1. Ph.Ăngghen sinh ra ở thành phố Barmen, Vương quốc Phổ (nước Đức ngày nay) trong một gia đình là chủ xưởng dệt. Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, ông đã sớm bộc lộ tài năng và thiên hướng nghiên cứu lịch sử, chính trị, triết học thay vì trở thành thương nhân như gia đình mong muốn.
Năm 14 tuổi, Ph.Ăngghen học tại thành phố Barmen. Tháng 10-1834, Ăngghen chuyển sang học ở Trường Trung học Elberfelder, một trường tốt nhất ở Phổ thời bấy giờ. Ngay khi còn học ở trường trung học, Ph.Ăngghen đã căm thù chế độ chuyên chế và sự chuyên quyền của bọn quan lại. Những tâm trạng đối lập với chế độ chuyên chế Phổ đã góp phần thức tỉnh rất sớm ý thức chính trị ở Ph.Ăngghen.
Từ bỏ vị trí xuất thân của mình, Ph.Ăngghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân. Ông quan sát, cảm nhận trực tiếp nhu cầu bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội tư bản và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản, đó là giai cấp công nhân.
Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen không chỉ phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, như V.I.Lênin đánh giá là "điểm trọng yếu trong học thuyết Mác”, mà còn góp phần chỉ rõ vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân.
Dấu ấn nổi bật là Ph.Ăngghen cùng C.Mác viết "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” năm 1848. Đây là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh thực hiện sự nghiệp giải phóng.
Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng, Ph.Ăngghen có nhiều cống hiến to lớn đối với chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Đặc biệt, ông cùng với C.Mác sáng tạo ra một học thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác; chỉ ra quy luật vận động của lịch sử, cung cấp cho loài người một cách nhìn mới mẻ, nhận thức khoa học để cải tạo thế giới.
Khi đánh giá công lao to lớn của Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, V.I.Lênin viết: "Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác và Ph.Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Ph.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.
2. Hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã lãnh đạo đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta cũng đã chỉ rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là "bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Nội hàm của việc "bỏ qua” này được Đảng ta chỉ rõ như sau: "Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng kinh tế hiện đại. Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo sự biến đổi về chất của xã hội trên các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ”.
Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, một mặt chúng ta phải luôn vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và quan điểm của Ph.Ăngghen nói riêng vào thực tiễn nước ta. Mặt khác, chúng ta cũng phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đó là cách thức hiệu quả để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay.
(Theo HNMO)