Cuối tháng 5/2024, những hóa thạch vết in lá ở trong đá bột kết và hóa thạch động vật hai mảnh vỏ mà Tiến sĩ Trương Quang Quý - Giám đốc Bảo tàng Địa chất Hà Nội phối hợp với cán bộ của Bảo tàng Yên Bái tìm được tại thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái là những hóa thạch thuộc hệ tầng Cổ Phúc.
Về địa chất thì các đá ở đây là loại đá trầm tích được xếp vào tầng Cổ Phúc có tuổi ở kỷ Neogen ( hay còn gọi kỷ Tân Cận, là một kỷ địa chất của đại Tân Sinh bắt đầu từ khoảng hơn 23 triệu năm trước). Các thành tạo Neogen được xếp vào hệ tầng này chỉ phân bố dọc theo hai bên bờ sông Hồng. Chúng nằm không chỉnh hợp lên các trầm tích Đevon ( là một hệ xen kẽ dạng nhịp của các đá lục nguyên và đá vụn núi lửa thành phần axit) và bị phủ bởi các trầm tích Đệ tứ. Thành phần gồm: cuội kết, sỏi kết màu xám, xám nâu, bột kết xen sét kết màu xám vàng, xám đen được thành tạo cách ngày nay khoảng từ 7 - 10 triệu năm. Hóa thạch thu thập được ở đây cho thấy rằng, khu vực này trước đây là khu vực đầm lầy nước ngọt có các động vật nhuyễn thể và có các hóa thạch thực vật.
Giám đốc Bảo tàng Địa chất Hà Nội và cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái trao đổi nghiệp vụ tại hiện trường tìm thấy hóa thạch.
Tỉnh Yên Bái nằm gọn trong 2 miền cấu trúc Tây Bắc Bắc Bộ và Đông Bắc Bắc Bộ. Ranh giới giữa chúng là quãng đứt gãy sông Chảy. Tham gia vào cấu trúc địa chất của tỉnh Yên Bái có các thành tạo biến chất cao, các thành tạo trầm tích biến chất yếu; các đá carbonat, lục nguyên carbonat; các đá trầm tích xen phun trào; các đá lục nguyên chứa than, lục nguyên màu đỏ; các trầm tích bở rời và các đá magma xâm nhập.
Yên Bái có nhiều địa tầng địa chất. Theo đó, các đá thuộc hệ tầng núi Con Voi có mặt cách ngày nay 1,6- 2,5 tỉ năm, chúng phân bố ở các huyện Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên. Các đá của hệ tầng Ngòi Chi bắt đầu cách ngày nay 1- 2, 5 tỉ năm, lộ ra ở các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên.
Cùng với đó, các đá thuộc hệ tầng Thác Bà có mặt cách ngày nay 542 triệu -1 tỉ năm, lộ ra ở huyện Yên Bình. Các đá thuộc hệ tầng An Phú có mặt cách ngày nay 513 triệu -1 tỉ năm, lộ ra ở các huyện Yên Bình, Lục Yên... Đặc biệt, các đá xâm nhập ở thác Hưng Khánh, huyện Trấn Yên sau khi xác định tuổi tuyệt đối thì được xác định đây là những mẫu đá cổ nhất ở Việt Nam và có tuổi cách ngày nay khoảng 2,9 tỷ năm.
Bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đặc sắc với những giá trị về di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể là điều kiện thuận lợi để Yên Bái có thể thành lập công viên địa chất trong tương lai gần.
Hóa thạch là di tích của các sinh vật để lại trong các tầng đá của vỏ Trái đất. Qua nghiên cứu hóa thạch, các nhà khoa học biết số lượng các sinh vật từng có mặt trên Trái đất vô cùng phong phú.
Hóa thạch vết in lá ở trong đá bột kết và hóa thạch động vật hai mảnh vỏ được tìm thấy tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
Để người dân hiểu hơn về tính đa dạng và độc đáo về cấu trúc địa chất, loại hình khoáng sản của Việt Nam, thời gian qua, Bảo tàng Yên Bái đã tăng cường triển khai các đề tài, dự án liên quan đến nghiên cứu sâu về tài nguyên địa chất, khoáng sản tỉnh Yên Bái. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang lưu giữ và trưng bày trên 300 mẫu vật; gồm các mẫu địa chất, khoáng sản, cổ sinh.
Những mẫu vật này đã giới thiệu đến người xem sự sống ẩn chứa dưới những lớp đất đá tưởng chừng vô tri với những thông tin khoa học và câu chuyện khảo cổ hấp dẫn. Qua đó, người xem được tận mắt nhìn thấy dấu vết của sự sống trên Trái đất cách đây hàng trăm triệu năm.
Những nỗ lực trong công tác tìm kiếm và lưu giữ những "báu vật” cổ sinh của Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần cung cấp cứ liệu khảo cổ quan trọng, đóng góp giá trị khoa học to lớn qua những mẫu vật quý hiếm để người xem khám phá bí ẩn của sự sống cách nay hàng trăm triệu năm. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, giúp công chúng và người dân địa phương hiểu được sự giàu có về tài nguyên khoáng sản nơi mảnh đất mình sinh sống.
Thanh Chi – Đức Toàn