Đội TNXP công tác Trung ương gồm 225 đội viên của các tỉnh: Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, do đồng chí Vương Bích Vượng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm đội trưởng. Ngày 15/7 từ đó đã đi vào lịch sử, được lấy làm Ngày Truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam. Suốt chặng đường hơn 70 năm xây dựng, phấn đấu, truyền thống cách mạng, phẩm chất của TNXP trong kháng chiến được phát huy, nuôi dưỡng đến hôm nay và là hình mẫu để thế hệ trẻ học hỏi, tiếp bước cha anh, cùng chung sức thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kim chỉ nam hành động cho Thanh niên Xung phong
Sự kiện thành lập Đội TNXP công tác chứng tỏ rằng, Bác Hồ nhận thấy vai trò to lớn của thanh niên. Nếu được tổ chức lại, được động viên, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, kết hợp ý chí người Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thanh niên, Bác đánh giá cao và tin tưởng họ có sức mạnh dời non lấp biển. Trong Di chúc, Bác Hồ cũng nhấn mạnh vai trò của thanh niên, đánh giá cao lực lượng thanh niên và luôn tin tưởng, giao việc quan trọng cho thanh niên.
Ngày 28/3/1951, toàn Liên phân đội TNXP 312 thuộc Đội TNXP công tác Trung ương khi đang làm nhiệm vụ sửa chữa cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, bảo đảm giao thông thông suốt đoàn Nà Cù - Phủ Thông, vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm. Thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn của việc phá núi mở đường; đồng thời, vun đắp tinh thần, ý chí vượt khó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đội viên TNXP, Bác động viên, thăm hỏi và tặng Liên phân đội TNXP bốn câu thơ: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.
Đây là lời giáo huấn, sự ghi nhận, gửi gắm niềm tin và tình cảm sâu sắc của Đảng, của Bác dành cho TNXP Việt Nam và thế hệ trẻ cả nước trước vận mệnh thiêng liêng của dân tộc; là tư tưởng chỉ đạo hành động, nhằm rèn luyện ý chí, tinh thần, nghị lực cho TNXP và các thế hệ thanh niên Việt Nam. Sức mạnh tinh thần của bốn câu thơ Bác dạy TNXP còn khẳng định sức mạnh "dời non, lấp bể” của thế hệ trẻ và là tư tưởng "Trường học lớn TNXP" - một phương thức tổ chức giáo dục, đào tạo, rèn luyện thanh niên rất đặc sắc.
Bốn câu thơ của Bác đã nhanh chóng lan tỏa, thấm nhuần, là kim chỉ nam hành động cho hàng chục vạn TNXP và lớp lớp thanh niên Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc, từ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đến khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng xã hội chủ nghĩa, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Lực lượng TNXP luôn là biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam. Trong kháng chiến, TNXP đã luôn kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, có mặt, bám trụ trên các tuyến đường chiến lược, ở các trọng điểm ác liệt của chiến tranh, giáp mặt với quân thù, với tinh thần xả thân chiến đấu và quên mình phục vụ chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ, phục vụ công cuộc kháng chiến thành công.
Sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 5 vạn cán bộ, đội viên TNXP đã hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sỹ... góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Giai đoạn 1955 - 1964, lực lượng TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần kiến thiết, xây dựng các công trình, cơ sở vật chất, kỹ thuật quan trọng của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nên một hậu phương lớn vững chắc, đảm bảo sức người, sức của phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 87 cán bộ, đội viên TNXP đã hy sinh trên các công trường mở đường.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng TNXP đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: mở đường chiến lược; vận chuyển hậu cần; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 10 năm (từ 1965 - 1975), lực lượng TNXP đã đảm nhận 16 loại công việc khác nhau, chủ yếu tập trung vào 3 ngành: giao thông vận tải, quốc phòng và lâm nghiệp. Sau năm 1975, lực lượng TNXP còn tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Từ khi thành lập đến nay, không mặt trận nào không có công sức và đóng góp to lớn của các thế hệ TNXP Việt Nam anh hùng.
Lịch sử đã chứng minh vai trò, ý nghĩa to lớn của tổ chức TNXP trong việc phát huy, giáo dục, rèn luyện thanh niên. Trưởng thành trong chiến đấu và lao động, nhiều cán bộ, hội viên TNXP đã trở thành những lao động giỏi, cán bộ gương mẫu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
B.T