Thảo luận tại tổ, đại biểu nêu những quan tâm của cử tri về tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Những đối tượng này đã sử dụng mạng xã hội, sử dụng công nghệ để lừa đảo nhắm đến tất cả các thành phần trong xã hội, từ cán bộ, công chức, viên chức đến người dân ở các vùng, từ vùng thấp cho đến vùng cao.
Đại biểu cho biết, cử tri hết sức băn khoăn và bức xúc về tình trạng này và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có biện pháp xử lý nghiêm, ngăn chặn, xử lý nghiêm; nếu không sẽ gây xáo trộn, bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Liên quan đến tuyển dụng viên chức, đại biểu cho biết, qua giám sát và qua tiếp xúc cử tri, thấy rằng vấn đề tuyển dụng viên chức vào làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là địa bàn vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hiện nay hết sức khó khăn. Chỉ tiêu có không tuyển được, nguyên nhân là không có nguồn tuyển. Trong khi ở vùng thấp thì mức độ cạnh tranh cao nhưng ở vùng cao, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì lại không có nguồn tuyển, nhiều lần thông báo nhưng không có người nộp hồ sơ hoặc người nộp rất ít. Do vậy nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp ở vùng cao, vùng khó khăn hiện nay đang rất thiếu.
"Chúng tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo. Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức khi công tác ở địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn hiện cũng còn chưa thật thỏa đáng, chưa có sức hút lớn” - đại biểu Luận nêu ý kiến.
Về cơ chế đào tạo hiện nay, đại biểu cho rằng: "Trước đây chúng ta cứ hay nói là cử tuyển chưa hiệu quả, chưa đạt được như mong muốn, nhưng có thể nói rằng, các sinh viên cứ sau khi theo học chương trình cử tuyển đại học về các địa phương phát huy rất tốt mà địa phương bố trí được đúng vị trí, đúng với yêu cầu nhiệm vụ cũng thấy rằng rất tốt”.
"Nếu chúng ta lựa chọn cử tuyển các em người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống trực tiếp ở các địa bàn này thì sau này ra trường các em quay về địa phương công tác, phục vụ là tốt nhất và như vậy thì mới giải quyết được vấn đề thiếu nguồn nhân lực”.
Đại biểu Luận đề nghị là Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách làm sao để hỗ trợ vùng cao, tạo điều kiện cho vùng cao trong tuyển dụng để có thể đáp ứng được nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu nêu thực tế đang rất khó khăn đối với các lực lượng chấp pháp liên quan đến xử lý các tang vật, phương tiện giao thông vi phạm mà không xác định được chủ, chủ hợp pháp hoặc người vi phạm không đến nhận phương tiện khá nhiều; trong khi bãi trông giữ phương tiện của các địa phương hiện nay đang rất thiếu, có nơi phải đi gửi nhờ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, như đã có vụ cháy bãi giữ phương tiện.
"Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người nào ra quyết định tạm giữ phương tiện thì người đó phải có chịu trách nhiệm bồi thường, dẫn đến anh em hết sức tâm tư. Do vậy, anh em trong ngành đề nghị là xem xét lại quy định một năm mới được xử lý những phương tiện này thì thời gian như vậy quá dài", đại biểu nêu.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần cũng nghiên cứu trình Quốc hội xem xét điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thứ hai là nghiên cứu hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa cân đối được ngân sách tạo dựng các bãi trông giữ phương tiện để đảm bảo đúng quy định.
Liên quan đến báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong đó có đánh giá việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt được kết quả như mong muốn, tiến độ chưa đảm bảo.
Cho rằng cũng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân do việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, đại biểu Luận nêu thực trạng việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp: từ năm 2015, nhiều địa phương đã thực hiện sáp nhập hai trung tâm này theo các quy định của trên. Hiện nay, các trung tâm này vẫn đang có chức năng đào tạo nghề cho lao động địa phương. Tuy nhiên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp lại có ý kiến cho là các trung tâm này không thuộc đối tượng hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia. Do vậy, nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động này của các chương trình mục tiêu quốc gia khá lớn nhưng các địa phương không giải ngân được; thời điểm hiện nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào về đối tượng này và đang rất mắc.
Đại biểu Luận cũng nêu những vướng mắc trong quy định về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân liên quan đến trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên có trồng bổ sung được thực hiện trên diện tích đất đã giao cho hộ gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền thì thuộc đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia.
"Tuy nhiên, theo Luật Đất đai hiện hành, chỉ có tổ chức mới được giao quản lý rừng tự nhiên, không có hộ gia đình, cá nhân. Đang có mâu thuẫn như vậy, trong khi kinh phí cho nguồn này cũng khá lớn mà các địa phương không giải ngân được. Do vậy, rất cần các bộ, ngành phải có hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, rõ ràng để các địa phương có thể thực hiện” - đại biểu Nguyễn Quốc Luận nêu ý kiến.
Minh Quang