Phát huy vai trò đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/4/2023 | 8:06:36 AM

YênBái - Đội ngũ trí thức Yên Bái hiện có trên 23.000 người, trong đó trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II có 35 người; thạc sĩ, chuyên khoa I là 1.203 người; 15.034 người có trình độ đại học… Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, chủ động, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, cống hiến vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các cán bộ lãnh đạo nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các cán bộ lãnh đạo nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

NÊU CAO VAI TRÒ TIÊN PHONG, THỰC HIỆN SỨ MỆNH VẺ VANG

Những năm qua, tỉnh Yên Bái ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ trí thức, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy vai trò, tích cực nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo và cống hiến. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức, coi đây là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 


Đổi mới cơ chế quản lý gắn với quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm đã thiết thực nâng cao chất lượng, tính năng động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, ngành nghề đào tạo của đội ngũ trí thức từng bước chuẩn hóa, nâng cao. 

Đến ngày 31/12/2021, đội ngũ trí thức Yên Bái có trên 23.000 người, trong đó trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II có 35 người; thạc sĩ, chuyên khoa I là 1.203 người; 15.034 người có trình độ đại học… 

Đội ngũ trí thức đã nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, có nhiều công trình, đề tài, dự án, sáng kiến, giải pháp khoa học và công nghệ được triển khai, áp dụng vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương.



Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái, nay là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao bằng khen cho trí thức trẻ tiêu biểu và thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020. 

Không những tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tự học, tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước. 

Từ năm 2008 đến năm 2020, tỉnh đã cử đi đào tạo theo chính sách thu hút, khuyến khích của tỉnh 3.846 người; đào tạo 8 cán bộ trình độ trên đại học tại nước ngoài; bồi dưỡng chuyên môn cho 114 cán bộ, công chức tại nước ngoài... 

Đặc biệt, Yên Bái ban hành Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/8/2018 về "Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035", đã lựa chọn, đào tạo bài bản 150 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ kế cận dồi dào, chất lượng cho các nhiệm kỳ tiếp theo. 

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm củng cố, kiện toàn các hội trí thức phát triển vững mạnh. Đội ngũ trí thức đã tiên phong, chung sức, nhiệt thành, tâm huyết, đóng góp trí tuệ xây dựng các quyết sách chiến lược, hoàn thiện các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, quy hoạch mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội... của địa phương. 

Văn nghệ sĩ Yên Bái luôn kiên trì đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, kế thừa, vun đắp, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước. Tạo nguồn tiếp nối bền vững, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ, kết nạp hội viên, nhất là lực lượng trẻ được chú trọng quan tâm; chú trọng tổ chức các phong trào, hoạt động chuyên môn và duy trì nhiều mô hình sáng tác, quảng bá, bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác. 

Điều đó tạo môi trường và động lực cho các văn nghệ sĩ say mê, nghiêm túc lao động sáng tạo, phát huy, truyền bá giá trị văn hóa dân tộc và đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 


Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa, con người Yên Bái đã xuất sắc đạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế. 15 năm qua, có trên 200 tập sách của các tác giả đã phản ánh sinh động, chân thực đời sống xã hội, bản sắc văn hóa các dân tộc và giới thiệu, quảng bá sâu đậm về con người, văn hóa, quê hương Yên Bái tươi đẹp. 

Nhiều tác phẩm chất lượng cao đã vinh dự đoạt Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông, tặng thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, UBND tỉnh... 

Hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã truyền cảm hứng, có tác động tích cực trong xã hội. Đặc biệt, thực hiện phương châm "biến di sản thành tài sản”, một số di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn bước đầu khai thác, phát huy hiệu quả gắn với phát triển du lịch địa phương. 

Nỗ lực, đoàn kết, chung sức xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đã thể hiện, khẳng định rõ nét vị trí, vai trò, trách nhiệm. Vận hội mới, thách thức mới của thời kỳ mới đòi hỏi đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Yên Bái tiếp tục nâng cao bản lĩnh, phát huy vai trò tiên phong, bằng tài năng và tâm huyết thực hiện sứ mệnh vẻ vang, cao cả với tình yêu, khát vọng, quyết tâm xây dựng quê hương Yên Bái, đất nước Việt Nam phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CỐNG HIẾN TRI THỨC

Hiện nay, đội ngũ trí thức Yên Bái đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực và luôn làm nòng cốt, chủ trì các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, đội ngũ trí thức tỉnh đã triển khai 367 đề tài, dự án khoa học. Ngoài ra, mỗi năm còn có hàng trăm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. 

Là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu, nhiều năm qua, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp được triển khai đã bám sát vào nhu cầu thực tiễn và định hướng của tỉnh. Đó là vấn đề phát triển tài sản trí tuệ, quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, đặc biệt là đã khẳng định được giá trị và hiệu quả mang lại của 112 dòng, giống cây trồng mới, 16 giống vật nuôi gia súc, gia cầm và 28 giống thủy sản mới phục vụ phát triển kinh tế của các địa phương. 


Cán bộ ngành khoa học và công nghệ tỉnh đánh giá tiến độ triển khai Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP. 

Tiêu biểu như Dự án "Trồng thử nghiệm giống hồng giòn Fuyu MC1 ở huyện Mù Cang Chải” đã nghiên cứu, tuyển chọn giống cây ăn quả mới phù hợp với vùng cao. Sau nhiều năm, thành công của dự án đã trở thành cơ sở khoa học quan trọng giúp huyện Mù Cang Chải xây dựng đề án và từng bước hình thành vùng hồng hàng hóa, quy mô 100 ha, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào. 

Hay việc nghiên cứu kỹ thuật thụ phấn chéo, nhân giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, khai thác và bảo tồn nguồn gen… không những đã "hồi sinh” vùng bưởi Đại Minh đặc sản mà còn là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích vùng bưởi hàng hóa rộng cả nghìn héc-ta như hiện nay. 

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục cũng đã giúp đội ngũ nhà giáo trau dồi, mở rộng kiến thức và vận dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo. Tiêu biểu như thầy giáo Lê Văn Cường, Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình đã nghiên cứu, "biến” kiến thức lịch sử khô khan, khó nhớ thành những tác phẩm thơ lục bát dễ hiểu, dễ nhớ viết về lịch sử, từ lịch sử Việt Nam đến lịch sử thế giới, được học sinh hào hứng đón nhận. Cá nhân thầy Cường và 2 tác phẩm thơ viết về lịch sử của thầy đã 4 lần được Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận. 


Hay cô giáo Nguyễn Thị Oanh - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình đã chủ động nghiên cứu, thiết kế nhiều dự án học tập để tổ chức giảng dạy môn Sinh học theo phương pháp giáo dục mới - STEM, tạo hứng thú học tập và kích thích khả năng sáng tạo cho học sinh. Trong ngành y tế, công tác nghiên cứu khoa học còn trở thành hoạt động thường niên của ngành và là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua của các đơn vị. 

Dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu đã được ứng dụng thành công; đồng thời, cũng đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà, nhận được sự hoan nghênh của đông đảo nhân dân. 

Ngoài ra, đội ngũ trí thức còn tích cực triển khai nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, đã đưa vào ứng dụng thực tế nhiều hệ thống quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh nhà như: hệ thống camera giám sát cơ động qua mạng Internet phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các vị trí trọng điểm, mục tiêu quan trọng; mạng thông tin liên lạc bộ đàm Trung tâm Thông tin Chỉ huy Công an tỉnh phục vụ công tác đảm bảo an ninh chính trị, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu vệ tinh xây dựng hệ thống thông tin thời tiết và cảnh báo thiên tai trên địa bàn các huyện phía Tây...

"THẦY TẠI NHÀ, THUỐC TẠI CHỖ" CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Hội Đông y tỉnh Yên Bái luôn xác định, công tác thừa kế ứng dụng y dược cổ truyền là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giữ gìn tài sản quý giá của nền đông y, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên, nhất là hội viên trẻ. 

Ông Trần Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh cho biết: Hiện nay, Hội có 128 chi hội, với 1.459 hội viên tham gia sinh hoạt. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Hội đã tăng cường xây dựng củng cố mạng lưới tổ chức Hội, thực hiện tốt Luật Khám chữa bệnh (KCB). 

"Bên cạnh đó, Hội chú ý phát triển tổ chức cả về số lượng và chất lượng, các cơ sở KCB, các phòng chẩn trị y học cổ truyền tăng cường bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại. Mặt khác, Hội thường xuyên động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các lương y, các ông lang, bà mế đóng góp những kinh nghiệm hay, những bài thuốc, vị thuốc tốt phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên lĩnh vực y học cổ truyền”. 



Cán bộ y tế Bệnh viện Y học Cổ truyền Yên Bái điều trị cho người bệnh bằng phương pháp châm cứu. 

Với sự hỗ trợ của ngành y tế, các cơ quan hữu quan, Hội thường xuyên phát triển, củng cố mạng lưới tổ chức từ tỉnh xuống các chi hội cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 47 phòng chẩn trị lồng ghép tại cơ sở xã, phường, trong đó có 29 phòng chẩn trị tư nhân, 18 phòng chẩn trị của ông lang, bà mế lồng ghép tại trạm y tế thường xuyên duy trì hoạt động và KCB tại các phòng chẩn trị đảm bảo y đức, Luật KCB và đạt hiệu quả cao. 

Năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có gần 250 nghìn lượt người KCB bằng y học cổ truyền, trong đó có trên 160 nghìn lượt người khám tại cơ sở y tế, trên 43 nghìn lượt người khám tại nhà ông lang, bà mế... Các cấp hội đã vận động những thầy thuốc giàu kinh nghiệm, những lương y trẻ có tâm huyết với nghề nghiên cứu những bài thuốc hay, cây thuốc quý, bài thuốc gia truyền, bài thuốc dân gian có kết quả cao trong điều trị. 

Bên cạnh đó, Hội duy trì thường xuyên các hội thảo thừa kế các bài thuốc tâm đắc tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên... để hội viên trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị. Nhờ đó đến nay, các cấp hội đã tập hợp hàng trăm bài thuốc tâm đắc áp dụng trong điều trị. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội còn gặp không ít những khó khăn như: việc phát triển bảo tồn cây thuốc, bài thuốc ở địa phương của đồng bào các dân tộc còn hạn chế do thói quen chỉ biết khai thác, chưa có ý thức cao để phát triển, bảo tồn nguồn dược liệu vốn có. Mặt khác, người đứng đầu tổ chức cơ sở hội ở huyện, thị, thành phố còn kiêm nhiệm; cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng với nhiệm vụ thường xuyên… 

Ông Trần Quốc Toàn cho biết thêm: "Để phát huy hiệu quả trong công tác KCB cho nhân dân trong thời gian tới, các cấp hội đông y trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác Hội; tiếp tục củng cố tổ chức mạng lưới, phát triển hội viên mới; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kế thừa, nghiên cứu phát huy phát triển đông y; tiếp tục nâng cao chất lượng KCB bằng y học cổ truyền; vận động nhân dân trồng cây thuốc nam và bảo tồn, tái sinh nguồn dược liệu thuốc nam, cây thuốc bản địa…”.

Với quyết tâm vì nền y học cổ truyền của dân tộc, các hội viên Hội Đông y tỉnh Yên Bái luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể để Hội có những đóng góp nhiều hơn trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Trong những năm gần đây, song hành cùng sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước, hoạt động văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Yên Bái đã bám sát thực tiễn để phát hiện, phản ánh đa dạng các đối tượng, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực; các tác phẩm VHNT không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào. 

Có được kết quả trên, là do tỉnh Yên Bái đã bám sát, triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”. Theo đó, những năm qua, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ; đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm VHNT; tổ chức tốt các cuộc thi sáng tác VHNT. 


Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Yên Bái đi thực tế sáng tác. 

 Với nỗ lực đổi mới, những năm qua, Hội Liên hiệp VHNT đã tăng cường các hoạt động trao đổi, sinh hoạt học thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực và chất lượng sáng tác của hội viên. Cấp hội, chi hội tăng cường, làm tốt tập huấn chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, giúp chất lượng sáng tác và hoạt động VHNT khởi sắc. 

Hội cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác VHNT. Thông qua các cuộc thi, giải thưởng ngày càng thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng tham gia, là cơ hội để văn nghệ sĩ thể hiện tài năng và khẳng định mình. 

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp VHNT tổ chức các triển lãm ảnh, mỹ thuật cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc… hay các chi hội thường xuyên tổ chức hoạt động như: Ngày Thơ Việt Nam, Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, Âm nhạc Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam để giới văn nghệ sĩ công bố, giao lưu với công chúng…

Nâng cao chất lượng sáng tác VHNT là một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái đã đề ra. Có nhiều cách làm đã được triển khai để hiện thực hóa Nghị quyết. Với những đổi mới không ngừng, người yêu VHNT trong và ngoài tỉnh ngày càng được đón nhận nhiều hơn những tác phẩm chất lượng từ các văn nghệ sĩ.

Nguyễn Thơm - Thu Hiền - Trần Minh - Hoài Anh

Tags vai trò đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ phát triển kinh tế xã hội Yên Bái y tế giáo dục đông y

Các tin khác
Báo Nhân Dân in thêm 100.000 bản phụ san tranh panorama tặng bạn đọc.

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Sáng 18/5, Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức gặp mặt truyền thống, kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái (18/5/1949-18/5/2024).

Đồng chí Trần Ngọc Luận - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,  Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, tham mưu và phục vụ cấp ủy qua 19 kỳ đại hội, Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái đã luôn nỗ lực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó đã có nhiều đổi mới về công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; cải tiến phương pháp làm việc theo hướng khoa học, hiệu quả, nâng cao chất lượng và phù hợp với yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục