Kỷ niệm 46 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976-25/4/2022)

Mở đầu cho bước phát triển mới của đất nước

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/4/2022 | 7:35:31 AM

Cách đây 46 năm, vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu cử, bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Công nhân Công ty Đường sắt 773 (Liên hiệp xí nghiệp Cục Công trình 1, Bộ Giao thông - Vận tải) đang xây dựng cầu Yên Xuân (Nghệ Tĩnh), tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI tại công trường.
Công nhân Công ty Đường sắt 773 (Liên hiệp xí nghiệp Cục Công trình 1, Bộ Giao thông - Vận tải) đang xây dựng cầu Yên Xuân (Nghệ Tĩnh), tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI tại công trường.

Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976-1981) - Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Mùa xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. 

Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. 

Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; chính quyền các cấp có HĐND và Ủy ban hành chính. Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, UBND cách mạng ở địa phương.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, tháng 11/1975, đại biểu nhân dân hai miền Nam-Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị. Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định "cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. 

Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất".

Trên cơ sở thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 3/1/1976, yêu cầu các cấp ủy đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử. Theo Chỉ thị số 228-CT/TW, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung "sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 

Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam". Đây là những nguyên tắc cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ, được tiếp tục kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm.

Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước, đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị xã, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu. Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. 

Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử, có 16,26% công nhân; 20,33% nông dân; 1,22% thợ thủ công; 28,66% cán bộ chính trị; 10,97% quân nhân cách mạng; 18,5% tri thức; 4,06% nhân sĩ dân chủ và tôn giáo; 26,21% đại biểu nữ; 14,28% đại biểu các dân tộc thiểu số.

Ngày 24/6/1976, Kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. 

Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đời của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải nắm bắt hiệu quả mô hình trồng hồng không hạt tại xã Nậm Khắt.

Thực hiện Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy, huyện Mù Cang Chải đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo phương châm “Chủ động thích ứng, linh hoạt, tăng tốc, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả” với tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả gắn với đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh thành phố Yên Bái lần thứ XX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã thành công tốt đẹp. Đây là Đại hội được Tỉnh đoàn lựa chọn làm điểm cấp huyện và tương đương. Ngay sau đại hội điểm này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cùng đại biểu các huyện, thị, thành đoàn, đoàn cơ sở trực thuộc đã họp để đánh giá, rút kinh nghiệm.

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội/ Hội nghị kích cầu phát triển du lịch "Yên Bái điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và ấn tượng"/Tổng kết Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ II/ Số ca mắc Covid-19 giảm mạnh/ Hai cán bộ ngành y trả người đánh rơi trên 31 triệu đồng/ Bắt giữ vụ mua bán trái phép gần 17.000 viên ma túy tổng hợp... là những tin tức thời sự nổi bật của tỉnh Yên Bái tuần qua.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Chiều ngày 22/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý I/2022. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh và các cơ quan báo chí địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục