Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến vào Quy hoạch tổng thể quốc gia

  • Cập nhật: Thứ bảy, 7/1/2023 | 1:42:30 PM

YênBái - Sáng 7/1, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận và đại biểu Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải thay mặt đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến vào dự thảo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái - Khang Thị Mào phát biểu tham luận tại hội trường sáng 7/1.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái - Khang Thị Mào phát biểu tham luận tại hội trường sáng 7/1.


Thống nhất với Hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ trình Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết, trong thời gian qua chúng ta đã lập và tổ chức triển khai thực hiện rất nhiều loại quy hoạch, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá toàn diện và đầy đủ về việc lập và tổ chức triển khai thực hiện hệ thống các quy hoạch trong thời gian qua, trong đó cần tập trung phân tích, đánh giá sâu những kết quả đã đạt được, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở  cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về định hướng phát triển các vùng và liên kết vùng, qua nghiên cứu báo cáo tổng hợp của Chính phủ, đại biểu nhận thấy báo cáo mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng. 

Đại biểu nêu, thời gian qua, vấn đề liên kết vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở hạ tầng, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các vùng về phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, tư duy phối hợp trong quy hoạch và đầu tư giữa các địa phương chưa được quan tâm. Cơ chế, chính sách về liên kết vùng chưa được ban hành đồng bộ, hiệu quả, chưa tạo tạo điều kiện cho thúc đẩy liên kết. Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn khá mờ nhạt, liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương trong một vùng cũng như giữa các vùng với nhau.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng; cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ cho liên kết vùng; có cơ chế điều phối, quản trị vùng, nghiên cứu thành lập quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đồng thời, cần làm rõ mối quan hệ liên kết giữa các vùng với các trung tâm kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, đại biểu cho rằng báo cáo đã có sự phân tích, đánh giá về một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên một số ngành, lĩnh vực đến năm 2030. Tuy nhiên, các mục tiêu, chỉ tiêu đã nêu trong báo cáo chưa đầy đủ, chưa toàn diện, còn thiếu nhiều chỉ tiêu quan trọng, rất khó cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như việc giám sát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch. 

Với phân tích đó, đại biểu Luận đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và dự báo tình hình trong nước, thế giới để xem xét, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển của đất nước, bổ sung thêm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để các địa phương làm căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh; đồng thời làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch.

Về danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, đại biểu Luận nhận thấy hầu hết các dự án đều chưa cụ thể, chưa luận giải được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa, tác động tới các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, liên vùng và quốc gia trong quy hoạch. Việc phân kỳ đầu tư đối với một số dự án chưa hợp lý, giai đoạn thực hiện đầu tư của một số dự án quá dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư. 


 Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận cần đề nghị nghiên cứu, bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng; cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ cho liên kết vùng.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ sở, nguyên tắc, tiêu trí lựa chọn dự án, từ đó rà soát, nghiên cứu, tính toán kỹ danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, đảm bảo các dự án này phải đáp ứng tiêu trí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật, đảm bảo các dự án đưa vào trong quy hoạch phải là các dự án trọng điểm, có tính lan toả, có tác động lớn đến ngành, vùng, liên vùng. Đồng thời cần có dự kiến tổng mức đầu tư và khả năng cấn đối, bố trí nguồn lực cho các dự án; xem xét, tính toán lại việc phân kỳ đầu tư thực hiện các dự án để tăng hiệu quả vốn đầu tư” - đại biểu nêu ý kiến.

Về giải pháp huy động vốn đầu tư, đại biểu Luận cho rằng vốn đầu tư phát triển của giai đoạn này khoảng 48,3 triệu tỷ đồng là con số rất lớn, đạt khoảng 35% GDP. 

Do vậy, Chính phủ cần cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo tính khả thi, nhất là nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước; Chính phủ cần có thêm những phân tích, đánh giá về khả năng cân đối, huy động để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của giai đoạn này; tiếp tục rà soát, đánh giá lại các chương trình, dự án để đảm bảo dự báo đúng, dự báo sát nhu cầu về nguồn lực, từ đó có những giải pháp chiến lược căn cơ, bài bản, khả thi để huy động nguồn lực cho đầu tư, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.

Cùng thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước theo Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị.

Thực hiện một kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách Nhà nước đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp, trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu. Trước mắt bố trí đủ nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp một số hồ, đập bị hư hỏng nặng, bảo đảm an toàn hồ, đập trước mỗi mùa mưa lũ. 

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cần thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, song có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo hướng giảm dần sự bao cấp của Nhà nước.

Đại biểu cũng đề nghị tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; sớm nghiên cứu nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phù hợp với chất lượng từng loại rừng thông qua việc đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật để khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhất là tại các địa phương miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, là nơi có tỷ lệ che phủ rừng cao.

Minh Quang - Hoàng Sâm (lược ghi)

Tags đại biểu kỳ họp bất thường Nguyễn Quốc Luận Khang Thị Mào thảo luận

Các tin khác

Trong ngày làm việc thứ 3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia và việc thực hiện và chuyển tiếp thực hiện một số chính sách chống COVID-19.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 6/1.

Trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội chiều 6/1, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Báo Yên Bái xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn ý kiến thảo luận của đại biểu!

Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 6/1, Đảng bộ huyện Trấn Yên tổ chức Hội nghị lần thứ 20 (mở rộng) để tổng kết, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Nhân dịp đón xuân Quý Mão 2023, sáng 6/1, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị, công tác trực tết và tặng quà cho các hộ gia đình tại huyện Văn Chấn. Cùng đi có lãnh đạo Sở Công Thương, Liên đoàn Lao động tỉnh và huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục