Dưới danh nghĩa Đồng minh, ngày 12-9-1945, một lữ đoàn quân Anh đến Sài Gòn giải giáp vũ khí tàn binh Nhật. Núp bóng quân Anh, một đại đội quân Pháp vào Sài Gòn, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đến trước ngày 23-9, tại Sài Gòn, Pháp có một đại đội thuộc Trung đoàn 5 bộ binh thuộc địa (5RIC), tù binh Pháp (bị Nhật giam giữ) mới được thả khoảng 1.400 quân.
Anh có một lữ đoàn khoảng 2.500 quân. Quân Anh, Pháp đưa ra những đòi hỏi hết sức vô lý mà chính quyền cách mạng không thể đáp ứng, như giải tán lực lượng vũ trang, quân Pháp thay thế quân Nhật, thiết quân luật thành phố, cấm hội họp, biểu tình...
Trước tình hình quân Anh và Pháp đe dọa trắng trợn, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ (từ ngày 23-9-1945 đổi tên là Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ), quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn dù rất căm phẫn nhưng hết sức kiềm chế và gấp rút chuẩn bị lực lượng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.
Để tránh sự khiêu khích, xung đột vũ trang do địch gây ra, từ ngày 20-9, các đơn vị vũ trang tập trung tự xưng là Cộng hòa vệ binh và dân quân cách mạng được lệnh rút khỏi nội thành ra vùng ngoại ô; đồng thời, những người già và trẻ em được chuyển từ trong thành phố ra vùng căn cứ, nông thôn.
Sài Gòn-Chợ Lớn được chia thành 5 mặt trận: Mặt trận nội thành và 4 mặt trận xung quanh. Tại mặt trận nội thành, các đơn vị vũ trang gồm 6.000 đoàn viên công đoàn xung phong, 2.000 thanh niên xung phong và công an xung phong được trang bị thêm vũ khí, tổ chức thành 320 đội tự vệ chiến đấu, trang bị 120 súng các loại và vũ khí thô sơ, bố trí tại 16 khu vực tác chiến trọng điểm. Ở các công sở trọng yếu, ta phân công một số đội vũ trang thường xuyên tuần tra, canh gác (theo cuốn "Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945-1975", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr 51-52).
Nhằm ngăn chặn địch mở rộng nống lấn ra vùng ngoại thành Sài Gòn, ta tổ chức 4 mặt trận, mỗi mặt trận bố trí các đơn vị vũ trang tập trung và lực lượng tự vệ trấn giữ, kéo dài từ Thị Nghè, Khánh Hội, cầu Bông đến Rạch Cát, Phú Lâm, cầu Kiệu... tạo thành một thế trận vùng ven bao vây, cô lập quân địch trong nội thành.
Trước đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta đã chủ động chuẩn bị trước một bước về lực lượng vũ trang, tuy trang bị vũ khí còn thô sơ nhưng được tổ chức, bố trí phù hợp ở nội và ngoại thành Sài Gòn, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng đánh địch nếu chúng gây xung đột quân sự.
Từ 0 giờ ngày 23 đến hết ngày 24-9-1945, các đơn vị lực lượng vũ trang ta đã chiến đấu kịp thời, ngăn chặn địch tiến công ở dinh Đốc lý, đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành, trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, gây cho quân Pháp một số thiệt hại.
Tiếp đó, lực lượng vũ trang ta được nhân dân hỗ trợ, lợi dụng những công trình kiến trúc (nhà cửa, cầu cống) của thành phố lớn, những "chiến lũy” được cấp tốc dựng lên, luồn lách, khi ẩn khi hiện dùng cách đánh nhỏ lẻ, bất ngờ giáng trả quân địch. Tiêu biểu như ở cột cờ Thủ Ngữ, tiểu đội bảo vệ của ta chỉ có súng săn, dao găm, lựu đạn nhưng đã chống lại một đại đội quân Anh.
Một đại đội dân quân theo đường Verdun tiến vào trung tâm thành phố, chiếm chợ Bến Thành và tiến ra đại lộ Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), bắn vào các vị trí quân địch. Một số đội tự vệ vượt kênh Tàu Hủ đánh địch ở đường De la Somme (nay là đường Hàm Nghi)... Chỉ trong tuần đầu, quân dân Sài Gòn đã loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch, đốt cháy 138 xí nghiệp và công sở lớn, phá hủy 22 kho tàng, 81 tàu, thuyền, 200 xe hơi, 20 đầu máy xe lửa...
Bước đầu, ta đã ngăn chặn, kìm giữ hiệu quả; địch chỉ chiếm được một số vị trí, công sở chủ yếu, chúng chưa thể mở rộng đánh chiếm ra các nơi khác trong thành phố.
Từ cuối tháng 9 và tháng 10-1945, các lực lượng vũ trang ta thực hiện "trong đánh, ngoài vây”, "trong ngoài cùng đánh”. Tại nội thành, được một số đơn vị vũ trang từ bên ngoài thọc sâu vào phối hợp tác chiến, các đơn vị vũ trang ta chia thành nhiều tổ, đội lợi dụng đêm tối, bí mật vận động tiếp cận, rồi bất ngờ tập kích địch ở đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), Khánh Hội, nhà đèn Chợ Quán, nhà máy rượu... gây cho chúng một số thiệt hại.
Ở vùng ngoại thành, lực lượng vũ trang ta cùng nhân dân bố trí chướng ngại vật, đào chiến hào, lập chiến lũy ngăn chặn địch. Khi chúng nống ra đã bị ta chặn đánh quyết liệt ở cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè, cầu Tân Định, cầu Ông Lãnh... Cùng lúc, Chi đội 3 Giải phóng quân là đơn vị hành quân từ miền Bắc vào tận cửa ngõ Sài Gòn, cùng lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu, lập chiến công oanh liệt ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc.
Sau hơn một tháng chiến đấu, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kìm chân, làm thất bại âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh” của địch, tạo điều kiện cho quân và dân Nam Bộ cũng như cả nước chuẩn bị về mọi mặt để kháng chiến lâu dài.
Thành công đó là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, trực tiếp là Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn đã chủ động tổ chức và bố trí các lực lượng vũ trang tại chỗ phù hợp, hình thành thế trận đánh địch cả ở nội và ngoại thành, phát huy sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang thực hiện "trong đánh, ngoài vây”, "trong ngoài cùng đánh”.
(Theo SGGP)