Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương; các ủy ban của Quốc hội; các Bộ, ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia, nhà giáo lão thành, đại diện các cơ sở giáo dục.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở GDĐT, đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Năm học 2022-2023, ngành GDĐT đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Ngành đã tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29.
Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao.
Toàn quốc đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 đảm bảo nghiêm túc và an toàn; kết quả thi bảo đảm khách quan. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào chiều sâu gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.
Với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023-2024, ngành GDĐT tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 .
Yên Bái là tỉnh thứ 18 đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy khẳng định, năm học vừa qua, Yên Bái đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GDĐT, tổ chức lãnh đạo thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ năm học, đạt được nhiều kết quả tích cực; triển khai hiệu quả các nghị quyết, đề án chính sách của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực giáo dục.
Từ đầu nhiệm kỳ nay, Yên Bái đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ, 3 đề án và một bộ chính sách của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng GDĐT, phát triển nguồn nhân lực, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổng kinh phí 1.543 tỷ đồng, đã giải ngân được 1.021 tỷ đồng và hiện đang triển khai rất hiệu quả. Mạng lưới, quy mô trường lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý, hiệu quả đáp ứng yêu cầu. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên.
Năm 2022, Yên Bái là tỉnh thứ 18 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Tỉnh đã chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới bảo đảm đúng lộ trình và yêu cầu. Rà soát sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên phù hợp với yêu cầu đổi mới. Thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, nhất là tại các huyện vùng cao như biệt phái giáo viên tiếng Anh ở vùng thấp lên vùng cao; có chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh công tác tại các huyện vùng cao; nhờ sự hỗ trợ của ngành GDĐT tỉnh Nam Định dạy trực tuyến cho 5/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh; phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm Tiếng Anh theo hình thức cử tuyển ngay tại tỉnh…
Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách của tỉnh hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng; quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học; tiếp tục nhân rộng mô hình "Trường học hạnh phúc”. Đến nay, toàn tỉnh có 288 trường đăng ký và có 165 trường được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc”…
Đề xuất Chính phủ quan tâm biên chế, chính sách đặc thù cho giáo viên địa bàn đặc biệt khó khăn
Đồng chí cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương, đó là tình trạng thiếu giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là các thiết bị tiên tiến hiện đại trong khi công tác mua sắm thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn. Một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối với giáo viên, nhân viên học sinh tại các trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đang rất bất cập.
Đồng chí cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương, bảo đảm định mức theo quy định kèm theo lộ trình tinh giản biên chế; nghiên cứu sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116 năm 2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh, trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại các địa phương.
Nghiên cứu bổ sung các chính sách đãi ngộ hỗ trợ đặc thù đối với giáo viên, nhân viên, học sinh tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú để tạo điều kiện thu hút, tuyển dụng giữ chân giáo viên, nhân viên đang công tác tại địa bàn này.
Nghiên cứu phương án có thể điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tiểu học, đồng thời tiếp tục quan tâm chế độ lương và phụ cấp cho giáo viên.
Đề nghị cho phép các tỉnh miền núi được tuyển giáo viên TH&THCS trình độ cử nhân cao đẳng
Đồng chí cũng kiến nghị Bộ GDĐT và các bộ, ngành Trung ương sửa đổi các thông tư hiện hành quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phù hợp với điều kiện của địa phương và mức độ trang bị cơ sở vật chất.
Có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương và mua sắm thiết bị dạy học, đặc biệt là vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật cho các hoạt động này. Cho phép các tỉnh miền núi được tuyển vào các huyện vùng cao giáo viên TH&THCS theo chuẩn cũ (cử nhân cao đẳng) và có lộ trình học liên thông đại học để đạt chuẩn mới trong thời gian không quá 5 năm. Đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển giáo viên hiện nay, nhất là khu vực miền núi. Xem xét điều chỉnh mức học bổng chính sách, trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên theo hướng dựa trên mức lương cơ sở…
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, GDDT là quốc sách hàng đầu, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách phục vụ phát triển GDĐT nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Đồng chí cũng đã đánh giá cao kết quả toàn ngành GDĐT đạt được trong năm học vừa qua, đặc biệt là kết quả thi tốt nghiệp THPT năm qua có nhiều đổi mới và đạt kết quả cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao; giáo dục ở vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa được quan tâm phát triển…
Trong thời gian tới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đặt ra nhiều thách thức lớn và yêu cầu cấp thiết đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chương trình giáo dục, vai trò của người dạy, cách tiếp cận tri thức của người học cần phải phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng chí đề nghị cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; các cơ chế chính sách phải bám sát thực tiễn; trong quá trình đổi mới phải kế thừa thành tựu và phát huy những nhân tố mới; các giải pháp phải có trọng tâm, trọng điểm. Kiên quyết không để tệ nạn xã hội vào học đường; khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường. Hệ thống sách giáo khoa cần đổi mới đảm bảo chuẩn mực và ổn định phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng đại học, cao đẳng, thường xuyên…
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023 – 2024, đồng chí đề nghị ngành GDĐT cần đảm bảo sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên đáp ứng chất lượng dạy và học; tiếp tục rà soát thể chế, chính sách để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục…
Thanh Ba