Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái .
Phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam”
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thế giới trải qua nhiều biến động, phức tạp, tác động nhiều chiều đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam”, vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược và ứng xử, linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên cường, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ngành ngoại giao đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, cùng các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế; nhờ đó đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam lên tầm cao mới trên trường quốc tế.
Tham luận tại Hội nghị, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ, ngành và địa phương đã chia sẻ thông tin về triển vọng tăng trưởng kinh tế của thế giới; thúc đẩy quan hệ kinh tế với các đối tác trên thế giới; đề xuất những lĩnh vực cần quan hệ ngoại giao trong thời gian tới…
Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua có nhiều thành tựu, nổi bật là tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về ngoại giao kinh tế; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm huy động nguồn lực bên trong và thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như: khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19...; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển...
Chính phủ ghi nhận và biểu dương những thành tựu ngoại giao kinh tế trong công tác đối ngoại thời gian qua. Những kết quả đạt được là nhờ đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng; phát huy truyền thống của ngành ngoại giao; có sự phối hợp giữa các bộ, ngành...
Phân tích về những bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được là nhờ đã chúng ta đã đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên cao nhất, đồng thời hài hòa giữa lợi ích, rủi ro về ngoại giao kinh tế; phản ứng chính sách nhanh, kịp thời; các biện pháp ngoại giao thực tiễn, hiệu quả, chân thành; bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao có tâm, có tầm...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bám sát xu thế, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác và phải tổ chức thực hiện hiệu quả. Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế. Phát huy tính tự lực tự cường của dân tộc. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ...