Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Mỹ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa lịch sử đối với quan hệ hai nước, khi Tổng thống Barack Obama tiếp và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng. Đó lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ, một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi đó là Ted Osius đã đóng vai trò đáng kể trong việc sắp xếp chuyến thăm lịch sử này. Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ có cuộc trao đổi với Đại sứ Ted Osius về trải nghiệm cũng như ấn tượng của ông về chuyến thăm và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
PV: Từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2014 tới 2017 và đã từng làm việc với Việt Nam trong nhiều năm, ông đã có nhiều kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là trong chuyến thăm Mỹ năm 2015, xin ông hãy chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ của mình?
Đại sứ Ted Osius: Trước hết, tôi muốn gửi lời chia buồn tới nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo kiên định của Việt Nam trong một thời gian dài. Tôi có vinh dự được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington và New York năm 2015. Và tại phòng Bầu dục, Tổng Bí thư đã nghe từ Tổng thống Barack Obama rằng Mỹ tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau.
Hai bên sau đó đã có một cuộc gặp tuyệt vời và đã khiến quan hệ song phương chuyển biến và dẫn tới đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay. Sau cuộc gặp ở phòng Bầu dục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tiếp đón bởi Phó Tổng thống Biden người đã trích dẫn hai câu thơ Kiều của Việt Nam "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước cũng như trong việc tăng cường quan hệ với các nước khác trong đó có Mỹ?
Đại sứ Ted Osius: Trong gần 14 năm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị của mình, Việt Nam đã hoàn toàn hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng hơn 6,5% trong năm nay. Việt Nam là trung tâm mạng lưới các quan hệ giao thương và ngày càng trở nên thịnh vượng mỗi năm. Tầng lớp trung lưu cũng đang phát triển. Quan hệ thương mại với Mỹ rất mạnh mẽ trong khi đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các nước khác đang ngày càng gia tăng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản đó là một Việt Nam thịnh vượng hơn. Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện năm 2013 và 1 thập kỷ sau, khi Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có tác động lớn tới mối quan hệ Việt-Mỹ.
PV: Một phần quan trọng của di sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam, Đại sứ đánh giá thế nào về cách tiếp cận này?
Đại sứ Ted Osius: Tôi cho rằng ngoại giao cây tre của Việt Nam đã rất hiệu quả. Sau chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tôi không nghĩ có lãnh đạo thế giới nào tiếp cả Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga trong vòng 1 năm.
Tôi cũng muốn kể thêm một câu chuyện nữa về chuyến thăm Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đó là trước khi tới phòng Bầu dục gặp Tổng thống Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới Đài tưởng niệm Jefferson. Tôi cho rằng điều này khá quan trọng vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn lưu ý với thế giới rằng Việt Nam đã trích dẫn những câu nổi tiếng của Tổng thống Thomas Jefferson khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập năm 1945 đó là "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...". Việc Tổng Bí thư thăm Đài tưởng niệm Jefferson nhắc chúng ta về sức mạnh của mối quan hệ Việt-Mỹ.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!
(Theo VOV)