Tư tưởng và sự nghiệp của Marx đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, được nhiều thế hệ nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ và tôn vinh. Tên tuổi của Marx gắn liền với một học thuyết cách mạng và khoa học đã làm thay đổi đời sống hiện thực của loài người, bắt đầu từ thế kỷ 20 đến nay. Những phát hiện khoa học của Marx thực sự mang tính vạch thời đại, trở thành vũ khí sắc bén cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột; là cương lĩnh, kim chỉ nam của các Đảng Cộng sản và công nhân trên toàn thế giới.
Nhà bác học thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại
Marx sinh ngày 5-5-1818, ở thành phố Trier (Đức). Năm 1835, lúc mới 17 tuổi, ông đã sớm thể hiện tư tưởng nhân văn trong đề tài luận văn tốt nghiệp trung học "Những suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề” khi viết rằng: Kinh nghiệm cho thấy, những người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là kẻ hạnh phúc nhất. Năm 1835, Marx vào học đại học, thời gian này, ông nghiên cứu nhiều về triết học. Tốt nghiệp đại học, Marx bắt tay vào công trình nghiên cứu độc lập của mình và ngày 15-4-1841, khi mới 23 tuổi, Marx đạt học vị tiến sĩ với bản luận án xuất sắc: "Sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Démocrite và triết học tự nhiên của Épicure". Đây là dấu mốc thể hiện sự nảy nở của thiên tài bác học. Từ khi là tiến sĩ, Marx đã thực sự là một thiên tài và nhà tư tưởng uyên bác với sự xuất hiện nổi bật trong các sinh hoạt học thuật của giới trí thức đương thời, đến mức ông được đánh giá là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời trí tuệ nhân loại.
Bằng trí tuệ uyên bác và những nghiên cứu, hiểu biết thực tiễn, Marx đã viết nhiều tác phẩm với những tư tưởng hết sức mới mẻ và tiến bộ như "Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844", đây là sự phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng mà sau này, Marx phát triển một cách khoa học trong bộ "Tư bản" và tác phẩm "Gia đình thần thánh", phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.
Sau tháng 2-1845, Marx tự đặt ra cho mình nhiệm vụ đề xuất một học thuyết cách mạng mới. Ông đã viết nhiều tác phẩm phê phán chủ nghĩa duy tâm, chống lại triết học tiểu tư sản; trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chính trị kinh tế học vô sản. Đặc biệt, năm 1848, Marx cùng Friedrich Engels viết "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"-một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của Chủ nghĩa Marx và đảng vô sản. Năm 1867, bộ "Tư bản" (tập I) của Marx ra đời đã vạch rõ quy luật giá trị thặng dư. Trong tác phẩm những năm cuối đời, Marx nêu lên hình thức tổ chức của chuyên chính vô sản, chỉ ra thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa cộng sản (CNCS) và việc thành lập đảng vô sản ở các nước...
Với những tư tưởng vĩ đại, Marx đã xác lập nên học thuyết khoa học và cách mạng của mình, ở đó thể hiện đóng góp to lớn của ông đối với lịch sử và xã hội.
Thứ nhất, quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử của Marx. Đây là một trong hai phát minh vạch thời đại của ông. Với phát minh này, lần đầu tiên, lịch sử được nhận thức và lý giải đúng như bản thân nó, khách quan và chân thực. Marx đã làm sáng tỏ phép biện chứng của khách quan và chủ quan, xây dựng nên một định nghĩa kinh điển về bản chất của con người, đó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Ông khẳng định rằng, lịch sử chính là lịch sử hoạt động của những con người hiện thực, nó không phải là thần bí, tự phát, mà hoàn toàn có thể nhận thức được. Lịch sử vận động một cách có quy luật, dựa trên những tiền đề hiện thực, đó là một quá trình lịch sử-tự nhiên.
Thứ hai, lý luận hình thái kinh tế-xã hội, là xương sống trong học thuyết của Marx về phát triển xã hội theo logic lịch sử-tự nhiên. Trên cơ sở phát hiện ra quy luật mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, Marx cũng đồng thời xây dựng lý luận về cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội và lịch sử dù trải qua bao thăng trầm thì vẫn phát triển theo đúng quy luật của nó.
Thứ ba, đó là những dự báo thiên tài mãi mãi còn giá trị to lớn, mà Marx và Engels đã nêu ra: Sự thất bại của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản đều là một tất yếu lịch sử như nhau-đây là tư tưởng mang tầm chiến lược của Marx. Đồng thời, chỉ ra con đường xóa bỏ CNTB, kiến tạo một xã hội tương lai cộng sản chủ nghĩa, bảo đảm cho con người được phát triển tự do.
Thứ tư, phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư, đây là phát minh thứ hai, vạch thời đại của Marx. Với phát hiện này, Marx đã "vén lên bức màn bí mật” của các quan hệ kinh tế-xã hội dưới CNTB, vạch trần việc giai cấp tư sản đã bóc lột lao động làm thuê của công nhân một cách rất tàn bạo. Đó còn là sự bóc lột về kinh tế đi liền với áp bức về chính trị và nô dịch về tinh thần, đẩy những người vô sản và quần chúng lao động nghèo khổ vào tình trạng tha hóa, từ tha hóa lao động đến tha hóa bản chất con người.
Thứ năm, phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của đội tiên phong là Đảng Cộng sản trong công cuộc xóa bỏ CNTB, xây dựng CNCS; đem lại lời giải thích khoa học và cách mạng về sứ mệnh lịch sử đó-một giá trị có tầm thời đại của Marx. Đây là cốt lõi lý luận chính trị của Chủ nghĩa Marx.
Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới
Không chỉ là một nhà khoa học thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại, Marx còn là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, dũng cảm đấu tranh cho một xã hội tiến bộ. Ở Marx, nhà khoa học và người chiến sĩ cách mạng là một, nghiên cứu khoa học luôn gắn liền với đấu tranh cách mạng. Ông đã có đóng góp rất quan trọng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Ngay từ năm 1845, Marx đã đưa ra tuyên ngôn của nền triết học mới: Triết học mới không cần lơ lửng trên bầu trời mà cần đứng vững bởi đôi chân trần thế trên mảnh đất của hiện thực, sức mạnh vật chất của triết học chính là giai cấp công nhân và giai cấp công nhân tìm thấy ở triết học sức mạnh tinh thần của mình.
Với phương pháp luận đúng đắn, trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", Marx và Engels luận giải khoa học và đầy thuyết phục về sự diệt vong của CNTB và sự thành công của chủ nghĩa xã hội là "tất yếu như nhau”, đó là quy luật phát triển của xã hội loài người. Đồng thời chỉ rõ, trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp có khả năng lật đổ CNTB, xây dựng CNCS và khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng cao cả đó. Marx nhấn mạnh, trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, giai cấp công nhân phải lập ra chính đảng của mình để lãnh đạo cách mạng. Marx còn chỉ ra mục tiêu, phương pháp và lực lượng cách mạng, mà chính Marx và Engels đã nêu khẩu hiệu hành động rất nổi tiếng: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”.
Không dừng lại ở đó, Marx lần đầu tiên đã phác họa và nêu lên hình thức hợp lý nhất của chuyên chính vô sản-chính quyền của giai cấp công nhân là kiểu tổ chức chính trị như Công xã Paris. Đồng thời, chỉ ra cho giai cấp công nhân về bước đường xây dựng xã hội mới trong thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS và hai giai đoạn phát triển của CNCS là: Giai đoạn thấp (chủ nghĩa xã hội), giai đoạn cao (CNCS).
Không chỉ là thiên tài bác học và nhà tư tưởng vĩ đại, Marx còn là nhà hoạt động cách mạng hết sức tiêu biểu, có nhiều đóng góp rất quan trọng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trước hết là Liên đoàn những người cộng sản; Marx còn là người tổ chức, lãnh đạo của Quốc tế I. Chính những điều này minh chứng Marx thực sự là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Hơn hai thế kỷ đã trôi qua kể từ khi xuất hiện vĩ nhân Marx, tư tưởng mang tính vạch thời đại và sự nghiệp của ông vẫn vẹn nguyên giá trị, sống mãi, bất chấp sự xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch. Những gì Marx để lại cho nhân loại đã minh chứng nổi bật về nhà bác học thiên tài, nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Học thuyết Marx-Lenin, mà ở đó có những tư tưởng cách mạng và khoa học của Marx đã, đang và mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trên hành trình tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Theo QĐND)