Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Quốc Luận: Thống nhất cao với các nội dung dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Tham giao thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Quốc Luận cơ bản thống nhất cao với các nội dung dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội và Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham gia ý kiến về quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ của các địa phương, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 42 trong dự thảo Luật quy định: "HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất…”, đại biểu cho rằng, quy định địa phương phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư là không cần thiết.
Thứ nhất, tại khoản 2, Điều 44 đã quy định: "Tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Quy định này cũng tương tự như việc Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc tại các trụ sở; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác; các địa phương căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý sử dụng; các bộ, ngành chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra theo cơ chế "hậu kiểm”, không cần phải cho ý kiến thống nhất trước khi địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thứ hai, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 42 nêu trên cũng không thống nhất với các trường hợp địa phương thực hiện dự án mua hoặc thuê nhà ở thương mại để làm nhà công vụ được quy định tại Điều 43, khi đó địa phương không phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thứ ba, nhiều địa phương có các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ luân chuyển, biệt phái đến làm việc tại các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; nhiều dự án trong số này có quy mô nhỏ, bao gồm một vài căn nhà cấp 3 (thậm chí là cấp 4), không có trang bị nội thất. Việc phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng đối với các dự án này là thực sự không cần thiết.
"Vì các lý do trên, tôi đề nghị lược bỏ nội dung xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 42 nói trên để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm kéo dài thời gian thực hiện và gây khó khăn cho các địa phương” - đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết.
Tham gia ý kiến về nội dung phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân (người dân hay gọi là chung cư mini), quy định tại Điều 57 của dự thảo Luật, đại biểu Luận ủng hộ việc bổ sung, hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở này, vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản, linh hoạt. Thực tế, ngay tại các nước phát triển hiện vẫn duy trì loại hình nhà ở này.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các quy định chưa thật đầy đủ và đang tiếp cận theo hướng ứng xử như đối với trường hợp phát triển dự án nhà ở thương mại (trừ trường hợp xây dựng tòa nhà có dưới 20 căn hộ chỉ để cho thuê), đồng thời quản lý sử dụng như nhà chung cư. Quy định như vậy chưa thực sự phù hợp và rất khó khả thi.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị: "Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điều này theo hướng: Nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát về quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng; tiêu chuẩn chất lượng; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ; quá trình giao dịch, quản lý sử dụng không phát sinh tranh chấp".
Đồng thời, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này. Trong trường hợp dự thảo Luật chưa thể nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các quy định, thì có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình nhà ở này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận, quản lý sử dụng.
Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Quốc Luận cũng tham gia ý kiến về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân quy định tại Khoản 4 Điều 80 của dự thảo Luật .
Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào: Hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số
Đại biểu Khang Thị Mào tham gia ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tham gia ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Khang Thị Mào cho biết: Dự thảo Luật đã thể chế hóa nội dung 4 chính sách lớn được Quốc hội thông qua gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác. Luật này hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Thống nhất quản lý tài nguyên nước theo một chu trình, từ điều tra đánh giá tổng thể trữ lượng, quy hoạch, bảo vệ, bổ cập, phát triển tài nguyên nước đến điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Khang Thị Mào tham gia hai nội dung:
Thứ nhất: Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), tại Khoản 2 có quy định: "Cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất”, đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập, bởi hiện nay ở một số khu vực nông thôn chưa có công trình thu gom, xử lý nước thải, quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là khó khả thi. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm nội dung: "Đưa các loài sinh vật thủy sinh ngoại lai nhập khẩu từ nước ngoài, các loài sinh vật mới chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch” và "Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật có liên quan” vào nội dung các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 của dự án Luật. Đồng thời bố sung thêm việc xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra để dự thảo Luật đầy đủ hơn.
Thứ hai, về kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 52), đại biểu cho biết, tại Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã quy định các dự án xây dựng công trình sử dụng tài nguyên nước phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức liên quan.
Như vậy, với quy định về việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan khi đầu tư xây dựng công trình khai thác tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn theo Khoản 8, Điều 52 của dự thảo Luật lần này dẫn đến nguy cơ dự án phải thực hiện 2 lần công tác lấy ý kiến, hoặc thực hiện 1 lần nhưng lại phải có hai bộ hồ sơ, gây tốn kém về thời gian, chi phí làm thủ tục hành chính. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, chỉnh sửa để có sự thống nhất giữa các luật.
Mạnh Cường - Hoàng Sâm