hộ giống cây trồng đem lại nhiều lợi ích
Ngay từ khi lấy ý kiến lần đầu với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các chuyên gia đã luôn nhấn mạnh, bảo hộ giống cây trồng mới (Bảo hộ quyền của nhà tạo giống cây trồng) là một dạng sở hữu trí tuệ. Cơ chế bảo hộ này giúp chủ sở hữu quyền của giống được bảo hộ được độc quyền khai thác giống cây trồng, nhờ đó có điều kiện thu lại các chi phí đã bỏ ra trong quá trình tạo ra giống cây trồng mới để tái đầu tư cho việc chọn tạo giống mới tiếp theo.
Ý thức vai trò của việc bảo hộ giống cây trồng ở một quốc gia sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng như Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng hệ thống bảo hộ giống cây trồng đã được thực hiện từ sớm, năm 2002. Năm 2006, Việt Nam đã trở thành thành viên Công ước Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV). Thực tế cũng chứng minh việc bảo hộ giống cây trồng hiệu quả góp phần thúc đẩy tạo ra nhiều giống cây trồng mới với các đặc tính tốt phục vụ sản xuất, đem lại lợi ích cho xã hội.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng Việt Nam (VSC) Nguyễn Thanh Minh cho biết, nhiều giống cây trồng mới được chọn tạo tham gia vào cơ cấu sản xuất góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Việc thực hiện cơ chế bảo hộ giống cây trồng cũng khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong nước không ngừng nghiên cứu, cải tiến chất lượng giống, mà minh chứng rõ nhất là chúng ta đã có giống gạo ngon nhất thế giới ST25, giúp nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tương đương, thậm chí có lúc cao hơn giá của Thái Lan.
Không chỉ với giống lai tạo trong nước, thực hiện cơ chế này, ông Nguyễn Thanh Minh cũng nhấn mạnh, nhiều giống hoa mới lạ, còn giá cao trên thị trường thế giới, các giống cây ăn quả có giá trị được đưa vào Việt Nam từ các quốc gia như Nhật Bản, Hà Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ… giúp nông dân đạt hiệu quả cao trên đơn vị diện tích khi canh tác các giống mới nhờ khả năng xuất khẩu. "Những vùng chuyên canh hoa, cây ăn quả lớn hình thành trong thời gian qua là minh chứng rõ cho thấy tác động tích cực của bảo hộ giống cây trồng”, ông Nguyễn Thanh Minh nói.
Việc bảo hộ giống cây trồng có vai trò quan trọng, mà một yếu tố để xác định điều kiện được bảo hộ là tính mới của giống cây đó. Để xác định tính mới của giống cây trồng, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã quy định khá cụ thể tiêu chí xác định tính chất này tại Điều 159. Song, thực tế thi hành Luật hiện hành cũng nổi lên hiện tượng người đăng ký bảo hộ không trung thực trong kê khai vật liệu nhân giống, sản phẩm thu hoạch giống cây trồng đó chưa được bán hoặc phân phối. Với thực tế này, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chính phủ đề xuất bổ sung tiêu chí "chưa được công nhận lưu hành, tự công bố lưu hành theo quy định của pháp luật về trồng trọt” (Điều 75 dự thảo Luật để sửa đổi, bổ sung Điều 159 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành), nhằm có thêm cơ sở xác minh chính xác hơn.
Chưa tương thích với công ước quốc tế
Khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ Hai đã có một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, không bổ sung tiêu chí mới như đề xuất của Chính phủ. Nguyên nhân do, quy định như Luật hiện hành hoàn toàn tương thích với Điều 6 Công ước UPOV, trong khi nếu bổ sung tiêu chí mới sẽ dẫn đến không tương thích với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Khi Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức lấy ý kiến tiếp tục với dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý, đại diện Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng Việt Nam cũng tán thành với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội (giữ như quy định hiện hành). Bởi nếu quy định một loại giống khi được đưa ra sản xuất phải có một quyết định công nhận cho lưu hành của cơ quan quản lý nhà nước sẽ dẫn đến "tự chúng ta dựng lên một rào cản kỹ thuật cho chính các tác giả của Việt Nam". Trong khi đó, trước khi được nhận quyết định công nhận đã phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính cũng như kỹ thuật phải thực hiện.
Trước những quan điểm khác nhau về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thực tế thực hiện quy định về bảo hộ giống cây trồng đúng là có vướng mắc khi người đăng ký bảo hộ không trung thực trong kê khai vật liệu nhân giống, sản phẩm thu hoạch giống cây trồng đó chưa được bán hoặc phân phối. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc này có thể khắc phục bằng các giải pháp nâng cao chất lượng xử lý đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (thông qua các hoạt động thẩm định đơn, công bố đơn, xem xét ý kiến của bên thứ ba về đơn…), cũng như xử lý vi phạm với các cá nhân, tổ chức có hành vi trái pháp luật trong đăng ký bảo hộ giống cây trồng. "Việc bổ sung tiêu chí như phương án Chính phủ trình có thể thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong xác định tính mới của giống cây trồng, nhưng chưa tương thích với Công ước UPOV, có nguy cơ gây xung đột pháp luật trong quá trình áp dụng”, bà Nguyễn Thị Mai Phương lưu ý.
Một vấn đề khác được đặt ra khi bổ sung tiêu chí nêu trên là sẽ có hai thời điểm để căn cứ vào đó xác minh giống cây trồng có được bảo hộ hay không? Theo đó, tính mới được xác định giống cây trồng đó chưa được phân phối vì mục đích thương mại (tiêu chí hiện hành), hay có thể tính theo thời điểm chưa được công bố, tự công bố lưu hành theo quy định pháp luật về trồng trọt (tiêu chí bổ sung mới). Mặt khác, với việc duy trì song song cả hai tiêu chí này như đề xuất của Chính phủ, Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề: Nếu thời điểm phân phối vì mục đích thương mại và được công bố, tự công bố lưu hành cách nhau một thời gian dài thì sẽ áp dụng khoản 1 (chưa được phân phối nhằm mục đích thương mại) hay khoản 2 (chưa công bố lưu hành, tự công bố lưu hành) tại Điều 159?
Với vấn đề có quan điểm khác nhau, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ phải lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, thậm chí đưa ra biểu quyết riêng khi Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật này. Nhưng, rõ ràng, nhận định của các hiệp hội, tổ chức, cá nhân chịu tác động của chính sách là tiếng nói chính xác nhất từ thực tiễn cuộc sống. Điều này đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phải cân nhắc kỹ, tìm ra phương án tối ưu, khả thi hơn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện quy định liên quan đến việc bảo hộ giống cây trồng tại dự thảo Luật.
(Theo daibieunhandan)