Để tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, đồng chí Chu Đình Ngữ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Thứ nhất, Ban đã tham mưu cụ thể hóa Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205, ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành các văn bản, quy định về công tác cán bộ để thực hiện nghiêm túc quy định.
Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế Quy định số 205, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu ban hành Quy định số 47, ngày 04/12/2023 để cụ thể hóa, triển khai thực hiện.
Việc ban hành Quy định bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định về quản lý cán bộ, phù hợp với thẩm quyền và tình hình thực tiễn, khẳng định quyết tâm cao của Đảng bộ tỉnh trong việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, góp phần răn đe, cảnh tỉnh những hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ, từng bước làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Thứ hai, Ban tham mưu cụ thể hoá quy định về thực hiện cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật bằng Kết luận số 65, ngày 12/4/2023 về thực hiện cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút và chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật trên cơ sở bám sát Thông báo Kết luận số 20 ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; Hướng dẫn số 21 ngày 20/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn Điểm 3 về việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm tại Thông báo Kết luận số 20.
Thứ ba, Ban tham mưu ban hành Nghị quyết 37 ngày 20/4/2021 của Tỉnh ủy về "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 9/9 bí thư cấp ủy, 5/9 chủ tịch UBND cấp huyện, thị, thành phố không phải là người địa phương; từ 50% trở lên bí thư hoặc chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương.
Cùng đó, Ban tham mưu ban hành Quy định số 29-QĐ/TU ngày 27/6/2022 về luân chuyển cán bộ. Trong đó, Quy định đã nêu rõ các chức danh luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: "Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành Công an, Thanh tra, Tài chính, Thuế, Hải quan cấp tỉnh, cấp huyện; Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp xã”.
Thực hiện Quy định này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã bố trí Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND không là người địa phương tại cả 9/9 đảng bộ cấp huyện và đạt trên 68% đối với cấp cơ sở, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37 đề ra, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Cùng với đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ như Quy định về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ; về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và điều động, biệt phái, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; về quy hoạch cán bộ; về tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý…; trong đó có những vấn đề mới, khó, có tính tiên phong như cụ thể hóa quy định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung; chức danh, chức vụ lãnh đạo tương đương,... theo hướng chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định cụ thể về quy trình, thủ tục trong từng khâu của công tác cán bộ; tăng cường phân cấp, phân quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu trong công tác thẩm định nhân sự, góp phần tạo sự đồng bộ, thực hiện nghiêm và có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ cho biết: Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy định số 47 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên và các văn bản quy định có liên quan về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ.
Quy định cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, của cá nhân phụ trách công tác cán bộ; tăng thẩm quyền gắn với trách nhiệm cá nhân và tăng cường giám sát chặt chẽ quyền lực của người đứng đầu về công tác cán bộ; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, lựa chọn, giới thiệu, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ,.., mở rộng dân chủ trong các quy trình công tác cán bộ.
Tiếp tục chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về công tác cán bộ bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, cụ thể, chặt chẽ, kịp thời trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện thực tiễn và không trái với quy định của Trung ương.
Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý, vị trí việc làm ở các cơ quan trong hệ thống chính trị để tạo lập tiêu chí kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; nghiêm túc triển khai đồng bộ, toàn diện các khâu trong công tác cán bộ đảm bảo bài bản, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy trình, chất lượng và có hiệu quả; không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Tiếp tục theo dõi, tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm các chủ trương không bố trí những người có quan hệ gia đình đồng thời giữ một số chức danh trong cùng cơ quan, đơn vị; không bố trí người địa phương giữ một số chức danh; không bố trí cán bộ giữ chức vụ hoặc lĩnh vực công tác quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và người làm công tác tổ chức; phát huy mạnh vai trò giám sát của nhân dân, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; mở rộng thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, tạo sức mạnh của toàn xã hội để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm minh, "không có vùng cấm”, "không có ngoại lệ” những vi phạm trong công tác cán bộ.
Mạnh Cường