Đảng bộ tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh từng bước xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu; phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh; đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đảng bộ tỉnh chú trọng đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên.
Trong đó, việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, tỉnh đã cụ thể hóa qua nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ và các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh ủy đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách bảo đảm toàn diện trên các lĩnh vực, gồm: 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; 80 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 54 nghị quyết, 32 đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh; hàng năm đều ban hành chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm. Trong đó, có những mục tiêu, nhiệm vụ lần đầu tiên được Tỉnh ủy đưa vào nghị quyết Đại hội như: Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái; số cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương hàng năm…
Trên cơ sở đặc điểm, cơ chế vận hành, thuộc tính cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bám sát đặc trưng cơ bản đồng thời là thuộc tính quan trọng của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là "Phải gắn kinh tế với xã hội. Mỗi chính sách kinh tế đều phải gắn với mục tiêu phát triển xã hội. Mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực phát triển kinh tế...”, Tỉnh ủy tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển phù hợp với thực tiễn địa phương, nhất là mối quan hệ: giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành công và bảo đảm cho sự phát triển theo đúng định hướng XHCN, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, kết hợp với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được Tỉnh ủy quan tâm, chú trọng; qua đó, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo và lựa chọn đúng đắn con đường đi lên CNXH của Đảng.
Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, vượt lên những khó khăn, thách thức, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chung sức, đồng lòng; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, xác định và thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với điều kiện phát triển trong từng giai đoạn cụ thể nhằm khơi thông các điểm nghẽn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ tạo động lực mới cho phát triển; xây dựng, phát triển tỉnh Yên Bái đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện, tạo nên diện mạo mới, sức sống xã hội mới, hình ảnh mới, trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Kinh tế phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng qua các năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và ngày càng rõ nét hơn; tỷ trọng nông - lâm nghiệp đã giảm từ 47,4% năm 2000 xuống 22,12% năm 2023; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,6% năm 2000 lên 32,46%
; tỷ trọng dịch vụ năm 2000 chiếm 30%, năm 2023 là 41,12%; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2000 đạt 2,4 triệu đồng (tăng lên 15,5 triệu đồng năm 2010, gấp 6,5 lần so với năm 2000); năm 2020 đạt 40,1 triệu đồng (gấp 2,6 lần năm 2010; gấp 16,7 lần năm 2000 và khoảng 30 lần năm 1995). Năm 2023, GRPD bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng, đứng thứ 10/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà.
Trong phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tỉnh tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Yên Bái là tỉnh thứ 2 trong khu vực Tây Bắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3 và là tỉnh thứ 18 của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông cấp độ 2. Tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông không ngừng được nâng lên. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả và hết năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 65,62% (đạt mức 2 - khá hạnh phúc). Yên Bái cũng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, là điểm sáng trong các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, bình quân tỷ lệ giảm nghèo đạt trên 4%/năm. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, định hướng dư luận xã hội được tăng cường, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng; công tác dân vận của hệ thống chính trị được đẩy mạnh, góp phần tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp được nâng lên; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tích cực, chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Những kết quả, thành tựu về nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái, góp phần khẳng định sâu sắc thêm con đường đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và dân tộc ta.
Thu Hạnh