Rút bảo hiểm xã hội một lần - từ bỏ chỗ dựa khi về già

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/12/2023 | 7:50:01 AM

YênBái - Trước thực trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, ngành lao động - thương binh và xã hội, đặc biệt là cơ quan BHXH và các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động khắc phục khó khăn bảo lưu BHXH và tiếp tục đóng, tránh thiệt thòi, bảo đảm quyền lợi của bản thân ngay trước mắt cũng như khi về già. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội, làm nền tảng cho công cuộc phát triển đất nước. Dù vậy, số người rút BHXH vẫn tiếp tục gia tăng.

Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người lao động thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện được đóng tiếp.
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người lao động thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện được đóng tiếp.

Chị Phan Thị Thu Thảo sinh năm 1993 ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đến cơ quan BHXH xin được rút BHXH một lần. Vẻ ngập ngừng, chị đề nghị với cán bộ BHXH: "Nhờ chị làm thủ tục cho tôi rút. Tôi cần tiền để chi dùng mà không biết kiếm đâu ra”. 

Thấy vậy, cán bộ BHXH ân cần: "Cuộc sống khó khăn quá hả bạn? Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ hướng dẫn để bạn làm thủ tục rút nhưng bạn hãy suy nghĩ cho kỹ! Bạn đã tham gia BHXH được 10 năm rồi nên cố gắng tiếp tục, sau này có đồng lương hưu làm chỗ dựa. Giờ còn sức khỏe, còn cơ hội thì nên khắc phục, rút ra là mất cơ hội đấy...”. 

Được tư vấn, chị Thảo đã không rút nữa mà xin bảo lưu lại quá trình đóng BHXH của mình. Đáng tiếc là không phải người lao động nào cũng có quyết định đúng như chị Thảo! Thực tế có rất nhiều người, vì nhiều lý do đã xin rút BHXH một lần, đồng nghĩa với việc bỏ đi chỗ dựa khi hết tuổi lao động. Các nhà xã hội học đã có câu nói "Không có BHXH, cuộc sống chẳng khác nào cầu thang không có tay vịn”.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là từ đợt dịch thứ 4 năm 2021, nên số người lao động bị thất nghiệp gia tăng làm cho nhiều người lâm vào tình trạng mất thu nhập, không có đủ kinh phí để duy trì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình; ốm đau, bệnh tật không có tiền mua thuốc và khám, chữa bệnh… 

Cùng với đó, một số người chạy theo dư luận, vội vàng rút BHXH một lần vì cho rằng, từ tháng 7/2025, khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành, cơ hội rút BHXH một lần sẽ hạn chế hơn so với quy định cũ… Từ đó, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động đã làm hồ sơ xin thanh toán BHXH một lần. 

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 10 tháng năm 2023, cả nước giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.

BHXH tại Việt Nam là một chính sách an sinh do cơ quan BHXH Việt Nam triển khai tổ chức và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Khoản 1 điều 3, Luật BHXH, ban hành ngày 20/11/2014 quy định: "BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”. 

Như vậy, có thể thấy, BHXH là một trong những chính sách an sinh hữu ích đối với người tham gia, do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện dựa trên các văn bản pháp lý. Trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH, người tham gia sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập chính do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động. 

Có lẽ bất kỳ ai cũng hiểu rằng, khi mất sức lao động hoặc hết tuổi lao động mà có đồng lương hàng tháng, dù chỉ vài ba triệu đồng thì cuộc sống sẽ an nhàn, thanh thản, không phải dựa dẫm, nhờ cậy; ngược lại, không có lương hưu hàng tháng, cuộc sống sẽ bấp bênh. Vì thế, khi còn sức khỏe, tuổi còn trẻ được tham gia BHXH thực sự là cơ hội, là cứu cánh khi về già! Chuyện một người buộc lòng phải rút BHXH để trang trải cuộc sống thật cực chẳng đã. 

Tuy nhiên, không ít trường hợp, rút BHXH một lần chỉ phục vụ cho việc chi tiêu cá nhân, không thật sự quá cấp thiết và như vậy là rất lãng phí, bỏ đi cơ hội lớn và chịu rất nhiều thiệt thòi. 

Các chuyên gia về BHXH đã chỉ ra những thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Chưa kể, lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng). 

Ngoài ra, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người. 

Bên cạnh đó, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Thêm nữa, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. 


BHXH là chính sách an sinh xã hội, vì người lao động. 

Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. 

Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. 

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần thì người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014…

Trước thực trạng rút BHXH một lần, ngành lao động - thương binh và xã hội, đặc biệt là cơ quan BHXH và các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động khắc phục khó khăn bảo lưu BHXH và tiếp tục đóng, tránh thiệt thòi, bảo đảm quyền lợi của bản thân ngay trước mắt cũng như khi về già, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội, làm nền tảng cho công cuộc phát triển đất nước. Dù vậy, số người rút BHXH vẫn tiếp tục gia tăng như nói ở trên. 

Yên Bái cũng không phải là ngoại lệ, theo số liệu thống kê, trong những năm vừa qua, số người đến cơ quan BHXH tỉnh làm hồ sơ rút BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, năm 2022 tăng 11%, so với năm 2021 và tăng 45,2% so với năm 2019. Hiện chưa có con số chính thức số người lao động rút BHXH một lần 10 tháng năm 2023. Tuy nhiên, số trường hợp, tổng số tiền đã thanh toán là không hề nhỏ và không hề giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Cùng với BHXH, số người từ chối mua BHYT tại nhiều địa phương cũng giảm, nguyên nhân chính vẫn là đời sống, thu nhập khó khăn, nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, người dân không còn được Chính phủ cấp thẻ BHYT miễn phí nên đã không tiếp tục tham gia, không loại trừ một tỷ lệ lớn người dân quen trông chờ ỷ lại!

Chúng tôi về Trấn Yên, huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Trên lĩnh vực BHXH, mấy năm qua, huyện cũng đạt nhiều thành tích rất tốt trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Dù vậy, số người xin rút BHXH một lần cũng không hề ít. Nhờ sợ nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên BHXH huyện, tình trạng này đã có dấu hiệu thuyên giảm dần. 

Giám đốc BHXH huyện Trấn Yên Trần Văn Hải cho biết: Năm 2022, tổng số người thanh toán BHXH 1 lần trên địa bàn huyện là 566 người với số tiền là trên 15 tỷ đồng. 10 tháng năm 2023, số người thanh toán BHXH 1 lần là 626 người với số tiền trên 13,9 tỷ đồng. Với trách nhiệm và luôn đặt quyền lợi của người lao động lên trên hết, cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại BHXH huyện Trấn Yên đã thông qua bằng nhiều hình thức như: tư vấn, thuyết phục người lao động thay đổi quyết định hưởng BHXH một lần; phát các tờ rơi, tờ gấp, tài liệu truyền thông về lợi ích hưởng lương hưu hàng tháng, những thiệt thòi khi người lao động đến đăng ký nhận BHXH một lần. 

Viên chức BHXH luôn nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn, phân tích và giải đáp tất cả các thắc mắc, băn khoăn cho người lao động đã tham gia BHXH; nêu rõ những thiệt thòi nếu thanh toán BHXH một lần, đặc biệt đối với những trường hợp có số năm đóng BHXH khá dài (trên 10 năm), người hết tuổi lao động cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ đề nghị thanh toán nhận BHXH 1 lần. Đồng thời, phổ biến rõ hiện nay, người lao động có nhiều sự lựa chọn như: bảo lưu thời gian đóng hoặc chuyển sang hình thức đóng BHXH tự nguyện…

Chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế và người lao động; chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHXH, bình tĩnh, cố gắng vượt qua khó khăn, duy trì BHXH vì tương lai, vì cuộc sống lâu dài, nhất là khi tuổi cao, sức yếu… bằng nhiều hình thức. Trong đó, đặc biệt coi trọng đến việc tuyên truyền miệng (vận động, tuyên truyền trực tiếp cho đối tượng đến làm thủ tục rút BHXH một lần)… Đó là những gì mà đội ngũ cán bộ ngành BHXH đã và đang làm. Thêm một đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, thêm một người lao động gặp khó khăn nhưng đã khắc phục, bảo lưu BHXH mà không rút tiền về giải quyết các khoản chi tiêu trước mắt… là thêm một niềm vui vì mục tiêu an sinh xã hội.

 Lê Phiên

Tags Yên Bái bảo hiểm xã hội lao động - thương binh và xã hội người lao động

Các tin khác
Học sinh Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hải Phòng) khai giảng năm học 2023-2024.

Công đoàn Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, từ 2 đến 5/9 hàng năm để công nhân có cơ hội đưa con tới trường.

Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Dức Duy tiếp xúc cử tri thành phố Yên Bái/ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào các dự luật của Quốc hội/ Đảng ủy Quân sự tỉnh ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ năm 2024/ Họp đánh giá công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh/ UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ tháng cuối năm/ Tổng kết công tác quân sự - quốc phòng, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2023/ Khai mạc Chương trình du lịch "Về miền Đất Ngọc" năm 2023/ Khởi động Chương trình Tình nguyện mùa Đông 2023 và Xuân tình nguyện 2024... là những sự kiện nổi bật trên địa bàn tỉnh tuần qua.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội.

Sau 3 ngày làm việc (1-3/12/2023), với tinh thần phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, trách nhiệm cao, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ông Nguyễn Đình Khang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ quyết tâm chuyển đổi xanh của Việt Nam qua cam kết mạnh mẽ tại COP26, tham gia JETP, triển khai các quy hoạch, đề án, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng; bày tỏ sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm với các nước G77.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục