Trước hết, tôi đồng tình cao với các ý kiến của các đại biểu tham gia phát biểu trước. Tôi cũng đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ trong việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt được kết quả 9 tháng tích cực trên nhiều mặt và khá toàn diện. Tôi xin nêu thêm một số vấn đề khó khăn từ thực tiễn tại địa phương cơ sở.
Điểm thứ nhất là những vướng mắc về thể chế chính sách, nhất là thể chế chính sách liên quan đến vấn đề quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Thứ hai, đó là việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị dự nghiệp công lập, nhất là trong lĩnh vực y tế, các vấn đề liên quan đến hợp tác, liên doanh liên kết để triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu. Những khó khăn trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiệt bị vật tư y tế. Đây là vấn đề rất lớn mà đang vướng ở các địa phương cũng như bệnh viện tuyến trung ương.
Thứ ba, vấn đề thiếu số lượng giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, nghệ thuật đảm bảo để triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ tư, vấn đề giá cả, vật tư, vật liệu xây dựng, năng lượng, một số mặt hàng tăng cao và tăng liên tục gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Thứ 5 là thị trường vốn, thị trường tín dụng đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, đến nay cũng hết sức khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn giá rẻ.
Những khó khăn như vậy, tôi xin được kiến nghị những nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như sau:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các cơ quan trung ương nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, khuyến nghị các vân đề không chỉ liên quan đến kinh tế vĩ mô, nhất là các mặt hàng sản xuất kinh doanh liên quan đến xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp, các địa phương có định hướng chỉ đạo linh hoạt, kịp thời các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với diễn biến tình hình thế giới và khu vực. Thực tế cho thấy, trong năm 2022 vừa qua, Chính phủ đã rất linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp phải không ít khó khăn đối với các hàng hóa chủ lực.
Thứ hai, tôi dề nghị Chính phủ chủ động rà soát, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ những khó khăn về thể chế, chính sách.
Trong đó, đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung một số bộ luật theo chương trình kế hoạch, cũng nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách liên quan đến các vùng kinh tế - xã hội. Trong năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho 6 vùng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay lại thiếu các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển vùng cũng như các chính sách khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Thực tế, Chính phủ cũng trình Quốc hội ban hành một số nghị quyết về việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với một số địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách mới tập trung ở thành phố trực thuộc Trung ương, một số tỉnh được xác định là trung tâm động lực phát triển vùng, trong khi một số vùng như Trung du Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn ít hoặc chưa có cơ chế đặc thù kể cả ở cấp vùng và cấp địa phương.
Do đó, gây khó khăn cho các vùng trong việc phát huy các lợi thế tiềm năng cũng như thu hút đầu tư phat triển kinh tế - hội. Chính vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ có thể đưa ra một số cơ chế chính sách đặc thù cho vùng. Ví dụ, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có thể đưa ra cơ chế đặc thù phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đối với vùng đồng bằng Sông Cửu Long đó là các chính sách liên quan đến sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản…
Tôi cũng xin kiến nghị, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội ban hành một số nghị của Quốc hội để có thể phân cấp, ủy quyền một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho HĐND cấp tỉnh, nhất là trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích đất lúa, cho phép đơn giản hóa quy trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như các đại biểu có nêu việc thực hiện hai chương trình trên còn chậm, qua thực tiễn chúng tôi thấy để thực hiện đảm bảo đúng thời gian theo chương trình đề ra thi cần thông thoáng hơn về mặt thủ tục việc chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích đất lúa..đối với các địa phương có cơ chế đặc thù để triển khai thuận lợi hơn.
Đối với các tỉnh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc việc chuyển đổi mục đích rừng liên quan đến pháp luật về lâm nghiệp. Đối với vùng đồng bằng Sông Cửu Long liên quan đến Luật Đất đai, việc chuyển đổi mục đích đất trồng lúa.. và chúng tôi mong muốn các vướng mắc này sớm được tháo gỡ.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ, Bộ giáo dục tháo gỡ những vướng mắc về việc thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, nghệ thuật, giúp cho các địa phương tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là địa bàn vùng cao.
Và tôi cũng thống nhất với ý kiến, đối với một số môn, nhất là các môn nghệ thuật nên cho các địa phương tuyển dụng trình độ cao đẳng. Thực tế, cả nước mới chỉ có một trường đại học đào tạo về sư phạm nhạc họa, trong khi các trường trên cả nước đều có nhu cầu. Nhiều địa phương có trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật nhưng không thể tuyển đối tượng này do không đảm bảo đạt chuẩn.
Vì vậy, tôi kiến nghị cho phép tuyển dung giáo viên nghệ thuật trình độ cao đẳng, không nhất thiết là đại học đối với địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để đáp ứng nhu cầu. Tôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổng kết để đánh giá mô hình trường nội trú, trường bán trú, trường có học sinh bán trú, nhất là các vấn đề liên quan đến việc đạt chuẩn, các chế độ chính sách cho học sinh, đối với giáo viên, nhân viên. Hiện nay các chính sách này đã lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu.
Thứ tư, tôi đề nghị Chính phủ có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị y tế công lập, nhất là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, liên doanh, liên kết trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh, mua sắm thuốc, vật tư tiêu hoa, trang thiết bị vật tư y tế.
Cùng với đó, Chính phủ có những giải pháp để đẩy nhanh lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, rồi khung giá, giá các loại dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, các địa phương không có đủ cơ sở để thực hiện cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng các dịch vụ công có sử dụng ngân sách nhà nước.