Năm 2019, Lâm Giang là xã đầu tiên của huyện Văn Yên cán đích nông thôn mới. Sau 4 năm, Lâm Giang tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người tăng 7 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ; thu ngân sách từ 660 triệu đồng năm 2020 tăng lên trên 1,6 tỷ đồng năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ nông, lâm nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Những dấu ấn đó đều có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Đảng bộ xã Vũ Văn Hải - người đầu tàu gương mẫu.
Những ngày tháng 10, chúng tôi trở lại xã vùng cao Lâm Giang sau hơn 4 năm kể từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong ngày vui của Đảng bộ và nhân dân xã Lâm Giang khi đó, đồng chí Vũ Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã vẫn không giấu nổi những lo lắng, rằng sau khi đạt chuẩn NTM rồi, liệu có giữ vững được các tiêu chí hay không. Gặp lại chúng tôi, Bí thư Hải vui mừng chia sẻ: "Lâm Giang thay đổi nhiều lắm, bây giờ đã trở thành trung tâm của các xã khu vực phía Nam huyện Văn Yên. Xã đang phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao ngay trong nhiệm kỳ này”.
Sự khẳng định của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là hoàn toàn có cơ sở, bởi Lâm Giang đã khẳng định được con đường phát triển kinh tế - xã hội dựa vào tiềm năng và thế mạnh địa phương. Trong sự phát triển đó, dấu ấn của Bí thư Đảng ủy xã Vũ Văn Hải là vô cùng rõ nét.
Sinh ra lớn lên và dành cả cuộc đời, sự nghiệp gắn bó với quê hương Lâm Giang, Bí thư Vũ Văn Hải thấu hiểu được những khó khăn cấp thiết cũng như mong mỏi của người dân nơi đây. Ngược thời gian trở lại những năm 2008, khi đó Vũ Văn Hải mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã.
Thời điểm ấy Lâm Giang là một trong những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất huyện Văn Yên, song, đi kèm với tài nguyên rừng là vấn nạn phá rừng diễn ra một cách công khai trong sự bất lực của chính quyền địa phương. Người dân không tin vào chính quyền, họ cho rằng chính những cán bộ xã cùng với kiểm lâm địa bàn "bắt tay bảo kê” cho lâm tặc.
Ông Phùng Văn Quan, thôn Khe Dạo, khi ấy là Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng của thôn, cũng là một trong những người không tin tưởng cán bộ. Điều đó chúng tôi hoàn toàn có thể thông cảm được, bởi lẽ khi có thông tin phá rừng ở Lâm Giang, nhóm phóng viên chúng tôi đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm Văn Yên, xã Lâm Giang tổ chức đi thực tế kiểm tra nạn phá rừng ở đây, ông Quan nhất quyết không đi cùng tuyến đường với đoàn công tác. "Nếu đi theo đoàn, tôi không đi” - ông Quan kiên quyết.
Cuối cùng, chúng tôi thống nhất tách làm 2 đoàn, một phóng viên đi cùng đoàn công tác và đoàn còn lại có tôi, ông Quan và đồng chí Khánh là cán bộ địa chính xã. Kết quả đúng như dự đoán của ông Quan, sau 1 ngày đi xuyên rừng trở về, đoàn công tác hoàn toàn không phát hiện một điểm phá rừng nào. Còn đoàn chúng tôi với ông Quan phát hiện cả chục điểm xẻ gỗ vẫn còn thơm mùi mùn cưa, phát hiện điểm tập kết hàng chục khối gỗ đã xẻ tại điểm giáp ranh với huyện Bảo Yên, Lào Cai. Có những cây gỗ đường kính 1,5m thẳng tắp bị chặt hạ.
Về đến UBND xã đã hơn 20 giờ tối, mặc dù rất mệt mỏi nhưng chúng tôi cũng chia sẻ thẳng thắn ngay với anh Hải - lúc bấy giờ đang là Chủ tịch UBND xã về vấn nạn phá rừng. Anh Hải hứa sẽ kiên quyết ngăn chặn triệt để nạn phá rừng. Chúng tôi cũng đặt niềm tin nơi anh. Lý do rất đơn giản, vì anh Hải là người đã nhận 3 đứa con nuôi có hoàn cánh khó khăn ở xã, lo cho ăn học đầy đủ.
Một người tốt, lo lắng giúp đỡ chính người dân của mình thì không có lý do gì để người dân không tin tưởng. Sau đó 1 năm, thi thoảng ông Quan có gọi cho tôi thông tin về công tác bảo vệ rừng của thôn (cứ khi nào có hiện tượng phá rừng là ông Quan gọi).
Rồi những cuộc gọi của ông Quan thưa dần theo thời gian. Bẵng đi 15 năm, tôi nhận được cuộc gọi bất ngờ của ông, nhưng không phải là những cuộc gọi phản ánh nạn phá rừng như trước đây mà là lời mời của ông về thăm xã, thăm bản, bởi đây là lần thứ 2 ông được xã mời tham gia làm trưởng thôn. Càng bất ngờ hơn, người anh trai của ông Quan - ông Tiến, trước đây cũng là người phá rừng nhất nhì ở thôn, thường xuyên xích mích với ông Quan xung quanh lợi ích từ rừng thì nay cũng đã là Bí thư Chi bộ thôn Khe Dạo.
Ông Vũ Văn Hải (người đứng giữa) tham gia lao động vệ sinh môi trường cùng người dân trong xã.
Xây dựng được sự đoàn kết, tin tưởng từ người dân xuất phát từ việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, việc đầu tiên ông Vũ Văn Hải làm cho dân đó là tăng cường bảo vệ rừng, dẹp yên nạn phá rừng tự nhiên, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào cán bộ, vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Giải pháp đột phá khi đó của Đảng bộ xã Lâm Giang chính là dựa vào các tổ quản lý bảo vệ rừng ở thôn, bản. Trong đó, sử dụng con người chính là những người trước đây đã từng là người phá rừng nhiều nhất.
"Trước đây, họ phá rừng nhiều nhất, nay chính họ là người tích cực nhất bảo vệ rừng, bởi họ biết rõ ai là người chủ mưu, đầu nậu gỗ, từ đó có phương án tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Quan trọng nhất bây giờ họ đã nhận thức được lợi ích của rừng, rừng cung cấp nguồn nước, phòng chống thiên tai, rừng cũng tạo sinh kế cho chính bản thân, gia đình họ.” - ông Hải khẳng định.
Qua 15 năm, thực tiễn đã chứng minh đó là cách làm đúng, nạn phá rừng được ngăn chặn, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên, người dân tin tưởng hoàn toàn vào cán bộ. Đây chính là cơ sở quan trọng để Lâm Giang triển khai các nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vào cuộc sống, từng bước đưa Lâm Gíang về đích xã NTM đầu tiên của huyện.
Tăng cường và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong giai đoạn cách mạng mới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng cần phải nêu gương, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ở xã vùng cao Lâm Giang, huyện Văn Yên, người đứng đầu cấp ủy đã phát huy tốt vai trò nêu gương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Đánh giá về vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng bộ, ông Phùng Văn Quan - Trưởng thôn Khe Dạo chia sẻ: "Tổ Bảo vệ rừng của thôn có 42 người, chia làm 3 đội, phối hợp với UBND xã, kiểm lâm địa bàn thường xuyên tổ chức tuần tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời đối tượng phá rừng. Những đối tượng vi phạm được xã xử lý nghiêm khắc, không bao che, dung túng đã góp phần dăn đe, từ đó nâng cao ý thức người dân.”
Những việc làm cụ thể, thiết thực của Đảng bộ xã được người dân ghi nhận, lòng tin vào cán bộ, tin vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương cứ nhân lên lớn dần trong lòng nhân dân. Từ đây, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương triển khai phát huy hiệu quả, đời sống của người dân từng bước thay đổi.
Anh Dũng
Bài cuối: Nêu gương bằng việc làm cụ thể