Theo ông Tăng Thành Công - Bí thư Đảng ủy xã Hán Đà, 75 năm qua, từ một chi bộ nhỏ với 5 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã đã có 14 chi bộ trực thuộc với 198 đảng viên. Đảng bộ luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lãnh đạo nhân dân trong xã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, trong đó lấy nông nghiệp làm nền tảng. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm tăng 5 - 6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62 triệu đồng/năm.
Toàn xã có 160,2 ha chè đạt năng suất từ 10 đến 12 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 14 đến 16 tỷ đồng mỗi năm. Diện tích cây ăn quả có 175,6 ha, chủ yếu là cây bưởi Đại Minh, bưởi Diễn...
Xã phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, hình thức trang trại nhỏ khai thác tối đa diện tích 600 ha mặt nước hồ Thác Bà và 22,2 ha đầm ao để nuôi trồng thủy sản. Hiện xã có 22 xưởng chế biến, 2 hợp tác xã thu hút hàng năm trên 400 lao động có việc làm ổn định.
Lãnh đạo Đảng ủy xã Hán Đà trao hỗ trợ làm nhà cho người nghèo tại địa phương.
Hán Đà cũng là xã đầu tiên của huyện Yên Bình về đích nông thôn mới, vào tháng 11/2016, trước 4 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Tháng 10/2021, xã Hán Đà tiếp tục được công nhận xã chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với phương châm "xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm cuối", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã và đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để năm 2024 Hán Đà đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được 37,5 km đường liên thôn liên xóm. Nhân dân chủ động hiến đất, vật tư, giải phóng mặt bằng để triển khai công trình Nhà máy thủy điện Thác Bà 2. Toàn xã hiện có 1.184 nhà xây kiên cố, 77 nhà gỗ đẹp và không còn nhà tạm, nhà dột nát; 1260/1261 hộ có phương tiện nghe nhìn, cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương và kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Người dân chủ động phương tiện giao thông phục vụ việc đi lại, lao động sản xuất.
Cùng với đó, Hán Đà luôn là điểm sáng của sự nghiệp giáo dục của huyện và tỉnh. Các trường học của Hán Đà được huyện, tỉnh chọn là điểm tham quan và học tập trong và ngoài tỉnh. Đội ngũ các thầy cô giáo đều đạt chuẩn theo yêu cầu đề ra, học sinh giỏi cấp huyện cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, xã có 8 người có học vị cao cấp, 3 tiến sỹ, 142 đại học, 84 cao đẳng. Nhiều học sinh trưởng thành từ trường Hán Đà đã đảm nhiệm nhiều vị trí trọng trách trong cơ quan Đảng, Nhà nước như: Trung tướng Phạm Đức Duyên - Chính ủy Quân khu 2; Thiếu tướng Hoàng Ngọc Thành - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai; cố Tiến sĩ, Đại tá Dược học Phạm Xuân Trường...
Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình trao chứng nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 cho thôn Tiên Phong, xã Hán Đà.
Toàn xã hiện có 12 chi hội khuyến học với 1.976 hội viên tham gia. Hàng năm, xã thường tổ chức vinh danh các học sinh, các thầy cô giáo có thành tích trong dạy và học. Xã cũng là địa phương đầu tiên của huyện Yên Bình hình thành Trung tâm Học tập cộng đồng và thường xuyên tổ chức 40 - 45 lớp học, với trên 1.200 buổi tập huấn, thu hút trên 10 nghìn lượt người trong ngoài xã, huyện và tỉnh tham gia học tập. Trung tâm đã được tặng 5 bằng khen của các cấp Trung ương và nhiều bằng khen của tỉnh, huyện và là trung tâm duy nhất của cả nước được tặng giải thưởng Khuyến học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Trung ương (2023).
Người dân xã Hán Đà phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ cây chè, cây bưởi...
Trải qua 75 năm, qua 6 lần đại hội chi bộ và 23 lần đại hội Đảng bộ, Đảng bộ xã Hán Đà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ông Tăng Thành Công - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: "Đảng bộ sẽ luôn cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương, phát huy trí tuệ của đảng viên và nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Coi trọng việc củng cố chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách dân tộc, tôn giáo phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân nỗ lực vươn lên trong mọi lĩnh vực công tác, công việc của địa phương.
Đảng bộ tiếp tục chú trọng xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; lãnh đạo xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, đảm bảo ổn định chính trị và an toàn xã hội. Việc xây dựng các chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội căn cứ tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số vào lao động sản xuất tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
Tự hào truyền thống 75 năm, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong xã Hán Đà hôm nay sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đem trí tuệ và nhiệt huyết đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Xã Hán Đà xưa có tên gọi là xã Hán Sài, thời Pháp thuộc có tên gọi là Hán Đà. Tháng 6/1945, xã có tên là xã Mỹ Thiện thuộc tỉnh Tuyên Quang. Đầu năm 1947, xã chuyển về thuộc huyện Đoan Hùng, hợp nhất với xã Thái Giáp (Đại Minh hiện nay), đổi tên thành xã Bình Xuyên (từ ngã ba Cát Lem lên đến Nhà máy Thủy điện Thác Bà hiện nay). Năm 1954, xã tách ra khỏi xã Thái Giáp (xã Đại Minh hiện nay) thành xã Bình Xuyên mới (gồm Hán Đà và Thác Bà).
Sau khi tách xã Bình Xuyên (gồm Hán Đà và thị trấn Thác Bà hiện nay), năm 1963, xã chuyển về thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, xã Bình Xuyên lấy lại tên cũ là Hán Đà. Tháng 8/1977, thành lập thị trấn Thác Bà và xã Hán Đà, ranh giới là địa danh Lô Đá ( gần bến Hiên), hình thành xã Hán Đà đến ngày nay.
|
Văn Dương