Sáng 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và trao tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao tặng danh hiệu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân đã có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các nghệ sĩ.
Theo Chủ tịch nước, danh hiệu NSND, NSƯT là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng cho những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; là những tài năng nghệ thuật, có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ.
Các NSND, NSƯT thực sự là "vốn quý của đất nước", dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
"Trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta cùng nhau tri ân các thế hệ nghệ sĩ tài năng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; cùng nhau dành những tình cảm quý trọng nhất, sâu sắc nhất, chân thành nhất đến các nghệ sĩ luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, bằng tài năng nghệ thuật và tình yêu con người, tình yêu đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, lao động, sáng tạo bền bỉ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó có những nghệ sĩ đã không còn nữa để nghe tên mình được xướng lên tại lễ vinh danh"- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh của văn hóa, con người. Văn hóa đóng vai trò là nền tảng tinh thần xã hội, là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững mà nghệ thuật là "lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng Chân - Thiện - Mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam".
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bối cảnh mới, thời cơ mới đan xen nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao cho các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất chính là: Phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa con người Việt Nam, bồi đắp phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới, cổ vũ khát vọng và ý chí vươn lên, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo; nêu cao niềm tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.
Đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi thử nghiệm các phương thức biểu đạt mới phù hợp với văn hóa Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới, có nhiều tác phẩm hay, truyền tải những giá trị nhân văn, tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.
Chủ tịch nước nói Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: "Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc". Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, say mê cống hiến với ý thức đầy đủ về khó khăn, thách thức và cơ hội trong phát triển, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, đảm bảo để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Coi trọng công tác bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận...
Chủ tịch nước tin tưởng các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau vững chắc với năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng và tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, đội ngũ nghệ sĩ nước nhà sẽ sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, mang tầm thời đại, xây đắp nền tảng tinh thần xã hội, đóng góp to lớn hơn nữa trên hành trình đi tới của dân tộc.
Phát biểu tổng kết quá trình triển khai xét tặng danh hiệu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước cho biết, so với các lần xét tặng trước, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 có nhiều điểm mới: Quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu; Quy định cụ thể hơn về cách tính quy đổi giải thưởng; Bổ sung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng: có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Quy định về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân hướng tới những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do; Quy định về tỷ lệ phiếu bầu…
Ở lần xét tặng này, Hội đồng cấp Nhà nước nhận được 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.
NSND cao tuổi nhất là NSND Hùng Minh - diễn viên cải lương TP.HCM, sinh năm 1930 (94 tuổi), NSND trẻ tuổi nhất là NSND Hoài Thu - diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội và NSND Hồ Ngọc Trinh - diễn viên Nhà hát Cải lương Long An, sinh năm 1984 (40 tuổi).
NSƯT cao tuổi nhất đối với nam là NSƯT Nguyễn Quý Hải - Nhà hát Kịch nói Quân đội, sinh năm 1932 (92 tuổi); đối với nữ là NSƯT Lê Mai - Nhà hát Kịch Hà Nội sinh năm 1939 (85 tuổi). NSƯT trẻ tuổi nhất đối với nam là NSƯT Vũ Thanh Tuấn - diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam sinh năm 1990 (34 tuổi); đối với nữ là NSƯT Phạm Khánh Ngọc - diễn viên Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM sinh năm 1988 (36 tuổi).
(Theo Vietnamnet)