Đồng chí Hoàng Việt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn cho biết: "Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có khoảng 70% số cán bộ tại chỗ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Để có hình thức bồi dưỡng phù hợp, Huyện ủy mở nhiều lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước… Cùng đó, huyện liên kết với các trường đại học nông - lâm nghiệp mở lớp đào tạo cho cán bộ huyện và cấp cơ sở. Huyện ủy cũng chủ động mở lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã. Sau đào tạo, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực”.
Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện đồng bộ, thận trọng, chặt chẽ và gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo cán bộ, góp phần tạo nguồn cán bộ kế cận, xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cán bộ được điều động, luân chuyển bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng 11 năm 2023, đồng chí Hoàng Quốc Hưng được điều động luân chuyển từ Phòng Dân tộc đến nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Sùng Đô. Sau 6 tháng công tác ở cơ sở, việc đầu tiên đồng chí Hưng thực hiện là đến dự sinh hoạt của các chi bộ thôn để nắm tình hình đảng viên, nhân dân, phân tích lợi thế ở từng vùng và lấy đó làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở cơ sở.
Bí thư Đảng ủy xã Sùng Đô Hoàng Quốc Hưng cho biết: "Sùng Đô tuy là xã đặc biệt khó khăn song cũng có lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế. Chúng tôi hiện có hơn 200 ha chè Shan tuyết cổ thụ đang được bảo vệ và thu hoạch tốt. Đặc biệt, ở thôn Giàng Pằng có trên 100 ha chè Shan tuyết cổ thụ nằm trên những đỉnh núi cao quanh năm phủ mây trắng có thể kết hợp phát triển du lịch”.
Trong công tác cán bộ, huyện Văn Chấn đã mạnh dạn đào tạo tại chỗ bằng cách giao việc khó để thử thách cán bộ trẻ. Đồng chí Triệu Tòn Pết sinh năm 1984 nhưng đã có gần 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã Nậm Lành. Là người sinh ra và lớn lên ở xã Nậm Lành, đồng chí Pết hiểu rõ khó khăn, lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương.
Đồng chí Pết cho hay: "Nậm Lành có 90% là người dân tộc Dao, có một thôn người Mông đặc biệt khó khăn là thôn Tà Lành. Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế ở Tà Lành nhưng rất khó thực hiện, do nhận thức của bà con rất hạn chế. Do vậy, trong công tác chỉ đạo phát triển kinh tế, chúng tôi chủ trương tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là trong việc bảo vệ rừng. Ngoài ra, với địa hình núi đá, mô hình nuôi dê đang được thử nghiệm khá thành công và hiện đã phát triển được đàn dê 50 con. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này”.
Năm 2024, xã Nậm Lành về đích nông thôn mới; tuy nhiên, tiêu chí về thu nhập hiện mới đạt 39 triệu đồng/người/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Tòn Pết, để đạt mục tiêu thu nhập 42 triệu đồng, xã sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng rừng; trong đó, chú trọng mở rộng và khai thác hiệu quả 1.500 ha quế và 200 ha măng sặt, phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Năm 2023 và quý I năm 2024, Huyện ủy Văn Chấn đã kiện toàn 20 đồng chí cấp ủy viên; điều động và bổ nhiệm 37 đồng chí. Huyện xác định những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở; gắn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với điều động, luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở.
Anh Dũng