Là cơ sở đào tạo lý luận chính trị của tỉnh Yên Bái, trung bình mỗi năm, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái mở từ 4 đến 6 lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung và không tập trung cho hàng trăm học viên là cán bộ đương chức hoặc quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn cũng như ban, sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong chương trình giảng dạy, nhà trường đã chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với trình độ của các đối tượng học viên, để khi tốt nghiệp trở về địa phương sẽ áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Luyến, học viên lớp Trung cấp Lý luận Chính trị A35 chia sẻ, sau chương trình trung cấp lý luận chính trị, chị có thể vận dụng, phát huy hoàn toàn những kiến thức đã được học trong công tác của mình.
Còn anh Sùng A Thông, học viên lớp Trung cấp Lý luận Chính trị A35, cho rằng, những lớp trung cấp lý luận chính trị như thế này rất quan trọng đối với anh, các kiến thức học được có thể áp dụng rất nhiều trong thực tế, từ đó mỗi học viên có thể vận dụng hài hòa với nhu cầu thực tế tại địa phương.
Bà Lê Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cho biết, trong công tác đào tạo, nhà trường xác định phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ sở. Thông qua đó, không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp luận khoa học, mà còn gắn với nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn công tác của từng học viên.
"Trong quá trình giảng dạy, nhà trường chỉ đạo các giảng viên luôn phải cập nhập những thông tin, kiến thức mới, nhất là những các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh vào giảng dạy cho phù hợp với từng nội dung của bài giảng và qua quá trình nghiên cứu thực tế, học viên sẽ nắm bắt được mô hình hay, cách làm sáng tạo...", bà Lê Thị Huệ thông tin thêm.
Sau đào tạo, các cán bộ đều trưởng thành, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Sau đào tạo, nhiều cán bộ đã phát huy tốt năng lực, sở trường tại nơi công tác. Anh Nguyễn Văn Toán, công chức văn hóa – xã hội xã Phan Thanh, huyện Lục Yên là một ví dụ. Quá trình học tập, anh Toán luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, bám sát nhiệm vụ được giao, tìm hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân, từ đó đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã về hỗ trợ cho những đối tượng được hưởng các chính sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định, trong đó có chính sách làm nhà cho hộ nghèo và cận nghèo có khó khăn về nhà ở...
"Được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng cử đi đào tạo, từ đó tôi có cơ hội để cống hiến, góp phần giúp địa phương hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị", anh Toán bày tỏ.
Trung ương Đảng luôn nhấn mạnh: "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Quán triệt nghiêm túc quan điểm đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035". Sau 5 năm triển khai thực hiện, Đề án này được xem là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh. Nhiều cán bộ sau khi được tuyển chọn và cử đào tạo tại các lớp ngắn hạn về quản lý, kỹ năng lãnh đạo, khi được cấp ủy quan tâm điều động, bổ nhiệm vào vị trí công tác mới đã phát huy năng lực, sở trường, ứng dụng hiệu quả lý luận vào thực tiễn.
Bà Phạm Thị Mơ, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Yên Bái là một trong số các học viên của Đề án. Năm 2020, bà Mơ ược điều động, bổ nhiệm về giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Nam Cường, đến đầu năm 2023 tiếp tục được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thái Học. Dù ở môi trường công tác nào, nữ Bí thư Đảng ủy này luôn làm tốt vai trò của người đứng đầu, toàn tâm, toàn ý xây dựng tinh thần đoàn kết từ trong nội bộ, tạo niềm tin trong nhân dân, từ đó đưa địa phương ngày càng phát triển.
"Tôi luôn xác định nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn, không ngại đổi mới, làm sao đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất, tích cực nhất, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà cấp trên giao...", bà Phạm Thị Mơ chia sẻ.
Từ 2018 đến nay, tỉnh Yên Bái đã tuyển chọn được 210 cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia Đề án 11. Với sự năng động, nhiệt huyết cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, số cán bộ này đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Quan tâm xây dựng phương án quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ tại chỗ kết hợp với điều động, luân chuyển, biệt phái, tăng cường đi cơ sở nhằm tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, đồng thời rèn luyện kĩ năng lãnh đạo quản lý qua thực tiễn công tác. Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, triển vọng phát triển để có phương án quản lý, sử dụng cán bộ trong thời gian tiếp theo".
Qua hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết 37, ngày 20/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030” đã có trên 5.700 lượt cấp ủy viên cấp cơ sở và cấp trên cơ sở được cử đi đào tạo, bồi dưỡng....
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Thấm nhuần tư tưởng của người, Yên Bái đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, qua đó có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.