Trước thực tế ấy, nhiều người hỏi: Nguyên tắc tổ chức của Đảng là gì? đã là đảng viên, nhất là đảng viên ở cương vị lãnh đạo làm sao lại không thuộc lòng nguyên tắc ấy mà còn vi phạm?
Trước hết phải nói rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; Đảng đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp và của dân tộc.
Một đảng cách mạng kiểu mới như vậy tất yếu phải có những nguyên tắc tổ chức chặt chẽ và phải có kỷ luật rất nghiêm minh để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền.
Nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ là: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thiểu số phục tùng đa số; cấp dưới phục tùng cấp trên; là yêu thương đồng chí; kỷ luật nghiêm minh.
Nguyên tắc ấy làm cho Đảng trở thành một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, nhiều người mà như một, đấy là sức mạnh của Đảng. Trước khi vào Đảng, người có nguyện vọng tha thiết muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng đã phải tìm hiểu điều lệ, thấu hiểu mục tiêu lý tưởng và những nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Khi được kết nạp, người ấy giơ tay đọc lời thề trước lá cờ thiêng liêng của Đảng. Vì thế, không thể nói những cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, mắc sai lầm, khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật là họ không thuộc, không nhớ nên vi phạm những nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Trao đổi với ông bạn đảng viên lâu năm cùng sinh hoạt chi bộ, ông phấn khởi, tin tưởng vào những kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực bao nhiêu thì tỏ ra tức giận bấy nhiêu. Ông hỏi lại: Họ thuộc, họ nhớ thế thì tại sao họ vẫn vi phạm?
Tôi trả lời ông: Họ vẫn thuộc, vẫn nhớ, nhưng họ không làm theo vì nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là vì chủ nghĩa cá nhân trong con người anh ta nó to quá. Anh muốn vụ lợi, muốn tham ô, tham nhũng chứ còn vì cái gì nữa, nếu thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ thì anh khó mà vụ lợi, khó mà che giấu được lợi ích nhóm, khó mà tham ô, tham nhũng.
Ông bạn đảng viên lâu năm lại hỏi: Thế thì vì đời sống của anh ta khó khăn ư? Vì đồng lương thấp ư? Tôi tin rằng ông là người hiểu hơn tôi về điều này, nhưng ông vẫn cứ hỏi. Không thể nói là đời sống khó khăn vì đồng lương thấp, lương của anh ta chắc chắn cao hơn nhiều người khác; không ít người đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật là người giàu có hoặc quá giàu là đằng khác.
Ông bạn đảng viên lâu năm của tôi cho rằng, còn có một nguyên nhân nữa không thể không nói đến, đó là nguyên nhân quyền lực. Tôi đồng tình với quan điểm này của ông. Con người ta khi có quyền lực trong tay thường dễ bị tha hóa, lạm dụng quyền lực, coi trời bằng vung, muốn làm gì thì làm, coi thường tập thể, coi thường tổ chức. Họ không hiểu rằng quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn, càng phải nêu gương sáng trước nhân dân.
Quyền lực phải chịu sự giám sát của Đảng, của hệ thống chính trị và của nhân dân. Tổng Bí thư của Đảng từng nói, đại ý rằng trao quyền lực rồi, nhưng phải có cái lồng để nhốt quyền lực. Cái lồng ấy chính là sự giám sát và cơ chế quản lý chặt chẽ, để phát huy tối đa vai trò của quyền lực.
Hải Đường