Cách đây 95 năm (ngày 28/7/1929), Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lớn, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cách mạng Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự ra đời và phát triển của tổ chức Công đoàn trong suốt chiều dài lịch sử, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng lớn mạnh, ngày càng phát triển, luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc.
Là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động. Công đoàn Việt Nam đã đoàn kết, tập hợp, vận động CNVCLĐ thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng qua các giai đoạn cách mạng; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Công đoàn Việt Nam đã vận động, tập hợp đông đảo CNVCLĐ dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tiến hành những cuộc vận động cách mạng to lớn, phát động những phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, đóng góp sức người, sức của và cả máu xương cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn luôn ở tuyến đầu, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội; tổ chức các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, với trọng tâm Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Phong trào "Xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động”, "Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, thu hút và tạo động lực mạnh mẽ khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đông đảo đoàn viên, người lao động. Qua đó, khẳng định được vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước.
Có thể khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn công nhân và người lao động cả nước đi tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc ta.
Kể từ khi ra đời đến nay, Công đoàn Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đại diện bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; tổ chức, vận động đoàn viên, người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh...
Các đồng chí lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia làm đường giao thông tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Cùng với sự phát triển, lớn mạnh của Công đoàn Việt Nam, ngày 28/7/1947, Đại hội lần thứ nhất Liên hiệp Công đoàn tỉnh Yên Bái được tổ chức, đồng chí Nguyễn Tiến Lãng được bầu làm Chánh thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh. Sự ra đời của Liên hiệp Công đoàn Yên Bái có ý nghĩa to lớn đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), thể hiện sự lớn mạnh của phong trào công nhân Yên Bái.
Khi có tổ chức Công đoàn, đội ngũ công nhân tỉnh Yên Bái đã tham gia các phong trào hiệu quả hơn vì có một tổ chức đứng ra tập hợp, lãnh, chỉ đạo có quy mô, có nội dung, phương thức cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, có những đóng góp quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trường kỳ, góp phần vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ giai đoạn thống nhất đất nước đến nay, với 2 lần tách, nhập tổ chức, Công đoàn tỉnh Yên Bái luôn bám sát vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Đến nay, Công đoàn tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện về mọi mặt, đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, Nghị quyết Công đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XX; đó là sự lớn mạnh và trưởng thành của đội ngũ CNVCLĐ, của đội ngũ cán bộ công đoàn và các cấp công đoàn trong tỉnh.
Công đoàn tỉnh Yên Bái đã trải qua 20 lần đại hội, đề ra các nghị quyết quan trọng trong việc tổ chức phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Từ khi mới chỉ có 5 đến 6 công đoàn cơ sở (CĐCS) và vài trăm đoàn viên; đến nay, có 13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở gồm: 2 công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, 9 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, với 1.033 CĐCS và trên 42.000 đoàn viên.
Trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp của CNVCLĐ ngày càng được nâng lên. Nhiều công nhân đã có khả năng tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến và thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được công đoàn các cấp trong tỉnh thực hiện ngày càng hiệu quả. Các chế độ, chính sách của đoàn viên, người lao động như lương, bảo hiểm, an toàn, vệ sinh lao động... được đảm bảo.
Hoạt động nổi bật trong công tác chăm lo cho CNVCLĐ là hàng năm các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động "Tết Sum vầy”, "Tháng Công nhân” với những hoạt động thiết thực. Trong 5 năm qua, công đoàn các cấp đã trao 12.000 suất quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa 36 tỷ đồng; hỗ trợ làm 99 nhà "Mái ấm Công đoàn”, đạt 152% chỉ tiêu Đại hội, với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng; giải ngân cho 523 lượt nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vay trên 8 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, bảo lãnh cho 22 đoàn viên vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho mỗi hộ bình quân 1,2 đến 2,5 triệu đồng/hộ/tháng. CNVCLĐ rất vui mừng, phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp, các ngành kịp thời quan tâm thăm hỏi động viên, hỗ trợ, tạo động lực để CNVCLĐ nỗ lực vượt qua khó khăn, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao...
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam năm nay là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cán bộ, công chức, viên chức, lao động, của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung và Công đoàn Yên Bái nói riêng; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dịp để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Yên Bái cùng với cả nước ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương và của đất nước trong thời kỳ mới.
Nguyễn Chương Phát - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh