Sau 21 ngày làm việc, kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội đã thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật, cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021"; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Theo đó, 6 luật được Quốc hội thông qua, gồm:
Luật Dầu khí (sửa đổi)
Với 472/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94.78% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua luật Dầu khí (sửa đổi).
Luật Dầu khí được sửa đổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn lực (từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước) nhằm xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí, tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn khí tự nhiên, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao và các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí.
Luật gồm 11 chương và 69 điều, trong đó tập trung bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chính sách ưu đãi và chính sách khai thác tận thu đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hoạt động dầu khí; chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,37% tổng số đại biểu. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2023.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả", nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội, cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Luật gồm 6 chương và 56 điều tập trung vào 5 nhóm mới, đó là:
(1) Với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, nhóm đối tượng được áp dụng tương tự.
(2) Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng thể hiện tại các quy định đã được sửa đổi, bổ sung về thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải, tiếp nhận tin báo, tố giác… và bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình" là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình.
(3) Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình.
(4) Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
(5) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc báo cáo Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và bổ sung một số trách nhiệm mới của các bộ, ngành có liên quan cũng như trách nhiệm của Công an xã trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Thanh tra (sửa đổi)
Với 459/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi).
Luật Thanh tra được sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những nội dung mới về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Luật gồm 8 chương và 118 điều, quy định về: mục đích, nguyên tắc hoạt động thanh tra, chức năng của cơ quan thanh tra, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành; thực hiện kết luận thanh tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra và điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Luật gồm có 6 chương, 91 điều quy định về: phạm vi, nguyên tắc và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thực hiện dân chủ ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước).
Ở mỗi loại hình cơ sở, Luật quy định cụ thể những nội dung chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước phải công khai; những nội dung Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia ý kiến, bàn, quyết định, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Với 444/447 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 89,16% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được xây dựng nhằm tiếp tục thể chế chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng cầu thực tiễn.
Luật đã sửa đổi, bổ sung 30 điều, trong đó có 19 điều sửa đổi, bổ sung về nội dung, 9 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 2 điều; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư.
Luật quy định các nhóm vấn đề về: quy hoạch băng tần, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện và chế tài xử lý vi phạm; các khoản thu từ việc sử dụng tần số vô tuyến điện; cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)
Với 483/488 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,99% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023.
Luật Phòng, chống rửa tiền được sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và khắc phục những hạn chế, bất cập sau 10 năm thi hành Luật; thể hiện Việt Nam là thành viên của khu vực cũng như trên thế giới có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Luật gồm 4 chương và 66 điều quy định các nội dung cơ bản về phòng, chống rửa tiền; đánh giá mức độ rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo; cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng, chống rửa tiền; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền.
(Theo VTV)