Đặc biệt, cuộc "Tổng tuyển cử” đã để lại những giá trị, những kinh nghiệm quý báu cho công tác bầu cử Quốc hội cũng như đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới.
Thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta đã thiết lập Nhà nước dân chủ nhân dân (ngày 2-9-1945) đầu tiên trên đất nước ta và trong khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu phải phát huy vai trò dân chủ trong xã hội, vai trò làm chủ của nhân dân. Bầu cử Quốc hội là hình thức thể hiện quyền làm chủ thực chất của người dân, lựa chọn ra bộ máy nhà nước để quản lý đất nước, quản lý xã hội.
Thấy rõ được tầm quan trọng đó, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Bác Hồ nêu rõ phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc "Tổng tuyển cử” để bầu ra Quốc hội, lập Chính phủ chính thức, soạn thảo Hiến pháp. Ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc "Tổng tuyển cử” để bầu Quốc dân Đại hội. Ngày 17-10-1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL về Thể lệ "Tổng tuyển cử”.
Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, nhấn mạnh: "Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình (...) Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Tại Hà Nội, trong cuộc "Tổng tuyển cử” đầu tiên này, có không ít những lá phiếu nhuốm máu cả người đi bầu, cả người tổ chức bầu cử. Chỉ riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn có 42 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ "Tổng tuyển cử”.
Nhìn chung, cuộc "Tổng tuyển cử” ngày 6-1-1946 đã thành công trên phạm vi cả nước. Tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%; trong khi đó, theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51/SL về Thể lệ "Tổng tuyển cử”, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc "Tổng tuyển cử” bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Thắng lợi của cuộc "Tổng tuyển cử” mang nhiều ý nghĩa, không những hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực Nhà nước mà còn là giải pháp mang tính gốc rễ, căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột giai cấp, đảng phái trong điều kiện hòa bình với câu trả lời rất đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục là: Bầu cử thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6-1-1946 là nền móng để xây dựng một Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Những bài học kinh nghiệm quý báu
Từ thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên để lại bài học kinh nghiệm quý báu: Trong bất luận hoàn cảnh nào cũng phải đặt trọn niềm tin vào nhân dân. Bởi thực tế đã minh chứng, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong thế nước "ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất, nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin vào nhân dân, vì Người tin rằng, nhân dân Việt Nam có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào chính quyền cách mạng và giao trọn niềm tin của họ cho Đảng, cho chính quyền cách mạng. Bên cạnh đó, việc bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động và sáng tạo là dấu ấn nổi bật trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên.
Kinh nghiệm quý báu được đúc kết còn là công tác tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất. Điều này được minh chứng bằng các cuộc vận động, tuyên truyền về cuộc "Tổng tuyển cử” ngày 6-1-1946 diễn ra sôi nổi, phong phú trên khắp cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các báo như Cứu quốc, Sự thật giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập. Từ nhiều tháng trước ngày bầu cử, cán bộ Việt Minh ở cấp cơ sở đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân.
Cuối cùng là bài học về quyền ứng cử. Về vấn đề này, ngày 30-12-1945, trong bài viết trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: "Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”. Thực tiễn về quyền ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử 78 năm về trước, kinh nghiệm rút ra đối với công tác bầu cử Quốc hội hiện nay là phải hết sức tôn trọng quyền tự do ứng cử và nơi tranh cử của ứng viên.
Gần 8 thập kỷ trôi qua, nhưng những kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6-1-1946 vẫn vẹn nguyên giá trị, cần được chắt lọc, vận dụng vào công tác bầu cử của Quốc hội các khóa trong giai đoạn mới, để Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hơn nữa, cuộc "Tổng tuyển cử” bầu Quốc hội đầu tiên cũng để lại nhiều giá trị quý báu đối với việc tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm sát thực tiễn, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
(Theo HNMO)