Việt Nam-New Zealand còn nhiều dư địa hợp tác về công nghệ, giáo dục, kinh tế

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/3/2024 | 8:18:08 AM

Doanh nghiệp New Zealand mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện, thúc đẩy để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bất động sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và một số doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và một số doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand.

Trong chương trình thăm chính thức New Zealand sáng 10/3, tại thành phố Auckland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các nhà khoa học công nghệ người Việt tại New Zealand; tiếp Hiệu trưởng Đại học Waikato; làm việc với Hội đồng Kinh doanh thành phố Auckland và một số doanh nghiệp tiêu biểu của New Zealand để nắm bắt tình hình; tìm hiểu nhu cầu, tiềm năng, khả năng, cơ hội hợp tác; chia sẻ kinh nghiệm; kết nối hợp tác trong các lĩnh vực.

Việt Nam và New Zealand còn nhiều dư địa hợp tác về công nghệ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Nhóm khoa học công nghệ người Việt tại New Zealand (VietTech NZ). Các nhà khoa học người Việt tại New Zealand cho biết VietTech NZ là cộng đồng kết nối các cá nhân Việt Nam sinh sống, làm việc, nghiên cứu tại New Zealand để tham gia đóng góp các sáng kiến khoa học, công nghệ; trao đổi, chia sẻ các thành tựu nghiên cứu, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tri thức Việt Nam tại New Zealand.

Các đại biểu giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ về tiềm năng, những dự án, chương trình cụ thể đã, đang và có thể hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, năng lượng, thương mại, công tác quy hoạch, môi trường…

Các trí thức người Việt tại New Zealand đề nghị Chính phủ có phương thức, cơ chế thu hút, tạo điều kiện để trí thức người Việt tham gia các vườn ươm công nghệ trong nước và ngược lại; có cơ chế "đặt hàng" cho trí thức người Việt ngoài nước; hỗ trợ để phát triển mạng lưới trí thức toàn cầu, trong đó có New Zealand; đề nghị Việt Nam mở lại đường bay, miễn thị thực tạo điều kiện thuận lợi cho các trí thức người Việt tại New Zealand đi lại, hợp tác, cống hiến…

Sau khi các Bộ trưởng có ý kiến trao đổi, phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, cũng như các sáng kiến và hoạt động tích cực của VietTech NZ trong nỗ lực kết nối mạng lưới tri thức người Việt hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần vào thành công chung của cộng đồng người Việt tại New Zealand.

Bày tỏ ủng hộ việc xây dựng VietTech NZ lớn mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các cơ quan liên quan của Việt Nam thúc đẩy cơ quan sở tại công nhận địa vị pháp lý của VietTech NZ.

Các bộ, ngành tổ chức các đầu mối, có công cụ để kết nối, tiếp nhận, trao đổi…với các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài; tổ chức giải thưởng khoa học công nghệ, diễn đàn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Cho rằng quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và New Zealand còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nhóm VietTech NZ phát huy hơn nữa vai trò kết nối hiệu quả cộng đồng người Việt trong lĩnh vực công nghệ ở New Zealand và giữa Việt Nam và New Zealand; tăng cường kết nối với Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu, qua đó đóng góp thực chất, hiệu quả vào sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, tham gia tích cực vào quá trình phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…, đặc biệt là các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, hydrogen, chíp bán dẫn.

Thủ tướng đề nghị các thành viên VietTech NZ hỗ trợ kết nối hai nền giáo dục để Việt Nam tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của New Zealand, đưa nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập tại New Zealand; kết nối nghiên cứu, chia sẻ, hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nông nghiệp, chống Biến đổi Khí hậu, chứng chỉ carbon, quy hoạch xây dựng kiến trúc, công nghệ sinh học, y tế, bảo vệ chăm sóc sức khỏe; đồng thời truyền đạt kinh nghiệm về xác lập địa vị pháp lý và các kỹ năng khác cho sinh viên người Việt sang học tập tại New Zealand.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng các trí thức, nhà khoa học người Việt tại New Zealand thành công nhiều hơn nữa trên con đường lập thân, lập nghiệp, giúp đỡ gia đình, tham gia xây dựng sở tại, quê hương, đất nước và quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Việt Nam-New Zealand hợp tác chặt chẽ về giáo dục

Tiếp Giáo sư Neil Quigley, Hiệu trưởng Đại học Waikato (thành phố Hamilton) kiêm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương New Zealand, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Đại học Waikato - một trong những trường đại học hàng đầu của New Zealand luôn coi Việt Nam là địa bàn ưu tiên trong khu vực Đông Nam Á; hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; đặc biệt có nhiều chương trình hợp tác rất hiệu quả với các trường đại học của Việt Nam như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang…

Khẳng định Việt Nam là một trong số các quốc gia Đông Nam Á có nhiều sinh viên, học sinh theo học tại New Zealand và để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-New Zealand, nhất là hợp tác giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại học Waikato mở rộng hợp tác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam; mở thêm phân hiệu tại Việt Nam; trao đổi giảng viên, sinh viên; cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam; trao đổi phương pháp, giáo trình giảng dạy; tiếp tục tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường.

Thủ tướng đề nghị Nhà trường tăng cường liên kết với các trường đại học, cơ sở giáo dục của Việt Nam trong một số lĩnh vực mới, tiềm năng và Việt Nam có nhu cầu cao như công nghệ số, Fintech, Trí tuệ Nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng, hydrogen, chíp bán dẫn, công nghệ sinh học, môi trường.

Thủ tướng mong muốn, với kinh nghiệm và vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Dự trữ New Zealand, Giáo sư có nhiều hoạt động hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong xây dựng chính sách vĩ mô, trong đó có điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất; chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực tín dụng, quản trị tài chính, ngân hàng, tư vấn cho Việt Nam trở thành trung tâm tài chính trong khu vực Đông Nam Á.

Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, Hiệu trưởng Đại học Waikato cho biết Việt Nam là địa bàn ưu tiên của Đại học Waikato trong khu vực Đông Nam Á và đã có nhiều chương trình hợp tác hiệu quả với Việt Nam; cam kết tập trung nguồn lực và hoạt động lâu dài ở Việt Nam.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng, Giáo sư Neil Quigley cho biết sẵn sàng có xúc tiến các hoạt động hợp tác và chia sẽ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực tín dụng, quản trị tài chính, ngân hàng.

Chia sẻ một số khuyến nghị chính sách kinh tế vĩ mô theo đề nghị của Thủ tướng, Giáo sư Neil Quigley đánh giá cao những giải pháp và kết quả điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát của Việt Nam và trên một số lĩnh vực, khía cạnh, Việt Nam còn làm tốt hơn nhiều nước phát triển.

Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Đại Đại học Waikato và các trường Đại học của Việt Nam trao đổi 4 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam tặng Giáo sư Neil Quigley.

Nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Simon Bridges, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Auckland và lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu của New Zealand.

Tại cuộc làm việc, ông Simon Bridges cho biết các doanh nghiệp New Zealand đã quan tâm quá trình phát triển vượt bậc của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua; nhận thấy có nhiều cơ hội để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và đã có nhiều dự án thành công tại Việt Nam.

Đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp New Zealand cho biết đang làm việc tích cực với các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam; mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện, thúc đẩy để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, bất động sản, hàng không, xuất nhập khẩu rau quả.

Sau khi các Bộ trưởng trao đổi, giải đáp các đề xuất của lãnh đạo các doanh nghiệp New Zealand, phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam; cho biết, Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư để các nhà đầu tư đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng Chính phủ, sau gần 50 năm, quan hệ Việt Nam-New Zealand đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực; hướng tới nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới. Hai bên cùng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại ASEAN-Astralia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đầu tư," Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định các lĩnh vực mà các doanh nghiệp New Zealand quan tâm, hợp tác đầu tư tại Việt Nam đều là những lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng phát triển tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp New Zealand tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể.

Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi năng lượng và có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời; nhu cầu phát triển nhiều khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp; có nhu cầu nhập khẩu một số loại nông thủy sản của New Zealand, cũng như mong muốn xuất khẩu các loại hoa quả, nông sản mà New Zealand có nhu cầu.

Trong lĩnh vực hàng không, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trước đây Việt Nam đã có đường bay thẳng tới New Zealand, song từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra đường bay bị gián đoạn. Tuy nhiên, trên đà phục hồi kinh tế-xã hội, trong khi Việt Nam có 11.000 người đang làm ăn, sinh sống, học tập tại New Zealand và người dân Việt Nam rất yêu thích du lịch New Zealand, tới đây hai bên sẽ có những thỏa thuận cải thiện chính sách visa, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa hai nước sẽ tăng, việc mở đường bay thẳng hoàn toàn có cơ hội lớn.

Khẳng định, dư địa hợp tác đầu tư, kinh doanh Việt Nam-New Zealand còn rất lớn, Thủ tướng cho rằng cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, trước mắt khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác

Đối với lĩnh vực du lịch, hai địa phương tăng cường phối hợp liên kết, khai thác các tour, tuyến du lịch. Mù Cang Chải đã trở thành điểm du lịch được nhiều người dân thành phố Yên Bái lựa chọn là điểm đến trong các kỳ nghỉ lễ.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai ký kết quy chế phối hợp công tác tuyên giáo.

Ngày 9/3, tại thị xã Nghĩa Lộ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác tuyên giáo giai đoạn 2024-2025.

Đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trần Ngọc Luận dự và phát biểu tại buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ tháng 3 tại thôn Tân Thành, xã Tân Nguyên.

Vừa qua, đồng chí Trần Ngọc Luận - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã đến làm việc với Đảng ủy xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình và dự sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024 tại Chi bộ thôn Tân Thành, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung "vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật" do liên quan đến các sai phạm của AIC.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục